Vấn nạn “thổi giá” thiết bị y tế qua các vụ án

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Liên tiếp thời gian qua, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã khởi tố nhiều vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Điểm chung của những vụ án này là chủ đầu tư thông đồng với đơn vị thẩm định giá, nhà thầu để “thổi giá”, sau đó hợp thức hóa qua quá trình đấu thầu, gây thiệt hại, thất thoát ngân sách Nhà nước.

Sáng 24/1/2022, HĐXX TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết với cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh và 7 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai. Trước đó, tháng 6/2021, vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội cũng đã được xét xử phúc thẩm. Trong bài viết này, chúng tôi không trình bày diễn biến vụ án mà tập trung vào những hành vi, thủ đoạn liên quan đến việc xác định giá.

Chủ đầu tư “chỉ” sẵn giá

Về nguyên tắc, việc mua sắm, liên doanh cần phải đảm bảo đúng giá thị trường. Thế nhưng, trong các vụ án trên, giá của các loại thiết bị y tế đều được “nâng khống”, “thổi giá” lên gấp nhiều lần giá thực tế, tạo ra chênh lệch lớn nhằm trục lợi. Và để “hợp thức hóa” mức giá “trên trời” này đều có vai trò của thẩm định giá.

Cụ thể, trong vụ án tại BV Bạch Mai: giá nhập khẩu Hệ thống Robot Rosa (hãng Medtech – Pháp, hàng mới 100%, thuế nhập khẩu 5%) tại tờ khai hải quan do Cty BMS mở ngày 23/2/2017 có giá trên 7,4 tỷ đồng. Thế nhưng chứng thư thẩm định giá và nội dung đề án xã hội hóa giữa BMS và BV Bạch Mai đều xác định giá trị đầu tư Robot Rosa là 39 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần.

Đối với vụ án tại CDC Hà Nội, tại kết luận định giá của Hội đồng định giá trong tố tục hình sự cấp Trung ương xác định, giá các tại sản theo giá thị trường tại thời điểm tháng 2/2020 là hơn 4,1 tỷ đồng (trong đó: hệ thống Realtime PCR tự động giá hơn 3,1 tỷ, máy tách chiết DNA/RNA tự động giá 450 triệu và 3 tủ lạnh có giá hơn 546 triệu). Thế nhưng trong kế hoạch và kết quả lựa chọn nhà thầu, giá gói thầu này lên tới hơn 9,5 tỷ đồng.

Theo Điều 29 Luật Giá (2012) thì một trong những nguyên tắc hoạt động thẩm định giá phải: “Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính trung thực, khách quan của hoạt động thẩm định giá và kết quả thẩm định giá”. Quay trở lại với hai vụ án làm dẫn chứng có thể thấy, các nguyên tắc khi định giá đều đã bị bỏ qua.

Với vụ án tại BV Bạch Mai, lẽ ra trong vai trò là đơn vị thực hiện đề án xã hội hóa, BV phải độc lập trong việc xác định giá của hệ thống robot. Thế nhưng giám đốc BV Nguyễn Quốc Anh và Phạm Đức Tuấn (Công ty BMS, đơn vị đặt máy) lại “thống nhất từ trước”, theo giá do Tuấn đưa ra, đồng thời đề nghị Tuấn “giới thiệu đơn vị thẩm định giá”. Thực tế, giữa BV Bạch Mai và Công ty thẩm định giá VFS “không có mối liên hệ với nhau mà mọi giao dịch, thủ tục đều thông qua Công ty BMS” (cáo trạng nêu).

Bị cáo Nguyễn Quốc Anh – cựu Giám đốc BV Bạch Mai (Ảnh: Tienphong.vn)

Bị cáo Nguyễn Quốc Anh – cựu Giám đốc BV Bạch Mai (Ảnh: Tienphong.vn)

Tương tự, với vụ án tại CDC Hà Nội, bản án phúc thẩm nêu: ngày 25/02/2020, Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc trung tâm ký Hợp đồng dịch vụ thẩm định giá (nhưng đều ghi lùi ngày là 21/02/2020) với Tổng Giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành yêu cầu thẩm định giá 04 gói thầu. Nguyễn Vũ Hà T (trưởng phòng tài chính, kế toán) chỉ đạo kế toán viên thực hiện các thủ tục và liên hệ với Công ty Nhân Thành để thẩm định giá “theo đúng giá đã được CDC Hà Nội cung cấp”.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là: Đơn vị đề nghị thẩm định giá có được phép đưa ra giá trước (cho dù chỉ là đề xuất) cho bên thẩm định hay không? Bởi lẽ điều này vô hình chung tạo nên giá trị “tham chiếu”, “ngầm hiểu”, dễ làm phá vỡ nguyên tắc độc lập, khách quan, chỉ đánh giá trên tài sản và các chứng từ hợp pháp trong thẩm định giá.

