Văn hóa Việt nhìn từ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PLVN) - Khởi nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, người Việt đã tôn vinh Vua Hùng là Thủy tổ khai sinh dân tộc, đất nước. Giỗ Tổ Hùng Vương trong “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc, giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc và sức sống, sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy văn hóa nhân loại.
Tượng Vua Hùng - Quốc Tổ của dân tộc Việt Nam.

Tín ngưỡng thể hiện lòng tự hào về cội nguồn quốc gia dân tộc

Lịch sử dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương, với công lao của các Vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Từ huyền thoại “bọc trăm trứng”, mọi người dân Việt Nam đều có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng và có chung Quốc Tổ là các Vua Hùng.

Với lòng tôn kính, biết ơn Vua Hùng, cộng đồng người Việt đã tự nguyện thờ cúng Hùng Vương, đưa việc thờ cúng Hùng Vương trở thành tín ngưỡng, là biểu tượng văn hóa tạo nên truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cả nước có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng Hùng Vương. Theo thống kê của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Chương trong bài viết “Về tình hình phân bố các di tích lịch sử thuộc thời các Vua Hùng” từ năm 1973, Phú Thọ có 432 di tích thờ cúng Hùng Vương và vợ con của các tướng lĩnh, bao gồm 40 đình, đền, miếu thờ Hùng Vương, 77 nơi thờ vợ con các Vua Hùng, 288 nơi thờ Cao Sơn, Tản Viên và các tướng lĩnh, cùng 87 di tích khác liên quan đến các sự kiện lịch sử thời kỳ các Vua Hùng.

Giỗ Tổ Hùng Vương còn được biết với những cái tên khác như Lễ hội Đền Hùng, ngày Quốc Giỗ. Quyết định số 7.COM 11.36 của Ủy ban Liên Chính phủ thuộc UNESCO về công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại đã dành cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương những lời giới thiệu trân trọng và khẳng định: “Truyền thống thờ cúng Hùng Vương là dịp để hiểu biết về cội nguồn của dân tộc, giá trị đạo đức và văn hóa Việt Nam”.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đáp ứng 5 tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là: Thờ cúng Hùng Vương, “một thực hành thể hiện lòng tri ân tổ tiên nhằm nâng cao niềm tự hào và cố kết xã hội” thật sự có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu.

Đề cao sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tự hào về cội nguồn quốc gia dân tộc, ý thức của người dân về lịch sử - một ý thức hệ sâu sắc như một minh triết được ông cha truyền lại cho đến ngày hôm nay.

Được minh chứng qua các chứng cứ sử học, khảo cổ học, dân tộc học..., Lễ hội Đền Hùng hay Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hàm chứa những giá trị truyền thống cốt lõi của cả dân tộc như: Truyền thống nhân văn - thượng võ, với tinh thần kiên cường, bất khuất đấu tranh trước mọi thế lực ngoại bang xâm lược; truyền thống thủy chung theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”...

Giỗ Tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đạt đến đỉnh cao của sự thăng hoa để trở thành ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân, trở thành biểu tượng phản ánh tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc và sự kết nối cộng đồng của người Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ bao giờ?

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Như các tín ngưỡng dân gian khác, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng bắt nguồn từ các truyền thuyết về thời đại Hùng Vương hay thời đại Hồng Bàng. Các truyền thuyết về thời các Vua Hùng đã phủ lên các Hùng Vương vầng hào quang huyền thoại linh thiêng.

Thời đại Hồng Bàng xuất hiện lần đầu tiên trong sách “Lĩnh Nam chích quái”, một tập hợp các truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam được biên soạn vào cuối đời nhà Trần. Hạt nhân tâm linh tiêu biểu nhất trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, biểu tượng văn hóa cao đẹp về ý thức cội nguồn dân tộc. Theo truyền thuyết dân gian, Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là Thủy của Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng.

Sau này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên (ra đời vào năm 1479 dưới thời Vua Lê Thánh Tông) đã chính thức đưa họ Hồng Bàng vào Quốc sử Việt Nam. Hồng Bàng thị được hợp thức hóa thành kỷ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Từ quan niệm triết lý “vạn vật hữu linh”, người Việt cổ đã lựa chọn thần núi (sơn thần) làm đối tượng tôn thờ trên đỉnh núi thiêng Nghĩa Lĩnh và dần hình thành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Năm 40, khi dựng cờ khởi nghĩa, Hai Bà Trưng đã tuyên bố: “Một xin rửa sạch thù nhà/Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng”. Năm 980, niên hiệu Thiên Phúc Nguyên Niên, triều đình nhà Tiền Lê đã cho soạn Ngọc phả Hùng Vương.

