Văn hóa sỉ nhục thời online: Chúng ta không biết, mình đã ác như thế nào!

(PLO) -Tuần nào cũng thế, dường như facebook, mạng xã hội luôn có một đám người rùng rùng xông vào một “con mồi” nào đó. Có thể, những hành động của họ đáng bị lên án, khó chấp nhận nhưng không có nghĩa họ phải nghe tất cả những lời độc địa, ghê rợn… 
Hình minh họa
Hình minh họa

“Tôi biết rằng khi lời kêu gọi tôn trọng nhân phẩm của những người bị xã hội hắt hủi cất lên, nó có thể bị thách thức, bị ghét”, TS. Đặng Hoàng Giang chia sẻ khi nói về chủ đề trong cuốn sách mới của mình - Thiện, ác và Smathphone…

Sự xấu xí, hả hê được… “lột trần”

Có điểm gì chung giữa Hồ Ngọc Hà- ca sĩ, Dương Tường- dịch giả, Nhâm Tiến Dũng và Nhâm Thị Hồng Phương - doanh nhân, Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý- bảo mẫu, T. - nữ sinh trung học, và Đặng Hoàng Giang, chuyên gia nghiên cứu phát triển, cũng chính là tác giả cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone? Bởi tất cả họ, bất chấp sự khác biệt về tuổi tác, ngành nghề… dều dã từng là nạn nhân của những cơn bão trên mạng.

Làm nhục công cộng là hiện tượng có lịch sử cả nghìn năm. Nhưng ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, sự làm nhục được nâng lên một tầm cao vượt bậc: sức lan tỏa kinh người, ai cũng tham gia nhưng lại có được vị trí “không liên quan”.

Còn hơn cả báo chí và ti vi lá cải truyền thống của cuối thế kỷ 20, mạng xã hội có khả năng kết hợp một cách tài tình sự chật chội của tỉnh lẻ, nơi người ta bị soi mói, theo dõi, xì xào, đặt chuyện, với sự ẩn danh của một siêu đô thị. Và vết nhơ đối với người lăng nhục là vĩnh viễn, vì ác nghiệt thay, công nghệ đã xóa bỏ ranh giới về thời gian và địa lý. 

Có vẻ như văn hóa mạng đã tạo ra một sự hồi sinh cho hiện tượng làm nhục. Ngày nay chúng ta không bắt người ngoại tình đứng kiểm điểm trước toàn cơ quan nữa, không bắt thanh niên đeo biển “Thích nhảy đầm” diễu phố nữa, nhưng trên mạng thì những hành động tương tự đang xảy ra hàng ngày, với mức độ bạo lực gay gắt và quy mô rộng lớn hơn rất nhiều, và với những lý do hết sức đa dạng.

Trước kia người ta chỉ đánh đòn phụ nữ chửa hoang ngoài chợ, giờ đây người ta không những đánh người trộm chó mà còn quay video và đưa lên mạng để hàng triệu người có thể xem và “like”. Công nghệ giúp sức để sự tàn nhẫn, vô cảm, cộng với sự thích thú, tò mò chứng kiến bạo lực và cảm giác mình đại diện cho chính nghĩa được nhân lên gấp bội, chứ không chỉ gói gọn trong một góc làng hay con phố…

Tại sao bây giờ người ta dễ dàng like, share và conment độc địa? Vì con người vốn hiếu kỳ và thích tàn nhẫn để giải khuây, và Internet cho họ điều kiện tuyệt vời để làm điều đó: vừa được ngồi hàng đầu để xem “hành hình” nhưng bản thân vẫn không “dính máu”. Chiếc smartphone đã trở thành một vũ khí hoàn hảo để giải trí bằng bạo lực, để trả thù, chà đạp nhân phẩm người khác...

Ai đó sẽ nói, chỉ là ngôn từ thôi mà! Nhưng ngôn từ bạo lực có thể gây ra đổ máu thật. Cô bé T. bị tung clip sex đã tự tử chỉ vì cô thích thế, hay vì chính những nhát like và share, cùng những những bình luận cợt nhả hoặc ác nghiệt trút xuống đầu cô, “Hàng ngon thế!”, “Bán dâm chuyên nghiệp”, “Chết đi đồ hư hỏng”? Và từ ngôn từ bạo lực đi tới hành động bạo lực là câu chuyện đã được thực tế chứng minh.

