Chỉ vì những mâu thuẫn đơn giản
Theo thống kê của Công an huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, năm 2015, cả huyện có 25 vụ tự tử, 21 người đã chết. Hai tháng đầu năm 2016, huyện có 10 vụ tự tử với 8 người chết.
Thôn Đắk Lang, xã Sơn Dung của huyện vỏn vẹn vài chục hộ dân nằm giữa thung lũng heo hút nhưng có hơn chục người ăn lá ngón tìm đến cái chết. Như anh Đinh Văn Sò, quan hệ bất chính với em họ nhà vợ đến nhà anh giúp việc, ở chung nhà dẫn tới cô gái 17 tuổi này có thai. Theo tập tục, anh Sò bị xử phạt phải nộp 1 con trâu, một con lợn, một con dê và 1 con gà để dân làng cúng tạ tội. Tuy nhiên khi làng chưa xử lý, nhà anh cũng chẳng biết lấy đâu ra trâu, lợn để nộp thì anh Sò đã ăn lá ngón tự tử.
Ngày 15/3/2015, em Đinh Văn Nhịp (14 tuổi, ở thôn Đắk Lang, học sinh lớp 8, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Sơn Tây) do buồn chuyện học lực yếu, vi phạm giao thông nên đã ăn lá ngón tự tử. Thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” vì được gia đình và bạn bè phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng tối hôm sau, Nhịp lại tiếp tục ăn lá ngón. Lần này, Trung tâm Y tế huyện không cứu được em. Trước đó, em Đinh Thị Cầm (cũng là học sinh Trường Dân tộc nội trú huyện Sơn Tây) đã ăn lá ngón tự vẫn chỉ vì gia đình cấm không cho yêu chàng trai cùng xã. Sau khi chôn cất con trai, mẹ Nhịp - chị Đinh Thị Thập (33 tuổi) do buồn đời đã ăn lá ngón tự tử ngay bên mộ con vào chiều ngày 21/3/2015.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2015, anh Đinh Văn Lum (chú ruột của Nhịp) cũng ăn lá ngón tự tử vì buồn chuyện gia đình. Cùng ngày chị Nhịp tự tử, chị Đinh Thị Tim (33 tuổi, cùng ở thôn Đắk Lang) cũng chết do ăn lá ngón mọc sau nhà sau khi hai vợ chồng uống rượu, dẫn đến cãi vã. Thậm chí ông Đinh Trung Ngoan (ở xã Sơn Dung) đã ba lần được cứu sống nhưng sau đó vẫn lên rừng tìm lá ngón ăn và đập đầu vào đá tự tử.
Tự tử ngày càng gia tăng
Theo thống kê của Công an tỉnh Bình Định, từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 292 vụ tự tử, làm chết 157 người. Tình trạng này chủ yếu xảy ra tại các huyện miền núi như An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, nơi có nhiều đồng bào Hơrê, Bana, Chăm... sinh sống. Nạn tự tử ngày càng gia tăng, trở thành vấn nạn nhức nhối trong toàn quốc. Những trường hợp tự tử thuộc mọi lứa tuổi nhưng có đến 160 vụ (chiếm 55% tổng số vụ) là người từ 20-35 tuổi. Trong vòng hơn 10 năm qua, dân tộc Hơrê đã có 112 người tự tử, chiếm tỷ lệ 1,22% dân số tại địa phương (người Hơrê có 9.176 nhân khẩu), người dân tộc Bana có 157 người tự tử, chiếm 0,81% dân số (người Bana có 19.284 nhân khẩu), dân tộc Chăm có 23 người tự tử, chiếm 0,4% dân số (người Chăm có 5.726 nhân khẩu)...
Không chỉ Quảng Ngãi, Bình Định mà vấn nạn tự tử xảy ra ở một số địa phương vùng cao, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn quốc. Chiều 12/2/2016, Mùa Bá Thái (18 tuổi, ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn) đến nhà Xồng Y Khù (19 tuổi, ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) chơi và xin cưới thiếu nữ này làm vợ. Trước đó, đôi trẻ này yêu nhau nhưng bị gia đình nhà gái ngăn cấm vì Mùa Bá Thái mồ côi bố, trên bụng lại có nhiều vết sẹo dài. Khi không thuyết phục được gia đình Khù đồng ý, hai người rủ nhau vào rừng ăn lá ngón rồi ôm nhau chết. Hơn một giờ không thấy con gái quay về nhà, gia đình Khù đã đi tìm, phát hiện hai nạn nhân ôm nhau nằm bất động trong rừng. Mùa Bá Thái do bị nhiễm độc nặng nên đã tử vong trên đường đi. Còn Xồng Y Khù may mắn được Bệnh viện Đa khoa huyện Tương Dương cứu sống.
Mới đây nhất, ngày 22/8/2016, em Ksor Sôn (SN 2003, học lớp 6, ở xã Ia Der, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã treo cổ trên cây bời lời của nhà hàng xóm tự tử. Lý do vì hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ Sôn chưa kịp may quần áo mới cho em vào năm học mới nên cô bé đã tìm đến cái chết.
Trình độ thấp, tập tục lạc hậu
Nhiều hội thảo khoa học về đề tài “Nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp cơ bản nhằm ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số” đã được tổ chức. Trước thực trạng các vụ tự tử ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số (DTTS) có dấu hiệu ngày càng gia tăng, cơ quan chức năng các địa phương được đánh giá là “điểm nóng” của vấn nạn này đã tổ chức khảo sát, tìm hiểu và đưa ra kết luận: Phần lớn số vụ tự tử xảy ra chủ yếu tại các vùng đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, nơi nhận thức về cuộc sống cũng như hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Có nhiều lý do khiến nạn nhân tìm đến cái chết như tình yêu không được đền đáp, vợ chồng xích mích, hàng xóm bất hòa, anh em trong gia đình mâu thuẫn...
Một khảo sát về vấn nạn tự tử do tỉnh Lai Châu thực hiện gần đây cho thấy nạn nhân tự tử là người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ lớn với khoảng 76% trong toàn bộ số người tự tìm đến cái chết trên địa bàn thời gian qua. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là mâu thuẫn gia đình (chiếm 68%). Do đặc điểm tính cách, tâm lý của người DTTS là bộc trực, trọng tín nghĩa nhưng cũng rất tự ti, mặc cảm, thường sống khép kín, nên khi phát sinh mâu thuẫn không được giải quyết kịp thời, hoặc bế tắc trong cuộc sống, họ thường nghĩ ngay đến cái chết. Đặc biệt, tình trạng uống rượu tràn lan đã trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nạn tự tử. Tại Bình Định, có hơn 80% trong số những trường hợp tự tử có liên quan đến việc uống rượu. Nhưng nguyên nhân lớn nhất bắt nguồn từ bản lĩnh của các nạn nhân trước cuộc sống chưa được định hình đầy đủ dẫn đến dễ bi quan, chán nản và có hành động tiêu cực bột phát.
Trong một đám cưới, ông Đinh Văn Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã An Quang, huyện An Lão, Bình Định có lời qua tiếng lại với một người làng. Sau khi ăn cưới về, ông Hùng lên giường nhưng khó ngủ nên bảo vợ tắt vô tuyến. Vợ không nghe, ông Hùng ra sau vườn treo cổ tự vẫn.