Đến thế kỷ XV, nhà Lê tiếp tục cho soạn Ngọc phả Hùng Vương và nâng cấp việc thờ cúng Hùng Vương thành cấp quốc gia. Bằng việc soạn dựng “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng”, năm 1470 triều đại Hậu Lê đã khẳng định vị trí độc tôn dựng nước, sinh dân thuộc về các Vua Hùng. Từ đây, Vua Hùng trở thành bậc đế vương muôn đời của nước Việt, có tông phả giữa thế gian, trời, đất.

Ngược lại, Tín ngưỡng thờ Quốc Tổ chính là nơi lưu giữ lâu dài, làm cho mã văn hóa trong truyền thuyết về thời đại Hùng Vương được lý giải gần với hiện thực của lịch sử và được lịch sử hóa.

Đến thời Tây Sơn và thời Nguyễn, tín ngưỡng nói trên lại được nâng tầm hơn nữa bằng các sắc phong của triều đình, giao cho các làng quanh Đền Hùng phải chăm lo việc thờ tự, cúng giỗ. Năm 1917, triều đình nhà Nguyễn giao cho Bộ Lễ chính thức chọn, định lệ ngày Quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương: Ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm.

Lễ rước kiệu về Đền Hùng.

3 cấp độ trong Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành từ xa xưa và tồn tại ở nhiều dân tộc trên thế giới. Ở Việt Nam, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng dân gian, xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh” - mọi vật đều có linh hồn. Người Việt cũng như các dân tộc khác trên thế giới tôn sùng các vị thần cổ sơ nhất là các nhiên thần, đặc biệt là thần cây, thần đá, thần núi, thần sông nước... Việc nhân hóa các thần tự nhiên đã tạo ra một bước chuyển cho việc hình thành hệ thống nhân thần.

Cùng với biểu tượng về các thần linh, biểu tượng về tô tem (totem - vật tổ) xuất hiện trong thời kỳ thị tộc mẫu hệ. Theo nhà nghiên cứu Nga X.A.Tô-ca-rev, thờ cúng tổ tiên trong thời kỳ thị tộc mẫu hệ chỉ mới manh nha, chưa là hiện tượng phổ biến. Tô tem giáo là giai đoạn phát triển đầu tiên của thờ cúng tổ tiên.

Về văn hóa tinh thần, thời kỳ Hùng Vương dựng nước đã có tín ngưỡng tô tem khởi thủy từ hậu kỳ Đá Cũ gắn liền với Thị tộc nhưng tập trung chủ yếu vào tổ tiên Chim và Rồng.

Về nguồn gốc tâm lý, thờ cúng tổ tiên được hình thành trên cơ sở niềm tin vào sự bất tử của linh hồn tổ tiên. Tổ tiên khi còn sống thì “khôn”, đến lúc chết thì “thiêng”, vẫn ngự trên bàn thờ, vừa gần gũi, lại rất đỗi linh thiêng. Con cháu thành kính, tôn thờ tổ tiên là tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Ý thức về tổ tiên là ý thức về cội nguồn. Thờ cúng tổ tiên là sự phản ánh liên tục của thời gian, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự sống là bất diệt, chết không phải là hết. Các thế hệ tiếp nối nhau, chết chỉ là sự bắt đầu của một chu kỳ sinh mới.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được thể hiện ở 3 cấp độ khác nhau: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình, họ tộc (dòng họ), tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong làng xã (tín ngưỡng thờ thành hoàng làng) và đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (thờ cúng tổ tiên trong cả nước).

Với niềm tin thiêng liêng rằng, tổ tiên tuy đã chết nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại, có khả năng che chở, phù giúp con cháu, được thể hiện thông qua nghi lễ thờ phụng. Đó là sự biết ơn, tưởng nhớ và tôn thờ những người có công sinh thành, tạo dựng, bảo vệ cuộc sống như: cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ, tổ sư tổ nghề, thành hoàng, tổ nước...

Thờ cúng tổ tiên, ông bà đã trở thành một phong tục trong đời sống tâm linh của người Việt tồn tại qua bao thế hệ là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người; đồng thời là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Dân Việt trọng lễ nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ và có hiếu với ông bà, tổ tiên, với nguồn gốc của mình.

Đến thế kỷ XV, khi Nho giáo chiếm địa vị ưu thế trong xã hội, gia đình, gia tộc, và vấn đề “dương danh hiển gia” được đề cao, nhà Lê đã thể chế hóa việc thờ cúng tổ tiên. Bộ luật Hồng Đức quy định rõ, việc con cháu phải thờ cúng tổ tiên 5 đời (tự mình là con, tính ngược lên 4 đời là: Cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ); ruộng hương hỏa, ruộng đèn nhang, cơ sở kinh tế để duy trì thờ cúng tổ tiên dù con cháu nghèo cũng không được cầm bán... Đến thời Nguyễn, nghi lễ thờ cúng tổ tiên được ghi rõ trong sách “Thọ mai gia lễ”.

Đọc thêm