Văn nghệ góp phần xây dựng bản lĩnh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Giai đoạn vừa qua, đời sống văn học nước nhà dần vắng bóng những sáng tác về đề tài chiến tranh và người lính. Vấn đề quan trọng nhất đặt ra lúc này là đổi mới tư duy nghệ thuật như thế nào nhằm phục hưng mảng văn học quan trọng và có ý nghĩa nói trên.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Từ thế giới của sử thi

Dân tộc ta đã tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đã giành thắng lợi vẻ vang. Lẽ tất nhiên, ở đất nước với hơn ba mươi năm không dời tay súng, hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ là hình ảnh con người đẹp nhất, đáng yêu nhất là niềm tự hào lớn của cả dân tộc. Những chiến sỹ Bộ đội Cụ Hồ - anh vệ quốc quân trước kia, anh giải phóng quân sau này đã đi qua 2 cuộc kháng chiến và viết lên những chiến công chói lọi.

Những chiến công đó đã đi vào lịch sử như những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỉ XX. Không riêng Việt Nam, chiến tranh và người lính là đề tài lớn, xuất hiện xuyên suốt mọi tiến trình lịch sử văn minh và văn học của các dân tộc.

Từ người vệ quốc quân đến giải phóng quân, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ là nhân vật trung tâm của văn học Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, nhiều hy sinh, mất mát. Có những tác phẩm viết về chiến tranh và người lính mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao trở thành quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc.

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hình tượng người lính được khám phá, đánh giá và miêu tả từ cái nhìn sử thi. Thế giới sử thi là thế giới của cái cao cả, của những đỉnh cao lịch sử, thế giới của những người anh hùng, làm chủ và sáng tạo ra lịch sử. Thời đại sử thi là thời đại sáng tạo ra các truyền thuyết về dân tộc. Ví dụ, về nghệ thuật, chiến tranh và hòa bình của đại văn hào Lep Tonxtoi kết cấu dựa trên sự thống nhất hai mặt của chủ nghĩa anh hùng nhân dân và truyện kể lịch sử.

Một trong những đặc điểm nổi bật khác của chiến tranh và hòa bình là nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Số phận nhân vật với những tâm trạng tinh tế đều gắn bó mật thiết với bước thăng trầm của lịch sử. Đây chính là điểm cách tân của Tonxtoi về thể loại anh hùng ca, từ đó sáng tạo nên loại anh hùng ca hiện đại trong lịch sử văn học Nga và văn học thế giới.

Chân dung người lính trong thời đại sử thi đầy tính quy phạm, đời sống của nó không tách rời các sự kiện lớn của dân tộc, thế giới tinh thần của nó bị thu hẹp vào những lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn. Mọi người lính gần như chỉ có một phẩm chất: kiên trung, bất khuất, lạc quan, không tiếc đời mình sẵn sàng hy sinh tình riêng cho lý tưởng cao đẹp. Tầm vóc của người lính là tầm vóc thời đại, dân tộc, cộng đồng.

Sau năm 1975, văn học về chiến tranh và người lính có sự chuyển biến sâu sắc về nội dung và hình thức. Do có độ lùi về thời gian và những thoáng mở trong không gian sáng tạo từ xã hội, các tác phẩm viết về chiến tranh và người lính đã tiếp cận sát đúng hơn hiện thực, đa dạng, đa chiều và đương nhiên cũng chứa đựng nhiều tầng lớp, cung bậc của cuộc chiến với máu, mồ hôi, nước mắt mà dân tộc ta đã trải qua. Bao nhiêu chiến thắng, kỳ tích là bấy nhiêu mất mát, đau thương. Gắn với hình tượng người lính không chỉ có tráng ca mà còn rất nhiều bi ca.

Bên cạnh cảm quan sử thi, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, văn học hậu chiến đã miêu tả người lính qua nhãn quan tiểu thuyết và trong trạng thái thời bình. Từ độ lùi thời gian, tính cách, số phận của người lính được các nhà văn như: Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Trí Huân, Lê Minh Khuê, Lê Lựu, Chu Lai… nhận thức sâu hơn, được soi chiếu nhiều chiều và được đặt trong nhiều tình huống nhân sinh phức tạp, chân thực.

Bởi thế, thay vì khắc họa con người cộng đồng, con người công dân, con người dân tộc, đại diện cho một thế hệ dấn thân, cho khí phách và phẩm chất của con người Việt Nam trong cuộc cứu nước vĩ đại, văn học hậu chiến đem lại cho chúng ta một kiểu người lính đa diện, người hơn, có phẩm chất nhân loại rõ nét hơn.

