Văn học Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà văn nước ngoài (Kỳ cuối): Mong muốn thành lập Viện Văn học Nguyễn Du, nâng tầm văn học Việt

(PLVN) - Trong tham luận, Thomas Kane – Giám đốc Viện William Joiner (Hoa Kỳ), mong muốn nền văn học Việt Nam nên có một Viện văn học mang tên Đại thi hào Nguyễn Du.
Đại Thi hào Nguyễn Du, người được Thomas Kane – Giám đốc Viện William Joiner (Hoa Kỳ), mong muốn được đặt tên cho một viện văn học. (Ảnh Tuyên Giáo.)

* Văn học Việt Nam dưới góc nhìn của nhà văn nước ngoài (Kỳ 2): Nét tương đồng giữa văn học Việt Nam và văn học Hàn Quốc

Mong muốn thành lập Viện văn học

Thomas Kane – Giám đốc Viện William Joiner (Hoa Kỳ) cho biết, Viện William Joiner có nhiều người bạn thân thiết ở Việt Nam, gắn bó với nhau suốt 30 năm qua. Trong đó có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ... Viện William Joiner có nhiệm vụ hàng đầu là nghiên cứu về hậu quả chiến tranh, ảnh hưởng về sức khỏe với cộng đồng, với cá nhân và xã hội bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Giữa Viện William Joiner và Hội Nhà văn Việt Nam có mối quan hệ từ những năm 1980. Hai bên đã có những chia sẻ về giá trị nhân văn chung của thơ ca, tổ chức các hội thảo quốc tế văn học. Thomas Kane đánh giá cao sức mạnh của thi ca.

Thomas Kane cũng cho biết, hơn 30 năm qua, có nhiều nhà văn, nhà thơ đã có nhiều cuộc gặp gỡ nhau thông qua các chương trình giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Viện William Joiner. Hai bên đã thực hiện nhiều dự án về dịch thuật văn học, xuất bản và đối thoại. Các nhà thơ như Fred Marchant, Martha Collins... giúp đỡ dịch thuật rất nhiều tác phẩm cảu các nhà thơ, nhà văn Việt Nam sang tiếng Anh.

Viện William Joiner bằng nhiều hình thức khác nhau tiếp tục ủng hộ hợp tác văn học, trao đổi văn hóa, dự án dịch thuật, xuất bản... với các bạn đồng nghiệp Việt Nam. “Chúng tôi rất mong thành lập được Viện văn học mang tên các nhà thơ lớn ở Việt Nam như Nguyễn Du, mọi sáng kiến khả năng hợp tác giữa các đối tác Mỹ với các bạn đồng nghiệp Việt Nam đều được hoan nghênh, giúp đỡ về dịch thuật, xuất bản, quảng bá cái hay cái đẹp của thơ ca Mỹ, thơ ca Việt Nam và những sáng tác khác của thơ đương đại cũng như thơ cổ điển của Việt Nam”, Thomas Kane mong muốn.

Lý Thành Ân (Trung Quốc), trong bài tham luận “Quan niệm về thi ca chủ nghĩa tự nhiên”, không bàn về văn học nước nào, cũng như không nhắc nhớ đến văn học Việt Nam, mà chỉ nêu ra quan đểm về thi ca chủ nghĩa tự nhiên. Lý Thành Ân cho rằng, sáng tác cần phải bắt đầu từ những chuyến đi, mỗi khi đến một nơi nào đó, Lý Thành Ân đều viết một bài thơ, thậm chí nhiều bài thơ. Khi Lý Thành Ân ở giữa sông núi, thì thấy đạt được sự ninh tĩnh của tâm hồn, tìm được sự linh diệu của tự nhiên, công việc sáng tác như thế đẹp đẽ biết nhường nào.

Ông cũng cho rằng, con người có thể già đi, nhưng non sông thì không, mãi mãi tươi xanh. Dù hiện đại hóa có phá vỡ tinh thần cổ lão, dù sự tiến bộ của nền văn minh phải trả giá bằng sự phá hoại tự nhiên, sông núi mãi mãi sống trong trái tim chúng ta. Con người đang tự biến thành con người duy lợi, cuộc sống ngày càng bị công lợi hóa, nhà thơ ngày càng mất khả năng biểu đạt tự nhiên, đánh mất khả năng đối thoại với núi sông, đó là một thực tế tàn khốc.

