Văn học Việt Nam dưới góc nhìn của nhà văn nước ngoài (Bài 1)

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan Thơ Quốc tế lần thứ III diễn ra đầu năm 2019 tại Việt Nam, nhiều ý kiến của các nhà thơ, nhà văn cho rằng, văn học Việt Nam đã trải qua sự phát triển phức tạp và rất đặc trưng, là một trong những nền văn học cổ nhất của nhân loại.
Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ Quốc tế lần thứ III, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2019. (Ảnh Mặt trận Tổ quốc.)
Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ Quốc tế lần thứ III, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2019. (Ảnh Mặt trận Tổ quốc.)

Thơ ca đấu tranh giành độc lập dân tộc

Trong bài tham luận của mình, nhà thơ Fernando Rendón - Chủ tịch Liên hoan thơ Quốc tế Medellín (Colombia) , Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Á - Phi và Mỹ La Tinh, viết: “Từ cuộc chiến tranh tàn khốc, Việt Nam trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến và hòa bình. Đây là cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử Việt Nam vào thế kỷ 20. Việt Nam đã phá hủy cỗ máy chiến tranh khổng lồ để hôm nay được thở trong bầu không khí của hòa bình, sống một đời tâm linh cao quý”.

Nội dung bài tham luận bàn sâu về văn học chiến tranh, Fernando Rendón nhắc lại những nhà văn, nhà thơ thế giới hay viết về chiến tranh, thời kỳ bất ổn của đất nước, xã hội. Fernando Rendón kể tên nhà thơ Homero (La Mã), Đỗ Phủ (Trung Quốc), Mayakopsky (Nga), Garcia Lorca (Tây Ban Nha), Viachexlap (Nga). Fernando Rendón coi nhà thơ Hữu Thỉnh (khi đó là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) là “chiến sĩ lái xe tăng đã để lại những vần thơ sống động về cuộc chiến tranh chống Mỹ”.

Đồng thời, Fernando Rendón còn dẫn lại những vần thơ tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đi khắp đèo cao khắp núi cao/Ngờ đâu đường thẳng cặp gian lao/ Núi cao gặp hổ mà vô sự/ Đường phẳng gặp người bị tống giam”. Nhà thơ Fernando Rendón đã nhìn thơ ca Việt Nam ở khía cạnh thơ ca đấu tranh giành độc lập dân tộc. Ông đề cao nhà thơ, nhà văn như là những chiến sĩ góp công vào cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại.

Trong bài “Tính khả thi của việc giao lưu thơ ca quốc tế giữa Đài Loan và Việt Nam”, nhà thơ Lee Kusei Shien (Đài Loan) viết: “Trong những năm tháng tuổi trẻ của tôi, nhân dân Việt Nam người không thể có điều kiện để xây dựng đất nước sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, nhưng người vẫn tiếp tục tranh đấu dưới ngọn lửa chiến tranh”.

Nhà thơ Lee Kusei Shien đã nhắc lại một số kỷ niệm khi ở Việt Nam lúc còn chiến tranh, và thấy điều không muốn thấy mà chiến tranh đem lại: “Khi tôi đến thăm khu chế xuất Biên Hòa, những khẩu pháo còn nằm trên đường nhìn rất rõ”.

Nhưng một thời gian sau khi trở lại đất nước Việt Nam thân yêu, nhà thơ Lee Kusei Shien đã có cái nhìn khác, tươi mới hơn: “Bốn mươi năm trôi qua, chỉ đến tháng 12 năm 2014, tôi mới có dịp đến thăm Vịnh Hạ Long trong chuyến đi 4 ngày cùng gia đình. Theo ấn tượng của tôi, Việt Nam đã xây dựng được một xã hội hòa bình và hạnh phúc, kinh tế xã hội đang khởi sắc”.

Nhà thơ Lee Kusei Shien mong muốn làm gì đó cho văn học Việt Nam: “Trong những năm qua, tôi đã thành công trong việc dịch, xuất bản các tập thơ bao gồm “100 bài thơ từ Bangladesh”, “Tuyển thơ ca đương đại của Macedona”, “100 bài thơ Irac đương đại”, “Tuyển thơ vùng Caribe”, “Tuyển thơ Anbani”, “Tuyển thơ Argentina”, “Tuyển thơ Tunisia”.

Tham gia vào Liên hoan thơ quốc tế lần thứ ba tại Vịnh Hạ Long, một ý tưởng mới nảy sinh trong tôi, ấy là làm ngay một “Tuyển thơ Việt Nam đương đại”. Nhưng tiếc thay, tôi không biết tiếng Việt, tôi hy vọng sẽ tìm kiếm khả năng dịch từ tiếng Anh”.

Một trong những nền văn học cổ nhất của nhân loại

Nhà thơ Laura Garavaglia (Italia) trong tham luận đã kể lại những ký ức thời trẻ, khi còn là sinh viên, đối với Italia và phương Tây thì Việt Nam là một đất nước mà hòa bình, quyền con người bị lãng quên vì các thế lực thù địch, xâm lược ngoại bang. Nhưng Laura Garavaglia đã ngạc nhiên khi phải thốt lên: “Nhưng ngày nay, tôi đã biết Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng, giàu có về lịch sử, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp”.

