Đúng thật, làm từ thiện phải có văn hóa. Tất nhiên, cụm từ, hay đúng hơn nội hàm “văn hóa từ thiện”, không phải là sáng tạo của ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu, nhưng ít nhất, lần đầu tiên có đại biểu nêu ra trước Quốc hội.
Ai cũng biết, Việt Nam quanh năm thiên tai, lụt bão. Năm 2020, chưa xong đại dịch Covid-19, thảm họa thiên tai miền Trung ập đến liên tiếp. Hoàn cảnh đó khơi dậy trong cộng đồng tình dân tộc, nghĩa đồng bào với nhiều hành động đáng quý, đáng trân trọng. Việt Nam là đất nước “Lá lành đùm lá rách”... đã trở thành đạo lý.
Phong trào “người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện” được dấy lên trong giai đoạn cả nước chống dịch Covid-19 để hỗ trợ y bác sĩ tuyến đầu và người dân phải cách ly, hay người bị mất việc làm, để họ không bị đói ăn đứt bữa. Ở đâu cũng thấy hoạt động nhân đạo từ thiện, từ Chính phủ đón công dân đang bị kẹt ở nước ngoài về nước, quân đội đón người cách ly.
Nhân dân cả nước cũng đã chung tay giúp người dân miền Trung vượt qua khó khăn trong thảm họa thiên tai ở miền Trung với thiệt hại nặng nề về người và của. Nhiều cơ quan, tổ chức đến với vùng thiên tai chung tay góp sức sẻ chia khó khăn, đã để lại hình ảnh đẹp về tinh thần “tương thân tương ái” của người Việt Nam.
Trong hệ thống chính trị có hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương đến xã, phường với vị trí là tổ chức chính trị xã hội; có hệ thống Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với tư cách là tổ chức xã hội nhân đạo duy nhất được lập ra để lo công tác cứu trợ, nhân đạo. Tuy nhiên, cuộc sống đã chứng minh rằng, “hệ thống Nhà nước” không thể ôm được và công tác cứu trợ nhân đạo không phải là lĩnh vực cấp “giấy phép con” được nữa. Cứu trợ nhân đạo phải huy động được và phải để cả xã hội chung tay, tham gia.
Tuy nhiên, “văn hóa từ thiện” đúng là quan trọng, nhạy cảm, bởi nó là khái niệm của đạo đức, của tâm lý con người. Đã có hiện tượng, nhiều người mang quần áo không còn dùng được hoặc đã lỗi thời, sách giáo khoa hay đồ dùng đã cũ, đồ ăn hết hạn sử dụng để cho người nghèo, làm tổn thương họ vì họ là người giàu lòng tự trọng và dễ bị tổn thương. Đó là “phi văn hóa”.
Vì thế, “Của cho không bằng cách cho”, đã trở thành thành ngữ Việt. Nhà nước phải phát huy được sức mạnh nhân ái của xã hội. Chính thế nên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới yêu cầu sớm sửa đổi Nghị định 64 về tiếp nhận, sử dụng phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để phù hợp với tình hình mới, đảm bảo thuận tiện cho cá nhân, tổ chức tham gia cứu trợ. Ngăn chặn mang danh từ thiện để trục lợi (nếu có). Phải kiên quyết loại bỏ tư duy “cấp giấy phép con”, vì nó cũng đi ngược lại tinh thần nhân ái.