Thực tế, khi rà soát một số mẫu giấy đề nghị thẩm định giá của một số công ty thẩm định giá (ví dụ như Công ty CP Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội-VFS), đối với mẫu giấy đề nghị (tài sản chưa qua sử dụng) có cả mục “giá đề nghị thẩm định”; đối với tài sản đã qua sử dụng lại có mục như: Giá trị còn lại ước tính đề nghị thẩm định… Như trong vụ án tại BV Bạch Mai, Giấy đề nghị thẩm định giá gửi Công ty VFS đã đề nghị thẩm định giá với giá đề nghị thẩm định hệ thống Robot Rosa là 39,5 tỷ đồng và hệ thống Robot Mako là 44,5 tỷ đồng. Và sau đó, Công ty thẩm định đúng theo giá này.

Giá thẩm định “theo yêu cầu” của khách hàng

Theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 01 (ban hành kèm Thông tư 158/2014/TT-BTC), các tiêu chuẩn đạo đức và trình độ chuyên môn nghề nghiệp thẩm định giá gồm: Độc lập; chính trực; khách quan; bảo mật; công khai, minh bạch; năng lực chuyên môn và tính thận trọng; tư cách nghề nghiệp; tuân thủ tiêu chuẩn chuyên môn.

Trong đó, độc lập được xem là nguyên tắc hành nghề cơ bản của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên. Trong quá trình thẩm định giá phải bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, thực sự không bị chi phối hoặc bị tác động bởi bất kỳ lợi ích vật chất hoặc tinh thần nào làm ảnh hưởng đến sự trung thực, khách quan của hoạt động thẩm định giá và kết quả thẩm định giá.

Tiêu chuẩn khách quan đòi hỏi thẩm định viên phải công bằng, tôn trọng sự thật và không được thành kiến, thiên vị trong việc thu thập tài liệu và sử dụng tài liệu để phân tích các yếu tố tác động khi thẩm định giá; không được tiến hành công việc thẩm định giá khi những ý kiến, kết luận thẩm định và kết quả thẩm định giá đã được đề ra có chủ ý từ trước; thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá phải thẩm tra những thông tin, dữ liệu do khách hàng cung cấp…

Tiêu chuẩn thẩm định giá số 05 quy định quy trình thẩm định giá bao gồm 6 bước lần lượt là: Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá và xác định giá thị trường hoặc phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá; Lập kế hoạch thẩm định giá; Khảo sát thực tế, thu thập thông tin; Phân tích thông tin; Xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá và cuối cùng là Lập báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và gửi cho khách hàng, các bên lên quan.

Tiêu chuẩn quy định như vậy nhưng quay lại hai vụ án dẫn chứng cho thấy, việc thẩm định giá chỉ là một thủ tục “làm cho có”, “chiếu lệ”, có tính chất hình thức nhằm hợp thức hóa giá thiết bị.

Theo đó, khi ký giấy đề nghị thẩm định giá (không số) gửi Công ty VFS, phía BV Bạch Mai không có hồ sơ, tài liệu làm căn cứ xác định giá đề nghị vì thời điểm này hai hệ thống robot chưa được nhập khẩu về Việt Nam. Ngày 14/2/2017, Trịnh Thị Thuận (nguyên kế toán trưởng BV) nhận được email bản thảo Chứng thư thẩm định giá của Cty VFS theo đúng giá máy trong đề án liên danh, liên kết. 4 ngày sau, ngày 20/2/2017, VFS phát hành Chứng thư thẩm định giá xác định giá Robot Rosa 39 tỷ đồng. Điều đáng nói, thời điểm này, Công ty BMS chưa mở tờ khai và hồ sơ nhập khẩu robot.

