Văn học Việt Nam dưới góc nhìn của nhà văn nước ngoài (Bài 2): Nét tương đồng giữa văn học Việt Nam và văn học Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong tham luận Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan Thơ quốc tế lần thứ 3 tại Việt Nam năm 2019, nhiều ý kiến cho rằng nền văn học Việt Nam và Hàn Quốc có điểm tương đồng, Việt Nam có nền thơ ca lớn của thế giới.
Bìa tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh bản dịch tiếng Hàn được độc giả Hàn Quốc quan tâm và yêu thích. Ảnh internet
Bìa tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh bản dịch tiếng Hàn được độc giả Hàn Quốc quan tâm và yêu thích. Ảnh internet

* Văn học Việt Nam dưới góc nhìn của nhà văn nước ngoài (Bài 1)

Tương đồng với văn học Hàn Quốc

Trong bài tham luận, GS.TS Ahn Kyong Hwan (Đại học Chosun, Hàn Quốc) đã nói về sự giao thoa giữa văn học Việt Nam – Hàn Quốc: “Hàn Quốc và Việt Nam, về mặt văn hóa Nho giáo và kinh tế nông nghiệp truyền thống thì có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt trong quãng thời gian Bắc thuộc, do ảnh hưởng của Trung Quốc nên văn học Hán và văn học dân tộc hầu như cùng chiếm vị trí như nhau, do vậy Hàn Quốc và Việt Nam rất giống nhau.

Về mặt lịch sử giao lưu văn học với Việt Nam, thời kỳ Triều Tiên (Chosun) vẫn còn ghi chép lại việc sứ thần hai nước gặp gỡ tại nơi lưu trú Yên Kinh (Trung Quốc), đã giao lưu bằng bút đàm với nhau.

Trong văn tập “Chi Phong Tập” của Lý Túy Quang, một sứ thần của triều đại Triều Tiên thời ấy ghi chép lại, vào năm 1596 và năm 1597, trong khi đi sứ triều cống nhà Minh, đến Yên Kinh, Lý Túy Quang đã cùng với Phùng Khắc Khoan (1528 – 1613) một trung thần vừa là một nhà ngoại giao nổi tiếng của nhà Lê (1428 – 1788) bút đàm với nhau.

Trong “Bắc Sử Thông Lục” sách lịch sử Việt Nam có ghi chép, một đại học giải của nhà Lê là Lê Quý Đôn vào năm 1760 – 1762 trong đi sứ sang Trung Quốc trở về thì có gặp sứ thần của Triều Tiên, hai bên đã làm thơ, trao đổi với nhau”.

GS.TS Ahn Kyong Hwan kể tên các tác phẩm của Việt Nam đã được dịch sang tiếng Hàn Quốc (tính đến năm 2018): Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ), Lĩnh Nam chích quái, Nếu anh còn được sống (Văn Lê), Những người Việt Nam (Vũ Sơn Thủy), Chinh phụ ngâm khúc, Thơ Mùa đông (Hữu Thỉnh), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Áo Trắng (Nguyễn Văn Bổng), Nhật ký Đặng Thùy Trâm (Đặng Thùy Trâm), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), Ca dao Việt Nam, Những năm tháng không thể nào quên (Võ Nguyên Giáp), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Nguyễn Nhật Ánh), Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần), Giữa ban ngày cũng có kẻ mơ, Bí ẩn của làn nước (Bảo Ninh), Ký sự những mảnh đời trong ngõ (Lê Minh Khuê), Bến đò xóm Miễu (Nguyễn Ngọc Tư)...

“Lịch sử giao lưu của dân tộc Việt Nam và dân tộc Hàn được bắt đầu từ thể kỷ 12, tính đến nay được gần 900 năm. Vì cùng thuộc nền văn hóa Nho giáo nên cả về mặt lịch sử cũng như văn hóa, Việt Nam là quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Hàn Quốc”, GS.TS Ahn Kyong Hwan nhận định.

GS.TS Ahn Kyong Hwan cũng không quên khi đưa ra quan điểm về sự phát triển văn học Việt Nam tại Hàn Quốc: “Có thể nói rằng văn học cổ của Việt Nam, các tác phẩm văn học chữ Hán chiếm tỷ lệ cao và tính đồng chất về văn hóa với Hàn Quốc cũng thuộc nền văn hóa Nho giáo nên tính tương đương của biên dịch rất cao. Do đó, khi dịch văn học cổ của Việt Nam, cần tìm kiếm các chuyên gia Hàn Quốc có hiểu biết về văn học Hán văn, rồi dịch chung với các chuyên gia về Việt Nam của Hàn Quốc thì sẽ đạt kết quả dịch rất tốt”.

Nhà văn Cho Yong Ho (Hàn Quốc) đã nói về chiến tranh và hòa bình trong văn học Hàn Quốc và Việt Nam. Cho Yong Ho điểm qua những tác phẩm đầu tiên trong văn học Hàn Quốc có đề cập đến Việt Nam, tiêu biểu có thể kể đến tác phẩm của Hwang Seok Yeong và Ahn Jeong Hyo. Hai tác giả này đã từng tham chiến tại Việt Nam.