Vadim Terekhin – Đồng Chủ tịch Hội các nhà văn Nga đánh giá văn học Việt Nam là một trong những nền văn học cổ nhất của nhân loại. Trong bài tham luận, Vadim Terekhin đánh giá Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà chiến lược, nhà chính trị, nhà triết học, nhà thơ thiên tài. Bên cạnh đó còn có những danh nhân văn hóa mà cả thế giới biết đến đó là Nguyễn Trãi (thế kỷ 15), Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ 16), Nguyễn Du (thế kỷ 18).

“Truyền thống hữu nghị giữa các nhà văn hai nước chúng ta luôn luôn duy trì bền vững cho tới ngày hôm nay. Tôi rất vui mừng và tự hào nhớ lại chuyến thăm Việt Nam của chúng tôi vào năm 2011, đó như một phần của đoàn nhà văn Nga trong ngày thơ ca thế giới. Chuyến thăm đáp lại của đoàn nhà văn Việt Nam do nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam dẫn đầu đến vùng Kaluga của nước Nga”, Vadim Terekhin nhắc lại kỷ niệm chuyến thăm Việt Nam, cũng như kỷ niệm khi đoàn nhà văn Việt Nam sang nước Nga.

Phiulavanh Luangvanna (Lào), coi Việt Nam là khuôn mẫu quảng bá văn học giữa các dân tộc và nhân loại. Phiulavanh Luangvanna cũng nhắc lại thời gian khi ở Việt Nam: “Từ 1971 đến 1975, tôi đã sống và làm việc tại phía Bắc Việt Nam và Hà Nội. Đây là giai đoạn đầu tiên tôi tìm đến sách tại các thư viện, hiệu sách và thuê sách.

Có rất nhiều loại sách, mới có, cũ có về văn học Việt Nam. Sách văn học dịch từ nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới rất nhiều. Đi dọc đường, tôi thấy người Việt Nam rất ham mê đọc sách ở các thành phố lớn. Họ đọc báo, tạp chí và sách. Tôi đặc biệt ấn tượng bởi trong các lớp học học sinh thuộc lòng rất nhiều bài thơ”.

Phiulavanh Luangvanna tỏ ra ngạc nhiên khi thấy học sinh Việt Nam có thể nhớ rất nhiều tên các nhà văn mà họ quý mến: “Họ vẽ chân dung các nhà văn. Tên nhà văn trở thành tên đường, tên phố và tượng của họ được đặt trong các khuôn viên, công viên lớn. Nhiều thành phố mang tên các nhà văn. “Tôi đã đến các đền chùa lớn xây dựng cách đây hàng nghìn năm tại Việt Nam, tôi thấy tên các nhà văn khắc tại trung tâm Hà Nội. Tôi hết sức khâm phục tinh thần kỳ diệu đó...”.

Trong thời gian ở Việt Nam, Phiulavanh Luangvanna đã đọc nhiều báo, tạp chí... Phiulavanh Luangvanna rất yêu văn học Việt Nam về tình cảm, tư tưởng, cái hay cái đẹp của văn phong. Phiulavanh Luangvanna cảm thất thật hạnh phúc được nghe thơ, nghe văn của các nhà thơ tiền bối như: Nguyễn Phú, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đức Thuận, Tô Hoài và nhiều nhà văn khác.

Phiulavanh Luangvanna đánh giá cao giá trị thơ văn và bút pháp của của nhà văn, nhà thơ Việt Nam. “Và tôi có thể so sánh giá trị của thơ ca Việt Nam với các nền thơ ca thế giới như Trung Quốc, Nga và các nhà thơ lớn của châu Âu và phương Tây. Sau cùng, tôi hiểu được rằng Việt Nam có cả một kho tàng văn học đồ sộ”, Phiulavanh Luangvanna thán phục.

GS.TS Gunter Giesenfeld – Chủ tịch Hội Hữu nghị Đức Việt cho rằng, ở Việt Nam, những tác phẩm thực sự lớn mới bắt đầu xuất hiện. Gunter Giesenfeld cảm thấy sau khi kết thúc chiến tranh và đến khi bắt đầu thời kỳ đổi mới đã mang lại cho nền văn học Việt Nam một thời đại mới. Gunter Giesenfeld dẫn chứng 3 tiểu thuyết tiểu biểu xuất hiện năm 1991 của ba nhà văn Việt Nam, đó là Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Bảo Ninh; đồng thời nhắc tên nhà văn tiêu biểu ở thể loại truyện ngắn là Nguyễn Huy Thiệp.

Gunter Giesenfeld coi Văn học đổi mới tại Việt Nam là đại diện sự khởi đầu thực sự của văn học sau chiến tranh ở Việt Nam, từ đó đến nay đang trỗi dậy. Văn học Việt Nam đã trải qua sự phát triển phức tạp và rất đặc trưng.

(Còn nữa)

Đọc thêm