Văn hóa trọc phú

Sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá rừng còn là sự tàn phá những giá trị văn hóa khi lấy báu vật của thiên nhiên để trang trí cho sự giàu sang của mình. Đường đi của các cây ấy là đường lậu, mua bằng tiền, kéo theo bao người nhân danh bảo vệ rừng, bảo vệ pháp luật tha hóa.

Một ông cán bộ công an về hưu gây dựng một vườn cây cảnh giữa vùng quê. Vườn rộng, ao sâu, cây quý, nhà sàn, nhà ngang, nhà khách, đường trải đá, mương dẫn nước, xe ô tô riêng đậu trước tiền đình… phô phang một sự phong lưu trưởng giả.

c
Nhiều cây cổ thụ đã bị "đào tận gốc, trốc tận rễ" mang về làm của riêng.

Một cây thuộc loài lắm nhựa, nghe nói là mọc nơi đất thiêng được ông "bệ" về từ hơn 10 năm trước, đã vài trăm tuổi, rồi cái cây đó được tôn lên là Cây di sản Việt Nam, bảng đề là cây đầu tiên ở vùng đất đó được vinh danh.

Khách đến từ xa đến thăm cây, ông chủ ngồi đánh bài trên sập giữa nhà không thèm đứng dậy mời khách một câu, còn các bạn cùng chiếu bạc thì nhìn khách hằm hằm như thể khách là một lũ phá đám. Buồn thay cho một cách ứng xử không đẹp giữa một phong cảnh đẹp!.

Tương tự với cách ứng xử với cây, với người là việc các "đại gia", nhà giàu (và tất nhiên có cả cán bộ đương nhiệm) đào tận gốc, trốc tận rễ những cây cổ thụ từ đại ngàn, từ rừng sâu mang về trồng ở vườn mình, nghiễm nhiên trở thành chủ sở hữu của những cây đó.

Tất nhiên, các vị nhà giàu mới nổi đó bỏ tiền ra mua nhưng những cây ấy là tài sản của quốc gia, cần được bảo vệ giữ gìn chứ đâu phải hàng hóa mà mua bán, mà lấy làm của riêng được.

Đó là sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá rừng đã đành, cái hành vi ấy nó còn tàn phá những giá trị văn hóa khi lấy báu vật của thiên nhiên để trang trí cho sự giàu sang của mình. Đường đi của các cây ấy là đường lậu, mua bằng tiền, kéo theo bao nhiêu người nhân danh bảo vệ rừng, bảo vệ pháp luật vào con đường tha hóa.

Ngay tại một thành phố gần Hà Nội, có một vườn tùng cổ thụ có giá hàng triệu đô. Muốn vào “chiêm ngưỡng” nó, phải được ông chủ điện trước cho phép, khách đặc biệt mới được vào. Nó được bảo vệ nghiêm ngặt bằng hàng rào và một đội bảo vệ canh giữ suốt ngày đêm.

Những cây tùng cổ thụ đó, xuất xứ từ đâu không ai biết nhưng giờ thì ông chủ của nó hiện nguyên hình là một kẻ lừa đảo, bị truy nã sau khi kịp ra nước ngoài bằng hộ chiếu hợp pháp. Rừng tùng được "thổi" giá triệu đô đó phải chăng là vật trang trí cho các cú lừa thêm ngoạn mục?.

Cây cổ thụ thường được dân gian coi là linh mộc, thần mộc, là nơi lưu giữ hồn làng, một phần của văn hóa làng quê, của một cộng đồng. Mang về nhà mình làm vật sở hữu riêng bất chấp đạo lý và luật pháp đã đành nhưng không sợ các thần cây nổi giận hay sao?.

Nhị Ngọc

Đọc thêm