Bên cạnh đó, ông cũng nói thêm về mối liên kết giữa thiên nhiên và con người, qua đó cũng khái quát qua về đất nước Trung Quốc, tính tất yếu giữa sáng tạo văn học với tự nhiên: “Sông núi linh tính ứng chứng cho lịch trình tinh thần của nhân loại, về bản chất văn hóa Trung Quốc là văn hóa non nước tự nhiên, thơ ca Trung Quốc từ cổ đã bắt nguồn từ linh tính núi sông, quan hệ của chúng ta với sông núi thực sự là quan hệ qua lại giữa con người với tự nhiên, thông qua linh tính sông núi phản quan nỗi lo lắng nội tâm của con người, thông qua sự miêu tả của chủ nghĩa tự nhiên (naturalism) của thi ca để đạt đến sự thống nhất giữa con người và trời đất.

Thiên nhân hợp nhất là cảnh giới rất cao, thơ ca với tư cách là một thứ tôn giáo của văn hóa, nắn lại và tưới nhuần nền văn minh hiện đại, trong nền văn minh hiện đại đa nguyên giá trị, với nền văn minh hậu hiện đại đẻ ra không ít lệch lạc, thì lại càng thêm quan trọng. Thuộc thế hệ sinh sau năm 1980, sự mơ hồ và lựa chọn chỗ đứng sai lệch, có thể nghiêm trọng hơn thế hệ trước, sáng tác trong một thế giới hỗn độn càng cần phải có đôi mắt tinh tường, trái tim trong sáng”.

Văn học Việt Nam cần sự vượt thoát

Qua các bài tham luận tại Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan Thơ Quốc tế Lần thứ III (ngày 16-21 tháng 2 năm 2019) tại Việt Nam, các nhà văn, nhà thơ, chuyên gia văn học nước ngoài đã có những góc nhìn dù chủ quan hay khách quan, thì đó đều là những đánh giá thiết thực cho văn học Việt Nam. Văn học nước nhà nhận được một số nhận xét là nền văn học lớn, lâu đời, đồ sộ, nhưng đó là những nhận định chung chung.

Họ không bàn nhiều, không bàn chi tiết về nghệ thuật hay tư tưởng trong văn học Việt Nam, mà chỉ điểm qua những tên tuổi như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, những tên tuổi đã trở nên quá quen thuộc trong văn học Việt Nam, từ thời xa xưa. Về văn học Việt Nam đương đại, họ có nhắc qua một vài tên tuổi nhà thơ, nhưng chủ yếu viết về chiến tranh.

Còn ở thể loại văn xuôi, Bảo Ninh được nhắc nhiều hơn cả với “Nỗi buồn chiến tranh”, nhưng cũng là ở thể loại viết về chiến tranh. Các cây viết trẻ đang nổi danh hiện nay ở trong nước, không thấy nhắc đến. Có thể trong một bài tham luận ngắn ngủi, họ không có thời gian để viết sâu về văn học Việt Nam? Mấy năm trở lại đây, có một vài nhà văn, nhà thơ Việt Nam được nhận giải này, giải nọ của quốc tế, nhưng không biết do hữu ý, hay cố ý mà việc nhận giải này cũng không được mấy chú ý. Các tác phẩm của họ cũng không vì thế mà được tìm đọc, tìm mua nhiều hơn.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mặc dù là cây bút xuất sắc ở thể loại truyện ngắn của Việt Nam, nhưng có vẻ không được mấy quan tâm trong các bài tham luận này. Có thể là đòi hỏi hơi quá khi muốn tìm hiểu về góc nhìn của nhà văn nước ngoài thông qua các bài tham luận ngắn tại hội nghị quảng bá văn học, liên hoan thơ. Nhưng dù sao, qua đây, chúng ta cũng có một cách nhìn khác về chính nền văn học của chúng ta, dù là chưa đầy đủ.

Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, trong các bài viết, lẫn các trò chuyện ngoài đời cho rằng, việc văn học Việt Nam không được quảng bá rộng ra thế giới là do vấn đề dịch thuật? Có thể đây là một nguyên do khiến văn học Việt Nam chưa được sự công nhận rộng rãi của độc giả thế giới, hay là do chất lượng, hàm lượng tư duy của người tạo ra tác phẩm văn học?

Văn học Việt Nam hiện đang ở đâu trên bản đồ văn học thế giới, qua những tham luận này, có thể nắm bắt được phần nào vị trí văn học Việt Nam. Có lẽ, những người sáng tạo văn học Việt Nam hôm nay cần phải có sự vượt thoát chính mình, vượt thoát những cái mà người đi trước chưa làm được, để làm những điều phổ quát hơn, sâu rộng hơn, mang tính nhân loại thông qua văn phong, bản sắc, triết lý, tư tưởng của dân tộc mình.

Đọc thêm