Tác giả cũng chỉ ra căn nguyên của những hiện tượng này, không phải là điều gì mới mẻ bất ngờ: sự cuồng tín, sự thiếu vắng khả năng thấu cảm, sự cô đơn, chông chênh của cái tôi cá nhân, tuy vậy trong thời đại công nghệ, khi người ta chỉ kết nối nhau qua những “avatar”, thì những điều này càng được khuếch đại lên hơn bao giờ hết.

“Chúng ta tưởng rằng bây giờ mình văn minh hơn nhưng thực ra với tác động của mạng xã hội, nó đã khích lệ, chạm vào những cái xấu xí ở bên trong mình. Với công nghệ ấy, chúng ta đã quay ngược trở lại, sự bất nhân còn khủng khiếp hơn cái thời mà người ta lôi những cô gái chửa hoang ra chợ để đánh đòn.

Trong khi đó, chúng ta lại rất hỉ hả, sung sướng trong chuyện cô bảo mẫu Thiên Lý bị phạt tù, lôi đó ra làm trò đùa trên mạng mà chúng ta không biết được đằng sau là số phận một cô gái 19 tuổi. Rồi đến tối, chúng ta xoa tay đi ngủ và quên mất là mình đã tàn ác như thế nào”. “Công nghệ, sự tách biệt giữa mình và nạn nhân, sự ẩn danh làm chúng ta quên mất người kia là một con người và nó làm cho chúng ta không kiềm chế những yếu tố xấu xí trong mình”.

Nói về nguyên nhân của sự độc ác, TS Giang khẳng định có những hoàn cảnh nhất định kích hoạt sự độc ác. Người ta tàn nhẫn bởi vì người ta nghĩ rằng mình đại diện cho chính nghĩa. Anh đưa ra ý niệm về hai loại độc ác: độc ác mang tính phương tiện và độc ác mang tính lý tưởng. “Một kẻ hiếp dâm phụ nữ vì căm ghét phụ nữ (độc ác mang tính lý tưởng) sẽ tàn nhẫn hơn rất nhiều người hiếp dâm chỉ vì người ta không kiểm soát được nhu cầu của mình (độc ác mang tính phương tiện)”.

Bàn về nguồn cơn của sự độc ác, TS Trần Ngọc Hiếu, giảng viên khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội nói: “Có một điều làm tôi suy nghĩ thêm, đó là tại sao chúng ta lại hả hê hòa nhập vào công lý đám đông. Chúng ta có cảm giác rằng dường như sự công bằng trong xã hội là chưa đủ. Chúng ta thiếu niềm tin vào công bằng xã hội, nên chúng ta phải quan tâm tới hình thức mà tác giả đã nói trong cuốn sách là “chủ nghĩa tự xử””.

Có thể đơn cử như ví dụ về đám cháy một quán karaoke ở Hà Nội tháng 9 năm 2016, có bức ảnh một nữ nhân viên chạy ra ngoài che mặt bằng chiếc áo lót thấm nước lan truyền trên mạng. Ấy vậy mà, thay vì việc nhìn nhận cô gái có cách xử lí tình huống thông minh thì người ta lại đưa ra những bình luận ác ý về nhân phẩm, miệt thị nhân cách và mặc định cô là gái điếm.

Tử tế… không đắt đỏ

Cái “Ác” mà Đặng Hoàng Giang muốn độc giả hiểu, thực chất là một sự làm nhục nạn nhân mang tính cộng đồng, được thể hiện ngay từ những thời xa xưa, thời của việc áp giải phạm nhân đi trên đường phố, cho tới thời nay, những độc giả sẵn sàng dùng ngôn từ cay nghiệt để miệt thị kẻ mà họ cho là đáng khinh.

Tác giả cho rằng, việc “ném đá” cá nhân của cả cộng đồng bắt nguồn từ “tâm lý đám đông”. Bảy bước đi của căm ghét bắt đầu từ sự tụ tập của những người căm ghét lại với nhau, sau đó họ cùng sỉ nhục đối tượng mà họ căm ghét bằng ngôn từ của chính họ, “căm hận tưới tắm căm hận” để rồi sử dụng bạo lực với đối tượng bị căm ghét, phá hủy và quyết định số phận của nạn nhân đó.

