Nhiều khoảng cách với thực tế
Thông tư số 25/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương tính giá điện mới đảm bảo quyền lợi cho người thuê trọ cũng như khắc phục tình trạng một số chủ cho thuê nhà trọ thu tiền ở mức giá cao đã có hiệu lực gần 2 tháng. Tuy nhiên, Thông tư này dường như vẫn… nằm trên giấy khi các chủ cho thuê nhà trọ vẫn tính giá điện… cao ngất như cũ.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều địa điểm có các phòng trọ, chung cư mini cho thuê trên địa bàn TP như: Xuân Đỉnh, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Cổ Nhuế, Gia Lâm, Đông Anh..., người đi thuê trọ hầu như phải trả giá điện cao hơn rất nhiều so với quy định.
Cụ thể, theo quy định giá bán lẻ điện sinh hoạt của Nhà nước hiện nay đang được chia theo 6 bậc thang: Bậc 1 (từ 0 -50kWh) 1.549 đồng/kWh; bậc 2 (51kWh - 100kWh) 1.600 đồng/kWh; bậc 3 (101kWh - 200kWh) 1.858 đồng/kWh; bậc 4 (201kWh - 300kWh) 2.340 đồng/kWh; bậc 5 (301kWh - 400kWh) 2.615 đồng/kWh và bậc 6 (từ 401kWh trở lên) 2.701 đồng/kWh.
Nhưng hiện nay hầu hết các chủ có nhà cho thuê thu 4.000 – 4.500 đồng/kWh, cao hơn rất nhiều so với giá điện sinh hoạt của Nhà nước quy định, đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của người đi thuê.
Anh Nguyễn Văn H. (người thuê nhà tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhiều năm nay vẫn thanh toán tiền điện cho chủ nhà trọ với giá 4.000/kW điện. “Tôi ở trọ nhiều nơi nhưng chưa thấy chủ trọ nào thu tiền điện đúng với giá điện sinh hoạt mà Nhà nước quy định nên đành phải chi trả. Mỗi tháng, riêng tiền điện phòng trọ của tôi cũng lên tới gần 1 triệu đồng. Trong khi đó, nếu tính giá điện sinh hoạt, tôi chỉ phải trả vài trăm nghìn”, anh H. cho biết.
Anh H. chỉ là một trong số rất nhiều người thuê trọ phải chi trả tiền điện cao một cách vô lý từ chủ nhà trọ. Tuy nhiên, gần như chỗ cho thuê trọ nào cũng tính tiền điện từ 4.000 đến 4.500 đồng/kW nên người đi thuê không có sự lựa chọn nào khác.
Có thể khẳng định, vẫn còn tồn tại hiện tượng công nhân lao động, sinh viên, các hộ gia đình thuê nhà trọ để ở vẫn đang phải trả cho các chủ trọ mức giá điện gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với giá bán điện sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy đó là tình trạng người thuê nhà “cả nể”, không dám tố cáo chủ nhà trọ.
Thậm chí, nhiều chủ nhà trọ biết giá bán điện mới bán cho các hộ gia đình, công nhân lao động, sinh viên thuê nhà để ở đã có hiệu lực từ ngày 26/10/2018 và sẽ bị xử phạt khi thu sai nhưng vẫn thản nhiên phớt lờ.
Một chủ nhà trọ tại ngõ Gốc Đề (Minh Khai, Hai Bà Trưng) thừa nhận đã nghe “loáng thoáng” về quy định mức tính giá điện cho người thuê trọ của Thông tư 25. Tuy nhiên, cụ thể ra sao thì không nắm được, nên hiện tại gia đình chị vẫn giữ nguyên mức giá điện cho người thuê là 4.000 đồng/kWh.
Tăng cường công tác quản lý
Theo tìm hiểu, hiện việc xử lý các vi phạm liên quan vẫn đang tồn tại không ít vướng mắc. Chẳng hạn, hiện việc kiểm tra và bên xử phạt lại là hai đơn vị khác nhau. Cụ thể, Tổng Công ty điện lực là đơn vị xây dựng kế hoạch và thực hiện và kiểm tra áp giá bán điện tại các địa điểm cho thuê nhà. Còn việc xử lý các chủ nhà cho thuê thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình xử lý.
Tại khoản 6 Điều 12 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực đã nêu rõ: “Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt”.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện chủ nhà cho thuê có hành vi thu tiền điện của người thuê nhà vượt quá mức quy định thì lập biên bản vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực và chuyển biên bản đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực theo quy định.
Ngoài ra, giá điện bị áp cao một phần cũng xuất phát từ chính những người thuê trọ. Theo Thông tư 25, các trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình), có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).
Một bộ phận người thuê và chủ nhà trọ đã và đang không thực hiện nghiêm túc việc đăng ký tạm trú, tạm vắng. Hệ lụy là, ngành Điện lực không có cơ sở cấp định mức, từ đó áp dụng thu giá điện sinh hoạt như một hộ gia đình thông thường (4 người được tính là một định mức). Mỗi một định mức nếu sử dụng dưới 200 số điện/tháng sẽ được tính giá điện từ bậc 1 đến bậc 3 (từ 1.549 đồng – 1.858 đồng/số điện).
Còn nếu lấy lý do lượng điện tiêu thụ toàn xóm trọ lớn dẫn đến giá điện là 2.700 đồng/số (chưa bao gồm VAT) thì mỗi số điện chủ trọ cũng lãi được ít nhất 1.000 – 2.000 đồng từ người thuê trọ…