Văn học dân gian dân tộc thiểu số: Cần đánh thức kho tàng đang ngủ quên!

(PLVN) - Người quan tâm đến mảng đề tài văn học dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số thường gặp khó khăn trong việc truy cập, tìm kiếm, tiếp cận tài liệu. Một phần vì văn học dân gian vốn có đặc trưng truyền miệng nên ít được ghi chép lại; phần lớn được thu thập bởi các nhà nghiên cứu, người sưu tầm trong các cuộc điền dã nên còn hạn chế. Liệu có thể số hoá loại hình văn học này để thuận tiện lưu giữ, cũng như giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận với thông tin? 
Văn học dân gian dân tộc thiểu số: Cần đánh thức kho tàng đang ngủ quên!

Mảng “tài nguyên” ít người khám phá

Văn học dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số mặc dù đa dạng và có những thành tựu đặc sắc, riêng biệt nhưng dường như vẫn còn là một ẩn số lớn trong công tác sưu tầm văn học dân gian ở thủ đô Hà Nội hàng thập kỉ qua. Không chỉ là mảng “tài nguyên” ít người khám phá, nguồn tư liệu về loại hình văn học này cũng thuộc dạng “hiếm có, khó tìm”. 

Văn học dân gian của các dân tộc cũng mang đặc điểm chung của văn học dân gian, đó là đặc trưng “truyền miệng” nên rất dễ bị biến mất, dễ bị mai một. Những nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm cũng chỉ có thể dựa trên trí nhớ của tác giả dân gian, nghệ nhân hoặc dân chúng để ghi chép lại.  

Thực tế cho thấy các công trình, cuốn sách về văn học dân gian của đồng bào thiểu số còn quá “nhỏ giọt”. Đáng nói nhất có thể kể đến cuốn Kho tàng văn học dân gian Hà Tây được xuất bản năm 2006 giới thiệu một số tác phẩm văn học dân gian của dân tộc Mường và Dao. Ngoài ra, các tác phẩm văn hoá dân gian của dân tộc thiểu số thỉnh thoảng sẽ được trình bày trong một số cuốn sách bách khoa thư, kho tàng văn học khác nhưng không nhiều. 

Trả lời báo chí, GS.TS Kiều Thu Hoạch, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, cho biết đây là mảng khó do khác biệt ngôn ngữ nên những người sưu tầm thuộc các dân tộc khác không tiếp cận được, có rất ít tác phẩm được văn bản hóa và hầu như chưa được chuyển (dịch) sang quốc ngữ. 

 

Trong khi đó, đồng bào dân tộc thường sống ở vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận nên phải là những nhà nghiên cứu đam mê và hiểu biết về lịch sử, văn hoá các dân tộc mới nhiệt tình lặn lội lên những vùng này. Nhiều tác phẩm văn hoá dân gian của người dân tộc giờ chủ yếu lưu truyền thông qua diễn xướng. Đây là dạng thức có sự kết hợp nhiều yếu tố như lời của người biểu diễn, nền nhạc phụ họa, điệu bộ, lề lối hát..., nên người xem phải đến tận nơi, nhìn tận mắt thì mới cảm được tính thẩm mỹ của tác phẩm, chứ không thể chỉ đọc qua lời văn. 

Song, với một đất nước có 54 dân tộc anh em, văn học dân gian của người thiểu số dù vô cùng đa dạng nhưng đang đối mặt với nguy cơ bị thất truyền. Theo thực tế đã phát hiện cho đến nay, người ta biết đến các thể loại sử thi, truyền thuyết, anh hùng ca (mà người Ê Đê gọi là Khan, người Bana gọi Hơmon…) qua một số tác phẩm tiêu biểu như Đẻ đất đẻ nước (Mường), Đam San (Ê Đê), Xinh Nhã (Ê Đê)…

Văn học dân gian thường được ghi chép lại qua các chuyến điền dã của nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm.
Văn học dân gian thường được ghi chép lại qua các chuyến điền dã của nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm.  