Tác phẩm “Chiến tranh trắng” đã đăng thành nhiều kỳ trên “Silcheon Munhak”, đến năm 1985 đã in thành sách với tên gọi “Chiến tranh và thánh phố”, cũng cùng năm đó, tác phẩm “Dưới bóng vũ khí” xuất bản thành sách. Mỗi tác phẩm đều nói về Việt Nam và cuộc chiến tranh Việt Nam từ góc nhìn của người Hàn Quốc, cùng ẩn chứa thông điệp về sự vô nghĩa của chiến tranh cũng như thông điệp về một khát vọng hòa bình.

Cho Yong Ho nhắc đến cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh được dịch sang tiếng Hàn Quốc từ năm 1999, đây là bản dịch lại qua tiếng Anh, lúc này không thu hút được độc giả. Năm 2012, “Nỗi buồn chiến tranh” được dịch lại bởi Ha Jae Hong, lúc đó là nghiên cứu sinh về văn học Việt Nam tại trường Đại học KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, mới nhận được sự quan tâm và yêu thích của độc giả Hàn Quốc. Cho Yong Ho đánh giá “Nỗi buồn chiến tranh” là tác phẩm tiêu biểu của văn học hiện đại Việt Nam được giới thiệu tại Hàn Quốc. Ngoài mảng văn học chiến tranh, gần đây những tác phẩm truyền thuyết, văn học thiếu nhi Việt Nam cũng được dần giới thiệu ở Hàn Quốc.

Nền thơ ca lớn của thế giới

Geetesh Sharma (Ấn Độ) – Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam đánh giá, văn học Việt Nam và Ấn Độ có chiều hướng như nhau. Trong những chuyến viếng thăm gần đây tới Việt Nam, Geetesh Sharma đã phát hiện ra hàng trăm đầu sách của các nhà văn nổi tiếng Ấn Độ đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, trong đó bao gồm khoảng 14 đầu sách của R.Tagore và trường ca sử thi Mahabharata... Geetesh Sharma cũng than rằng, việc giới thiệu văn học ở hai nước đều ít, mặc dù có nhiều điểm giống nhau.

Nhà văn Bakhyt Rustemov (Kazakstan) – Viện sĩ, đồng chủ tịch Ủy ban văn học Nghị viện Á Âu nói rằng, ở đất nước Kazakstan có dịch cuốn sách viết về chiến tranh của Đặng Thùy Trâm, “Việt Nam trong quá trình đổi mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – cuốn sách đã rất phổ cập tại Kazakstan. Kết thúc tham luận, Bakhyt Rustemov đọc bài thơ của nhà thơ Grigory Shishov viết về Việt Nam: “Chúng ta tự hào về người dân Việt Nam hôm nay/ Họ đã chiến thắng nhiều kẻ thù không cân sức/ Hồ Chí Minh, Fidel và Nelson Mandela/ Biểu tượng của hòa bình và tình yêu trên trái đất”.

Gerry Loose đến từ đất nước Scotland, ông biết rất ít về Việt Nam về nhân dân và về thơ ca của Việt Nam, nhưng Gerry Loose lại chắc chắn Việt Nam có rất nhiều thơ ca, rất nhiều nhà thơ và những thứ xuất chúng, đó là tình yêu, tiếc nuối, là phong tục đích thực của Việt Nam.

Trong bài viết, Gerry Loose nhắc lại những câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ: “Đêm cuối bom nổ ở Veranda/ Nhưng tiếng chim vẫn ngọt ngào vào mỗi sáng/ Tôi nghe tiếng cây lao xao ngoài vườn/ Tìm được hai trái ổi mọng”. Gerry Loose nhắc đến Xuân Quỳnh khi dẫn thơ: “Không con đường nào, không núi nào có thể chia cắt chúng ta/ Trước mắt chúng ta bầu trời xanh, xanh mãi mãi”. Gerry Loose cũng dẫn lại những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: “Yêu em như yêu bầu trời vô tận/ Giọt sương mai, hạt bụi trong đêm/ Ngọn gió đầu tiên báo hiệu bão tháng tư sắp đến/ Sự ấm nóng của giọt mưa rơi xuống, nơi xa xôi đang vẫy gọi/ Em ở dâu nới ấy chính là nhà của anh”.

“Thơ ca xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng tôi có thể chỉ ra rằng trên thế giới có những nền thơ ca lớn như: Việt Nam, Scotland, Colombia, Nigeria, Guatemala, nơi xuất phát từ văn hóa, từ sự tham gia của công chúng với những ai cùng chia sẻ văn hóa. Chúng tôi không được coi là các nhà thơ nổi lên từ nền văn hóa của chúng ta.

Chúng ta có thể bị khước từ, chúng ta có thể bị xua đuổi nhưng văn hóa của chúng ta có thể xác định chúng ta là ai, nhân dân hay nhà thơ. Vì vậy như ở Việt Nam, cuộc đấu tranh của nhân dân vì độc lập và tự do hạnh phúc qua nhiều thế kỷ đã gây tiếng vang về văn hóa nơi tôi đang sống ở phía bên kia của thế giới”, Gerry Loose nhận định.

Đọc thêm