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là một đỉnh cao không có sự kế thừa về cách tân hình thức.

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là một đỉnh cao không có sự kế thừa về cách tân hình thức.

Đến những thách thức lớn

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”, mới đây, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Văn học, nghệ thuật góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ”.

Tọa đàm thu hút sự quan tâm, tham gia của gần 20 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ có uy tín, tài năng trong giới văn chương, nghệ thuật Việt Nam.

Các đại biểu tập trung trao đổi, tham luận một số nội dung chính như: Vị trí, vai trò của văn học nghệ thuật đối với xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ; thực trạng văn học nghệ thuật viết về Bộ đội Cụ Hồ trong những năm gần đây; làm thế nào để có tác phẩm đỉnh cao về Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới; trách nhiệm của hệ thống chính trị, lãnh đạo đơn vị trong việc bồi đắp bản lĩnh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật...

Nhà văn Ngô Thảo trăn trở, nhiều năm nay trên điện ảnh, truyền hình rất thiếu những tác phẩm phản ánh hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Rõ ràng về số lượng, văn nghệ sĩ quân đội không hề ít, nhưng tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) về lực lượng vũ trang không dồi dào như xưa. Lâu lắm rồi không có những tác phẩm về người lính hôm nay được dư luận quan tâm.

Hình ảnh người lính hôm nay của đủ các quân, binh chủng hầu như đã được khắc họa trên các tác phẩm văn học như tiểu thuyết, trường ca, thơ, truyện ngắn, bút ký, lý luận phê bình. Tuy nhiên, tác phẩm văn học về bộ đội hôm nay còn ít về số lượng và nhìn chung chưa cao về chất lượng. Văn học chưa theo kịp với hiện thực đời sống, chưa ngang tầm với những cống hiến hy sinh của cán bộ, chiến sĩ. Văn học về người lính hôm nay hình như chưa chạm tới chiều sâu tâm hồn của họ, phần nhiều vẫn chỉ là sự ghi chép chung chung, mang tính biểu dương là chính.

Theo PGS, TS. Phan Trọng Thưởng, thời đại nào cũng sản sinh ra những nhân vật, những kiểu mẫu, mẫu người tiêu biểu của thời đại đó. Lịch sử sang trang, hoàn cảnh đất nước thay đổi. Tuy vẫn mang bản chất của Bộ đội Cụ Hồ năm xưa nhưng không gian thử thách không chỉ là thao trường và chiến trường, mà còn mở ra thị trường và thương trường; đặc biệt là thị trường thời đại kỹ thuật số. Nhìn vào thực tế hiện nay chúng ta sẽ thấy Bộ đội Cụ Hồ vừa là những con người trực tiếp chiến đấu, vừa trực tiếp công tác và lao động sản xuất. Làm thế nào để Bộ đội Cụ Hồ thời nay vẫn giữ được phẩm chất, bản lĩnh và nhân cách, quả là vấn đề không đơn giản. Để có được hình tượng văn học mang phẩm chất, cốt cách Bộ đội Cụ Hồ, cần phải tái tạo được những nhân vật sử thi thời bình trong VHNT, tránh việc viết thành gương người tốt - việc tốt; hoặc không khéo biến người lính thành anh hùng siêu nhân, chứ không phải bằng da, bằng thịt với xúc cảm, cốt cách chân dung Bộ đội Cụ Hồ.

Viết về chiến tranh, ngoài đề tài sinh tồn mà Margaret Mitchell nghĩ rằng trọng yếu nhất thì cuốn tiểu thuyết “Cuốn theo chiều” gió lừng danh của bà đề cập đến toàn bộ các vấn đề mang tính chất phổ quát nhất của đời sống con người: chiến tranh, tình yêu, chết chóc, xung đột sắc tộc, giai cấp, giới tính và thế hệ, nữ quyền…

Văn học phải viết như thế nào để cho người lính đọc vào thấy được diện mạo, tâm hồn, hoàn cảnh thật của mình trong đó. Mọi sự cách tân văn học bao giờ cũng bắt đầu từ hình thức, do đó, việc áp dụng những kĩ thuật tự sự mới mẻ, những phương thức cấu trúc văn bản hiện đại cho những tác phẩm viết về người lính là điều hết sức quan trọng.

Đọc thêm