Kho tàng truyện thơ dân gian của đồng bào dân tộc cũng giàu có không kém, nhắc tới nhiều chủ đề xã hội, lịch sử văn hoá các dân tộc, ví dụ có Nàng Nga Hai Mối (Mường); Nàng Ớm chàng Bồng Hương (Mường); Út Lót Hồ Liêu (Mường); Tiếng hát làm dâu (H'Mông); Nam Kim Thị Đan (Tày); Khun Lú Nàng Uía (Thái), Tiễn dặn người yêu hay Xống chụ xon xao (Thái)…. 

Chưa kể đến, nhiều câu tục ngữ, ca dao, những bài ví, đúm... giờ chỉ còn được đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi lưu truyền qua các thế hệ trong nhà. Các thể loại loại truyện cười, ngụ ngôn, cổ tích..., có rất nhiều phiên bản khác nhau nhưng chưa được sưu tầm đầy đủ. Đơn cử, các nhà nghiên cứu cho biết, chỉ riêng về truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh ở huyện Ba Vì, hiện có trên 30 vẫn còn lưu hành nhưng chưa được sưu tập đầy đủ. Rất nhiều dân tộc thiểu số ít người như Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La … dù có những tác phẩm hấp dẫn nhưng vẫn chưa được quan tâm. 

Giải pháp số hoá trong thời đại 4.0

Đáng nói, kể cả sau khi các thông tin đã được thu thập, công tác phổ biến đến người dân cũng chưa thực sự hiệu quả. Người quan tâm đến mảng đề tài này cũng thường gặp khó khăn để tiếp cận tài liệu chuẩn. Do vậy, công tác lưu trữ, bảo tồn không chỉ dừng lại ở văn bản hoá các bản ghi chép của nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm sau những chuyến điền dã mà cần phương thức tiến bộ, đa dạng hơn như ghi âm, ghi hình và thậm chí số hoá những bản thảo, tài liệu lên Internet để người dân dễ tiếp cận, bình luận, so sánh, đối chiếu. 

Thực tế, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đặt ra hai nhiệm vụ chiến lược là sưu tầm để bảo tồn vốn văn hoá – văn học dân gian của các dân tộc Việt Nam và phát huy những giá trị văn hóa dân gian trong đời sống hôm nay. Theo đó, công tác bảo tồn văn hoá – văn học dân gian đã gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, biến nhiều di sản văn hóa đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc thành các giá trị tài sản, bảo đảm đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào. 

Đáng nói, dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hoá – văn học dân gian các dân tộc Việt Nam” của Hội Văn nghệ dân gian góp phần giúp cho nền văn hoá của người dân tốc không bị mai một nhanh chóng. Ước tính trong khoảng 30 năm qua, Hội Văn nghệ dân gian đã có gần 4.000 công trình sưu tầm, nghiên cứu của các hội viên, trên nhiều lĩnh vực như: văn hóa ngôn từ, văn hóa phong tục tập quán, văn hóa tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật diễn xướng, các nghề thủ công, làng nghề, các tri thức dân gian và văn hóa ẩm thực.

Thách thức đặt ra không chỉ là bảo quản kho tàng này mà còn phải phổ biến đến quần chúng nhân dân biết tới, hiểu được và trân trọng những giá trị văn hoá – văn học dân gian của 54 dân tộc anh em trên toàn quốc. 

Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Các cuộc thi, cuộc phát động sưu tầm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số không chỉ dừng lại ở các thành phố lớn mà nên được lan rộng trên phạm vi cả nước. Trong đó, công tác biên soạn sách, giáo trình, học liệu cũng giúp ích cho việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa các vùng miền cũng như tham khảo hoặc giảng dạy về văn học địa phương. Bên cạnh đó, các nhà bảo tồn cũng cần tổng kiểm kê các giá trị văn hoá – văn học dân gian cả nước, phục dựng nhiều loại hình văn học tiêu biểu, phổ biến cho thế hệ trẻ, thực hiện nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu các giá trị thẩm mỹ cao. 

Thiết nghĩ, đây đều là những hoạt động thiết thực góp phần làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản trong hiện tại và tương lai, góp phần giảm bớt nguy cơ đứt mạch truyền thống văn hóa dân tộc giữa các thế hệ.

Đọc thêm