Vấn đề mới mà không mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thảo luận tại tổ ở Quốc hội về dự án Luật Đất đai sửa đổi, câu chuyện thu hồi đất để thực hiện một số dự án lại được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bàn luận, mổ xẻ kỹ lưỡng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần ba quy định, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; và các dự án khác, trong đó đáng lưu ý là dự án đô thị; khu dân cư nông thôn… Với dự án nhà thương mại sử dụng loại đất không phải là đất ở; dự án lấn biển; dự án khai thác khoáng sản; dự án chỉnh trang đô thị cũng thuộc diện thu hồi đất, nhưng cần đáp ứng điều kiện nhất định.

So sánh với luật hiện hành thì dự thảo liệt kê cụ thể hơn các loại dự án, các trường hợp cụ thể Nhà nước thu hồi đất.

Một ĐBQH nêu ý kiến: “Thực tế chứng minh đa số vụ khiếu kiện, ảnh hưởng an ninh, trật tự xã hội, làm mất niềm tin của người dân đều do thu hồi đất làm kinh tế - xã hội”. Nhà nước thu hồi đất thì đền bù giá thấp, khi dự án xây xong, giá đất khu đó lại lên rất cao. Người bị thu hồi đất chắc chắn sẽ rất xót xa.

Từ thực tế đó, ĐBQH này nói nếu liệt kê các dự án thu hồi đất làm kinh tế - xã hội như dự thảo thì rất khó, bởi không thể liệt kê được hết các dự án trong thực tiễn. Nhà nước chỉ nên quy định theo hướng thuận mua, vừa bán giữa doanh nghiệp (DN) và người dân.

Một ĐBQH khác nêu quan điểm rất khó làm rõ khái niệm thu hồi đất “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Vì vậy, đề nghị quy định trong luật các tiêu chí, điều kiện cụ thể với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Luật hiện hành chưa quy định tiêu chí thu hồi đất nên địa phương lạm dụng, nhất là với đất nông nghiệp, ảnh hưởng nông dân.

Theo ông, giá đất bồi thường luôn thấp, chưa đảm bảo sinh kế cho người dân bị thu hồi đất; chưa quan tâm tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho họ. Người dân bị thu hồi đất thường mất việc làm, nhưng lại không có cơ hội, điều kiện tìm việc làm mới.

Thực tế còn phát sinh nhiều khiếu kiện do chủ đầu tư thu được địa tô chênh lệch từ các dự án trên đất bị thu hồi, trong khi nông dân vừa mất tư liệu sản xuất, giá đền bù lại thấp. “Các nhà đầu tư làm giàu được từ đất của người nông dân. Nếu xem quyền sử dụng đất là tài sản của nông dân thì đáng ra họ là người được làm giàu”, ông nói.

Nếu thu hồi đất để làm nhà ở thương mại, mục tiêu đầu tiên mà chủ đầu tư hướng tới là lợi nhuận. Nếu quy định như trong dự thảo thì có nguy cơ dẫn đến DN lợi dụng, kéo theo khiếu nại, khiếu kiện. Cần quy định theo hướng tự thỏa thuận giữa người dân và DN.

Các dự án có nguồn vốn tư nhân phải đánh giá tác động về mặt xã hội khi thu hồi đất của người dân, đảm bảo minh bạch, tránh lạm dụng, gây bức xúc; tránh trường hợp hôm nay thu hồi đất của người dân để xây chợ dân sinh, nhưng ngày mai trong khu chợ lại mọc ra nhà, phố nằm trong chợ.

Bản thân lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng một phần đồng tình với quan điểm của các ĐBQH khi nói “Chúng tôi cho rằng chỉ thu hồi đất khi chứng minh được đó là dự án công, quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia công cộng”.

Có điều bản thân cơ quan này cũng băn khoăn không biết lượng hóa tiêu chí thế nào, mà giải thích còn chung chung “cách hiểu “lợi ích quốc gia công cộng” là người dân sẽ trực tiếp đánh giá xem có tạo ra lợi ích hay không, có tạo khoảng cách giàu - nghèo, bất bình đẳng không. Trường hợp người dân không đồng ý thì sẽ không thực hiện”.

Câu chuyện thu hồi đất là vấn đề “nóng bỏng tay” bao nhiêu năm nay. Trong lĩnh vực khiếu tố, các vụ liên quan quan đất đai chiếm đa số trường hợp. Tuy nhiên, quy định như dự thảo thì chuyện tưởng mới mà bản chất vẫn cũ. Vì vậy, các ý kiến của ĐBQH cần rất lắng nghe, chắt lọc, nghiên cứu để tìm ra giải pháp nào tối ưu nhất, phù hợp nhất, hài hòa lợi ích nhất giữa Nhà nước – người dân – doanh nghiệp.

Đọc thêm