Vẫn rưng rưng nỗi niềm tháng 7

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong ngày 17 và 18/7, Đoàn công tác của Báo Pháp luật Việt Nam đã về với những “địa chỉ đỏ” miền Trung để tri ân vùng “đất lửa” và nghiêng mình sẻ chia với người dân ở “khúc ruột” khốn khó mà đầy yêu thương này.
Tổng Biên tập, TS. Đào Văn Hội cùng Đoàn công tác dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.
Tổng Biên tập, TS. Đào Văn Hội cùng Đoàn công tác dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.

Tháng 7 tri ân, “đến hẹn lại lên”, Báo Pháp luật Việt Nam lại sống trọn vẹn nghĩa ân tình với mảnh đất, con người miền Trung và tiếp tục thực hiện chương trình “Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn – Tri ân tháng 7 miền Trung” mùa thứ 15 liên tiếp.

Đoàn công tác do TS. Đào Văn Hội - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập dẫn đầu, cùng Phó Tổng Biên tập Thường trực, Phó Bí thư Đảng ủy Trần Đức Vinh, Phó Tổng biên tập Trần Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Hà Ánh Bình và các cán bộ, phóng viên... đã vượt qua hành trình gần nghìn cây số, đầy nắng đầy gió với điểm đến là các di tích lịch sử, nghĩa trang quốc gia, những “địa chỉ đỏ” và trao tặng quà hỗ trợ cho các trường học, hoàn cảnh khó khăn nơi bản làng nghèo miền Tây Quảng Trị.

Hành trình “bồi đắp tâm hồn”

Điểm đến đầu tiên trong hành trình bồi đắp tâm hồn của Đoàn là Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Những năm chống Mỹ cứu nước, đây là “yết hầu” quan trọng nhất trên con đường Trường Sơn huyền thoại, mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Đúng vào giai đoạn này cách đây 53 năm, 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP) Tiểu đội Võ Thị Tần thuộc C552, Tổng đội TNXP 55 đã anh dũng hi sinh trong lúc đào lấp hố bom thông đường.

Xúc động trước tình cảm suốt 15 năm qua của Báo PLVN, ông Đào Anh Tuân – Phó trưởng ban Quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc gửi lời cảm ơn trân trọng đối với tấm chân tình của những người làm Báo PLVN.

Tháng 7 năm ngoái, Báo đã trồng một cây Bồ đề lưu niệm tại vùng đất linh thiêng này. Năm nay, cây Bồ đề đã phát tán xum xuê, đầy lộc xanh biêng biếc. Ông Tuân hồ hởi khoe: “Từ khi bén rễ vào đất thiêng này cho đến nay, cây vẫn xanh tốt và phát triển nhanh đến lạ, như chính tấm lòng của cán bộ lãnh đạo và phóng viên của Báo dành cho khu di tích này”.

Điểm tiếp theo của Đoàn là Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Tiết trời nơi Vũng Chùa càng đẹp đến diệu kỳ. Nước từ đại dương xanh ngắt hắt từng con sóng nhỏ yên bình nhè nhẹ nối nhau vào bờ. Nắng tháng 7 nhuộm vàng rực miền đất “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” tỏa rạng lên Khu mộ Vị tướng huyền thoại - Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Lãnh đạo Báo Pháp luật Việt Nam thỉnh chuông tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.

Lãnh đạo Báo Pháp luật Việt Nam thỉnh chuông tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.

“Đất lửa” anh hùng

Rời đất thiêng Vũng Chùa, Đoàn công tác theo đường Hồ Chí Minh, vượt qua chặng đường dài xuyên qua những cánh rừng để đến với “đất lửa” Quảng Trị anh hùng.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia (NTLSQG) Trường Sơn tọa lạc trên vùng một đồi núi đẹp ở xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh. Đây là chốn yên nghỉ của hơn 10.263 anh hùng liệt. Hầu hết trong số họ là những chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn Đông - đường chiến lược huyết mạch giải phóng miền Nam. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động tri ân, thăm viếng tại đây có hạn chế nhưng không khí trang nghiêm, linh thiêng vẫn thế.

