Không nên làm mà vẫn làm (?!)
Với mục đích xây dựng một TP thực sự văn minh, QTƯX nơi công cộng đã liệt kê những việc mà công dân và du khách không nên làm là: vi phạm nội quy, quy tắc nơi công cộng; nói to, gây ồn ào; kích động, đe dọa, sử dụng bạo lực; nói tục, chửi bậy, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện; xả rác, chất thải không đúng nơi quy định; tự tiện sử dụng không gian, công trình công cộng vào mục đích cá nhân không đúng quy định; thả rông súc vật nuôi nguy hiểm…
Mặc dù TP đã phát hành 20.000 sổ tay QTƯX nơi công cộng; lồng ghép thực hiện QTƯX trong Tháng hành động về môi trường, Tháng hành động an toàn thực phẩm, triển khai đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tổ chức cuộc thi ảnh báo chí “Người Hà Nội ứng xử văn minh, thanh lịch năm 2017”; phối hợp Thành đoàn Hà Nội tuyên truyền về QTƯX; tổ chức “Tọa đàm Thanh niên Thủ đô - ứng xử văn hóa, hành động văn minh” nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh… song hiệu quả thực hiện QTƯX nơi công cộng còn rất hạn chế.
Điểm qua một số tuyến phố và khu dân cư ngay khu vực nội đô lịch sử của TP (quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình), vẫn còn tình trạng người dân xả rác bừa bãi ở bất kỳ đâu, không thiếu những điểm tập kết rác tự phát nhỏ lẻ, hay những điểm tập kết lớn tại những mảnh đất trống do người dân “ngại” mang đến điểm tập kết hoặc vứt rác vào giờ quy định.
Ngay cả những điểm tập kết rác thải sinh hoạt chờ chuyển đi của công ty môi trường đô thị nhưng không được che phủ bạt cũng góp phần gây mất mỹ quan và “bốc mùi” khó chịu, nhất là vào những ngày hè oi nóng. Chưa kể sau những cơn mưa, nước từ những điểm tập kết rác chảy ra khiến người dân phải chịu cảnh ô nhiễm.
Trong khi đó, phong trào tổng vệ sinh ở địa bàn dân cư vào sáng thứ bảy hoặc chủ nhật (tùy từng khu dân cư) hàng tuần lại không được duy trì thường xuyên và cũng chỉ thực hiện “lỗ mỗ”, chủ yếu là các khu nhà cao tầng hay những khu có dân cư ổn định (ít người tạm trú - PV).
Thành phần tham gia đa số là thành viên các Hội Người cao tuổi hay Hội Phụ nữ địa phương, chứ hiếm khi thấy thanh, thiếu nhi tham gia nên phong trào ngày càng trở nên “nhạt”, không có nhiều tác dụng đối với việc giữ gìn đường phố, khu dân cư sạch, đẹp.
Còn hành vi hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện… phổ biến đến nỗi nhiều nơi người dân phải tự làm biển cấm, thậm chí còn tự quy định mức phạt đến 200.000 đồng/lần vi phạm.
Tình trạng thả rông súc vật nuôi (chó) nguy hiểm… vẫn diễn ra, phớt lờ các quy định, nhắc nhở về đảm bảo an toàn, vệ sinh. Với chủ nhân của những con vật này, thả vật nuôi ra đường là cách để chúng… không làm bẩn nhà. Họ cũng phó mặc cho vật nuôi chạy rông, không rọ mõm, không xích, tự do phóng uế, gây khó chịu và tâm lý bất an cho người dân mỗi lần vào “mùa chó, mèo dại”…
Bên cạnh những “nét xấu xí” do không thực hiện QTƯX nơi công cộng, một số chuyển biến đáng kể trong văn minh công cộng đã được ghi nhận, dễ nhận thấy nhất là tại các địa chỉ văn hóa, lịch sử, tham quan như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn, các thư viện, bảo tàng… Hình ảnh du khách ăn mặc phản cảm gần như không còn, khách tham quan có ý thức hơn trong giữ gìn trật tự, vệ sinh công cộng. Song ở công viên, vườn hoa, bến xe, vỉa hè, lòng đường… việc thực hiện QTƯX nơi công cộng về ăn mặc, không nói tục, gây ồn ào, phá hoại tài sản công cộng (như hoa, tượng trang trí)… rất khó khăn, vi phạm còn phổ biến do không có lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở.
Trông xứ người mà “thèm” cho xứ ta
Cùng với nhiều giải pháp khác, việc ban hành Quy tắc này cho thấy, chính quyền TP rất nỗ lực và mong muốn xây dựng được TP Hà Nội “xanh, sạch, đẹp”. Nhưng trong TP hàng triệu dân với nhiều thói quen sinh hoạt từ nhiều tỉnh, TP, cũng như lượng lớn du khách qua lại, thì chỉ nhìn ở một số vấn đề như trên, việc thực hiện những quy định trong Quy tắc một cách đồng đều gần như là bất khả thi.
Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội nên học tập Singapore – quốc gia rất nổi tiếng về môi trường trong lành và ý thức cao của người dân trong ứng xử văn minh nơi công cộng. Một trong những biện pháp hữu hiệu chính là hình phạt “nhằm vào sự tự trọng cá nhân”.
Singapore phạt người xả rác bừa bãi lần đầu tiên tối đa là 1.000 đôla Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000 - 5.000 đôla và phải lao động công ích. Trong khoảng vài giờ, người bị phạt trong bộ quần áo sáng màu đặc trưng sẽ phải làm sạch nơi công cộng (như nhặt rác tại công viên, đôi khi phương tiện truyền thông địa phương được mời đến để ghi lại sự kiện).
Khi mới triển khai, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - cơ quan thường trực thực hiện QTƯX này cho biết sẽ phê bình những đối tượng vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng đến nay, hầu như chưa trường hợp nào bị “bêu danh”. Việc “thả nổi” cho Quy tắc “tự đi vào đời sống” mà không có lực lượng kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt càng khiến cho nhiều nơi của TP mất đi vẻ thanh lịch vốn có, trở nên xô bồ, nhốn nháo, thiếu văn minh.
Thực tế này cho thấy, xây dựng văn hóa ứng xử đòi hỏi bản thân mỗi người phải nỗ lực, tự nguyện cùng với sự kiên trì, những biện pháp quyết liệt hơn, lồng ghép nội dung thực hiện QTƯX vào nội dung phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Song song với đó, sẽ biểu dương những tấm gương tốt, tổ chức khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, phê bình những cá nhân có thái độ, hành vi ứng xử trái với QTƯX nơi công cộng, có hình thức xử lý kịp thời với những cá nhân cố tình vi phạm.