Văn hóa công vụ

(PLO) - Trong những ngày cuối cùng của năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ nhằm hình thành nên một phong cách ứng xử, lề lối làm việc, hình ảnh chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy công quyền.
Hình minh họa
Hình minh họa

Có 4 nội dung chính được quy định trong Đề án này là tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; đạo đức, lối sống và trang phục của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đề án này tạo cơ sở và điều kiện cho việc đưa ra các giải pháp, tổ chức thực hiện các quy định về văn hóa công vụ, đó là các quy định "mở" nhằm bổ sung, hoàn thiện các chế định trong các luật, văn bản pháp luật có liên quan điều chỉnh các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức.

Khác với văn hóa công sở coi trọng hình thức giao tiếp, văn hóa công vụ thể hiện trước hết là thái độ đối với công việc, tinh thần làm việc và các hành vi ứng xử với đồng nghiệp, cấp trên cùng với đạo đức, lối sống được đặt trong bối cảnh thực thi công vụ. Tất cả những cái đó phải đạt tới một chuẩn mực được quy định rõ ràng.

Xây dựng và thực hiện văn hóa công vụ chính là việc tạo nên hình ảnh vừa tôn nghiêm, vừa thân thiện của bộ máy công quyền, nơi đó, mọi người ứng xử với nhau một cách lịch thiệp và tôn trọng, dân dần loại bỏ thói ngồi lê, đôi mách, ghen ghét, tỵ hiềm, thủ đoạn, nịnh bợ và trù dập,... vốn không phải là chuyện xa lạ gì trong chốn công sở. Đó mới là xây dựng phong cách con người công sở chứ nịnh chỉ là hành vi cá biệt tuy khá phổ biến song không gây “chướng tai gai mắt” như hành vi làm công chức mà không chịu làm việc, chỉ rình mò đồng nghiệp và nói xấu lãnh đạo sau lưng.

Với dân, đây là trọng tâm của văn hóa công vụ trong cách ứng xử khi giải quyết công việc. Lần đầu tiên, phép ứng xử với dân được đúc kết "4 xin và 4 luôn": xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép và luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

Thực hiện được điều này một cách thường xuyên và khắp nơi quả thật không hề dễ dàng vì thói quen lạnh lùng, kênh kiệu đã thấm vào máu không ít người trong bộ máy công quyền. Nhưng nếu điều này được thực hiện thì hình ảnh của một bộ máy công quyền được cải thiện rất nhiều, sẽ không còn cảnh kẹp phong bì vào hồ sơ hay tình trạng "cán bộ như con cá heo, cứ nhét đường vào mồm thì mới chịu biểu diễn" như lời của một nhà quản lý xã hội tài ba đã quá cố. Từ những sự ứng xử "xin và luôn" này thì tất yếu, nạn “tham nhũng vặt” sẽ bị đẩy lùi.

Quan trọng nhất trong việc thực hiện văn hóa công vụ là tự giác và có kiểm tra, giám sát, đánh giá và cách giám sát tốt nhất và hiệu quả nhất là từ dân. Nếu còn sợ dân ghi hình mà cấm đoán thì chẳng bao giờ văn hóa công vụ bước chân vào được chốn công sở đâu! 

Đọc thêm