Rời Trường Sơn, Đoàn lên NTLSQG Đường 9 ở phía Tây TP Đông Hà. Đây là một trong 2 nghĩa trang lớn nhất cả nước, cũng là nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn liệt sĩ, các anh chị hy sinh chủ yếu trên các chiến trường Tây Trường Sơn Quảng Trị và Đường 9 – Nam Lào.

Sau khi dâng hương, dâng hoa tại khu tưởng niệm trung tâm nghĩa trang, các thành viên trong đoàn tỏa đi đến từng mộ phần, dâng những nén tâm hương. Giữa bạt ngàn cây, bạt ngàn mộ, hương khói tỏa mờ…

Điểm đến tri ân cuối cùng trong hành trình của Đoàn là Thành cổ Quảng Trị - nằm dung dị bên dòng sông Thạch Hãn êm đềm. Trận chiến 81 ngày đêm rực lửa, để giữ từng tấc đất thiêng Thành cổ, hàng ngàn chiến sĩ của ta đã ngã xuống, hầu hết đang trong độ tuổi đôi mươi - đẹp nhất đời.

Bước qua cổng Thành cổ, dẫn lối chúng tôi qua bạt ngàn cỏ cây vào Đài tưởng niệm là lời hát nhẹ như ru bổng trầm da diết: “Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ. Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ. Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ. Xin chớ vô tình với người hy sinh… Cho hạnh phúc quê mình”.

Trong chuyến tri ân dịp kỷ niệm 35 năm ngày phát hành số báo đầu tiên (10/7/1985) và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất (lần thứ 2) năm ngoái, Báo PLVN đã tặng cho 2 NTLSQG Đường 9 và Trường Sơn 8 cây hoa giấy ngũ sắc và Thành cổ Quảng Trị 2 cây hoa mẫu đơn cỡ lớn. Điều tuyệt vời là tất cả các cây này đều phát triển xanh tốt và cho hoa rất thường xuyên trong năm.

Chứng kiến niềm vui này, Tổng Biên tập Đào Văn Hội đã chia sẻ với các thành viên trong Đoàn rằng: “Những cây hoa, những món quà là tấm lòng tri ân, ngưỡng vọng của chúng ta. Nhưng để được xanh tốt, đẹp tươi như vậy, đó là phúc âm của các anh hùng liệt sĩ dành cho thế hệ sau muôn đời…”.

Phó Tổng Biên tập Thường trực Trần Đức Vinh tặng nhà tình nghĩa cho cán bộ lão thành cách mạng tại Quảng Trị.

Phó Tổng Biên tập Thường trực Trần Đức Vinh tặng nhà tình nghĩa cho cán bộ lão thành cách mạng tại Quảng Trị.

Các Phó Tổng Biên tập Trần Ngọc Hà, Hà Ánh Bình trao 50 triệu đồng hỗ trợ trường mầm non xã Hướng Hiệp và trường mầm non xã A Ngo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Bảo Thiên

Các Phó Tổng Biên tập Trần Ngọc Hà, Hà Ánh Bình trao 50 triệu đồng hỗ trợ trường mầm non xã Hướng Hiệp và trường mầm non xã A Ngo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Bảo Thiên

Sẻ chia với miền đất khó

Cụ ông Hồ Văn Khoòng (81 tuổi, ở xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) là một thương binh già, nay chân tay đã yếu, mắt nhìn nhiều đã mỏi... Cụ và vợ hiện vẫn phải sống tạm bợ trong căn nhà sàn ọp ẹp cứ như chờ sập bất cứ lúc nào. Mùa mưa bão năm 2020, nghe tin báo bão ập về, cụ Khoòng và vợ chỉ kịp cuốn vội mấy bộ áo quần và mấy tâm huân huy chương Nhà nước trao tặng vào túi vải rách dìu nhau chạy lánh.

Nhận biết được hoàn cảnh này, Báo PLVN đã quyết định trao tặng hỗ trợ cụ Khoòng 50 triệu đồng. Nhưng khi trực tiếp chứng kiến gia cảnh của Cụ, Tổng Biên tập Đào Văn Hội lập tức quyết định tặng thêm 50 triệu nữa để cụ Khoòng đủ cất nhà...

Nhân chuyến công tác đặc biệt này, Báo PLVN cũng đã trao tặng 50 triệu đồng đến trường Mầm non xã A Ngo và Mầm non xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông, Quảng Trị).

Đọc thêm