Văn phòng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công điện 7776/CĐ-VPCP ngày 25/10/2021 gửi các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Công điện 7776/CĐ-VPCP ngày 25/10/2021 của Văn phòng Chính phủ, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Tuy nhiên, dự báo tình hình kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm 2021 còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã xác định một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021 là chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Ước đến hết tháng 10/2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công dự kiến chỉ đạt khoảng 55,8% kế hoạch năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (67,2%). Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo ba nội dung cụ thể.

Thứ nhất, tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, số 45/NQ-CP ngày 05/4/2021, số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021; các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; Công điện 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 05/10/2021 của Văn phòng Chính phủ và các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất trong những tháng cuối năm 2021.

Thứ hai, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; khẩn trương rà soát, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại bộ, cơ quan, địa phương mình; thúc đẩy giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lãng phí.

Thứ ba, chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của bộ, cơ quan, địa phương thuộc phạm vi quản lý.

Trước đó, trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nguồn vốn đầu tư công khoảng 250 nghìn tỷ đồng còn lại của năm 2021 là nguồn lực rất quan trọng trong lúc dịch bệnh tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đời sống nhân dân. Thủ tướng yêu cầu, phải xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm, thúc đẩy giải ngân đạt tỉ lệ cao nhất có thể, vừa bảo đảm tiến độ, vừa nâng cao chất lượng, siết chặt kỷ luật kỷ cương, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời Thủ tướng biểu dương những nơi đạt giải ngân cao, phê bình nghiêm khắc những nơi có tỉ lệ giải ngân dưới 40%.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu như: Công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu; thay đổi chính sách và quy định; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu; việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu; tính chất đặc thù của chi đầu tư, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn…

Bên cạnh những nguyên nhân cố hữu nêu trên, trong những tháng đầu năm xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2021 là năm chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự gắn với đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND các cấp; năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới.

Đối với các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025, tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư những tháng đầu năm và chỉ triển khai thực hiện sau khi được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Năm 2021 là năm rất đặc biệt bởi chưa bao giờ nền kinh tế nước ta phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch như vậy và cũng chưa bao giờ nhiều tỉnh, thành phố, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc như năm nay.

“Bài học rút ra là các cấp, các ngành phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Mỗi bộ, cơ quan Trung ương và địa phương sẽ là đơn vị trực tiếp đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất đối với từng dự án do bộ, địa phương thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Đọc thêm