Không những thế, bản chứng thư này, BV Bạch Mai chỉ được nhận bản photo, có dấu treo của Cty BMS, không đảm bảo giá trị pháp lý vì quá trình ban hành Chứng thư thẩm định giá, thẩm định viên và TGĐ Cty VFS xác định giá Robot Rosa theo đề nghị của Công ty BMS mà không có hồ sơ nhập khẩu, không có phiếu báo giá, không kiểm tra thực tế, trái quy định tại Điều 29, Điều 30 Luật giá năm 2012 và vi phạm khoản 1 Quy trình thẩm định giá, khoản 3 Lập kế hoạch thẩm định giá, khoản 4 Khảo sát thực tế thu thập thông tin, ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC.

Hay vụ án tại CDC Hà Nội, nhân viên của Cty Nhân Thành đã hợp thức hóa các thủ tục bằng cách tự lập các báo giá, không tiến hành khảo sát thực tế nhưng tự lập các biên bản khảo sát giá tại hai công ty. Ngày 27/02/2020, Cty Nhân Thành mới hoàn thành việc thẩm định giá nhưng để hợp thức trình tự các bước chỉ định thầu theo yêu cầu của CDC Hà Nội đã ký ban hành chứng thư thẩm định giá không dựa trên hoạt động thẩm định giá thực tế.

Mua bán hóa đơn lòng vòng để “hợp thức hóa”

Liên quan đến những tiêu cực xảy ra trong quá trình mua sắm, đầu thấu thiết bị y tế, trả lời báo CAND, Thiếu tướng Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, thủ đoạn của các đối tượng có sự móc nối của cơ sở khám chữa bệnh, doanh nghiệp, công ty thẩm định nhằm nâng "khống" giá thiết bị y tế để rút ruột ngân sách, chia nhau tỷ lệ phần trăm được thỏa thuận trước.

“Các đối tượng đã mua bán máy xét nghiệm lòng vòng qua 4 công ty trong chưa đến 2 ngày, nâng giá trị máy từ 2,3 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng (cao gấp 3 lần giá trị thực của máy). Sau đó, Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành căn cứ đó đề xuất mức giá và CDC Hà Nội "nhắm mắt" mua vào. Đáng chú ý, các đối tượng đã bàn bạc, thống nhất chi 15% giá trị gói thầu để "lại quả" cho Nguyễn Nhật Cảm nếu thương vụ thành công” - Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long.

Trong đó, cơ sở y tế, khám chữa bệnh (chủ đầu tư) sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế (nhà thầu) được trúng gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế bằng cách cài điều kiện, cấu hình mang tính chất định hướng chỉ duy nhất 1 nhà thầu đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật, còn các nhà thầu khác sẽ bị loại ngay từ vòng "gửi xe". Trong việc "thổi giá" hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối sử dụng các công ty con hoặc các công ty mua bán hóa đơn mua bán lòng vòng với nhau trong thời gian ngắn.

Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm (Ảnh: Thanhnien.vn)

Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm (Ảnh: Thanhnien.vn)

Điển hình như vụ án tại CDC Hà Nội. Để giảm mức độ chênh lệch về giá mua vào, bán ra trước khi bán sản phẩm cho CDC Hà Nội, Đào Thế Vinh dùng thủ đoạn sử dụng các pháp nhân là công ty của gia đình Vinh và nhờ công ty của bạn hàng, lập hợp đồng mua bán khống và xuất hóa đơn, chứng từ để nâng giá để nâng giá.

Cụ thể, Công ty P bán cho Cty CP thương mại và công nghệ H do vợ Vinh làm giám đốc 2 sản phẩm máy tách chiết DNA/RNA tự động giá hơn 4,1 tỷ đồng; Công ty H bán cho Công ty CP sản xuất kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu KĐ giá hơn 5,2 tỷ, Công ty KĐ bán cho Công ty MST của Đào Thế Vinh với giá hơn 7,8 tỷ. Và cuối cùng MST bán cho CDC với giá 8,2 tỷ đồng. Quá trình thực hiện việc mua bán nêu trên, chỉ có Công ty P xuất hóa đơn thực tế bán hàng. Còn lại giữa Công ty H, Công ty KD, Công ty MST chỉ ký hợp đồng khống và xuất hóa đơn GTGT để hợp thức việc nâng không giá mua bán, không có việc thanh toán và chuyển tiền giữa các công ty.

Đọc thêm