Không ngừng lý giải về việc tại sao chúng ta lại căm ghét, biểu hiện của căm ghét, tác giả còn chỉ ra con đường giã từ văn hóa làm nhục khiến chúng ta trở thành những “cái cây xanh mát để người khác tới bên trú ẩn”. Đây cũng là phần hay nhất của cuốn sách, đó là hướng chúng ta đến “dự án trắc ẩn”.

Đây là “dự án” không phải ngày một, ngày hai mà là dự án cả đời của mỗi con người. Dự án trắc ẩn là cách mỗi con người học để tha thứ, để bao dung hơn, dùng sức mạnh của sự điềm tĩnh và sự vững vàng của lòng trắc ẩn. Đặng Hoàng Giang muốn nhắn nhủ tới những người đang tham gia mạng xã hội về thái độ phê bình mà không mạt sát, lên án nhưng không lăng nhục.

Thượng tôn pháp luật vẫn tôn trọng nhân phẩm của con người. Thấu cảm, khoan dung hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn thay vì trừng phạt tàn khốc. Đây chính là “Thiện” mà tác giả muốn hướng tới.

Ở phần sau của cuốn sách, tác giả Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh sức mạnh của sự điềm tĩnh, khả năng quản lý cơn giận, đề xuất phê bình thiện chí, không sử dụng ngôn ngữ bạo lực, từ đó gợi ý suy ngẫm về sự tử tế, lòng khoan dung, lòng trắc ẩn, ý thức về nhân phẩm con người, không coi một hành động sai là tất cả con người của người vi phạm. 

Ở tầm vĩ mô, tác giả khuyến khích xã hội có những nghi lễ tẩy rửa tội lỗi cho người phạm chuẩn, để họ trở lại là một công dân bình thường, như là một biểu hiện của “công lý phục hồi”, chứ không phải “công lý trừng phạt”.

“Cuộc đời khó nhọc, nhưng nó không phải là không thể kham nổi. Cuộc đời trở nên dễ thở hơn, thậm chí đáng sống, khi chúng ta có người khác. Tử tế, đặc biệt từ những người xa lạ, giúp chúng ta bớt cô đơn, đem lại cho chúng ta sự ấm áp và niềm an ủi để đi qua cuộc đời. Tử tế không đắt đỏ, mặc dù có tiền cũng không mua được nó.”

Đó là con đường để thoát khỏi hiện tượng làm nhục, thoát khỏi bạo lực trong hành vi và trong ngôn từ trong xã hội. Công lý không được xây dựng khi người ta chà đạp lên nhân phẩm của người khác. Thượng tôn pháp luật không được xây dựng khi đám đông ra tay trừng phạt trong sự cuồng nộ. Gia đình, trường học, cộng đồng sẽ bị phá huỷ khi người ta không chuyển hóa được giận dữ.

Trong thế kỷ 20, chúng ta đã quay cuồng quá nhiều trong những cơn dán nhãn, căm hận, gọi tên kẻ thù. Cái mà chúng ta cần giờ đây là sự điềm tĩnh, khả năng lắng nghe và thấu cảm với người khác, và sự mạnh mẽ để tha thứ, TS Đặng Hoàng Giang bày tỏ. 

TS. Trần Ngọc Hiếu, giảng viên khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội: Các cá nhân đang bị khủng hoảng niềm tin. 

Họ tưởng mình đang chiến đấu để làm sạch sẽ xã hội, đổ lỗi cho một nền giáo dục đầy lỗ hổng và quan trọng hơn niềm tin giữa người với người đang mất dần đi. Những cuộc tấn công ảo xuất hiện với tần xuất ngày một dày đặc, sử dụng tri thức cộng đồng để phá hủy các hệ thống tư tưởng đang có. Tôi cho rằng đây là một thứ bạo lực còn kinh khủng hơn tra tấn về mặt thể xác, nó khiến chúng ta không còn được sống trong sự riêng tư.

Đọc thêm