Vào chùa vẫn phải chắp tay cúi đầu trước… ông Ác?

(PLVN) - Tháng 9/2016, Nhà hát cải lương Việt Nam đã trình diễn vở kịch “Ngạ quỷ” do Đại đức Thích Nguyên Thanh chấp bút kịch bản. Chuyện kịch được kết cấu từ hai khối sự kiện lịch sử là chuyện về vụ án chu di tam tộc nhà họ Triệu ở thế kỷ thứ V trước Công nguyên (dựa theo tích “Triệu thị cô nhi báo đại cừu”) và câu chuyện hôn quân Nhật Lễ thời nhà Trần vào nửa cuối thế kỷ XIV.  Và thông điệp giải thích về bản chất của cái ác rằng, quỷ dữ ở cõi Ngạ quỷ (một trong 6 cõi luân hồi theo quan niệm Phật giáo), về bản chất chính là phần “thức” của những kẻ khi sống ở dương gian từng gieo nhiều nhân dữ....

Bạn ác hay thiện?

Con người không ai toàn ác và cũng không ai toàn thiện. Theo khái niệm của đạo Phật thì thiện và ác là hai phạm trù hoàn toàn đối lập với nhau.Thiện là những việc ở ngoài ánh sáng và đúng với công lý, đạo đức còn ác là ngược lại, đó là những hành động sai trái, không đúng cũng như có thể gây nên nhiều hậu quả xấu đối với mọi người. 

Nhưng trong Phật giáo, thiện và ác có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nhà Phật ví cái thiện và cái ác giống như đồng xu luôn có hai mặt trước và sau, mọi sự vật cũng như hiện tượng xung quanh ta cũng luôn có hai mặt đối lập và mâu thuẫn nhau. Giống như khi vào chùa, chúng ta thấy có những chùa thờ hai ông, một bên là ông Thiện, một bên là ông Ác. Ông Thiện thì hiền lành, nhưng còn ông Ác thì nên tránh mới phải nhưng sao lại thờ cả ông Ác nữa? 

Theo đạo Phật, thiện là những việc hợp với lẽ phải và có lợi cho mình và cho người ở hiện tại trong tương lai còn ác là những việc trái với lẽ phải và gây khó khăn cho người khác. Cũng như hai mặt của một đồng xu, không một ai trong chúng ta có thể sống tốt hoàn toàn hay cực kì độc ác. Ở đâu đó trong bản thân mỗi người chắc chắn vẫn còn hiện diện một nửa kia. Sự tồn tại của thiện, ác sẽ giúp bản thân chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống, từ đó có sự chuẩn bị vững vàng để không làm bản thân bị cái ác chi phối. 

Giảng về thiện, ác không cố định, Đại đức Thích Tâm Hạnh đã từng kể một câu chuyện rằng: Có một ông nông dân nọ rất là nghèo, ông mua được một thửa ruộng, khi mua về rồi thì ông cày và đào lên được một chum vàng rất lớn. Lúc bấy giờ, ông đem chum vàng trả cho người chủ vì nghĩ mảnh đất này của người chủ thì chum vàng cũng của người chủ. Khi đem trả thì người chủ nói: “Tôi không có vàng để chôn nên chum vàng này không phải là của tôi”.

Ông nông dân nói: “Khi tôi mua đất thì tôi cũng không hề nghe nói là có chum vàng, vì vậy tôi xin trả lại cho bác”. Nhưng người chủ vẫn cố từ chối, nói rằng: “Lúc tôi bán đất thì tôi cũng không biết là có cái chum vàng, vậy bác cứ lấy mà dùng”. Hai người cứ nhượng qua nhượng lại mãi thì cuối cùng trời tối, phải về nhà ngủ.

Ngủ một đêm, cả hai người suy nghĩ lại, không biết vì sao mình lại từ chối chum vàng, uổng quá. Thành ra sáng hôm sau gặp nhau, hai người cùng nói: “Hôm qua bác dạy thật là chí lý, chum vàng đó nhất định là của tôi”. Hai người đều thấy là của mình thì tranh cãi, tìm bao nhiêu lý luận để lấy chum vàng đó về mình. Cuối cùng sự việc không giải quyết được, phải đưa lên quan xử.

“Qua câu chuyện có thể thấy ban đầu cả hai người đều là người tốt, tìm mọi lời lẽ để làm sáng tỏ một điều là chum vàng đó không phải của tôi, nhưng sau một đêm suy nghĩ thì ai cũng tìm mọi lý lẽ để chứng minh chum vàng đó thuộc về mình và lấy cho được, cuối cùng cãi nhau và phải đưa lên quan xử.

Ông Thiện, ông Ác trong chùa

Như vậy, cái thiện của ngày hôm qua đến hôm nay thì không còn nữa và đổi thành cái ác. Như vậy tâm thiện và tâm ác nó thay đổi liên tục và không cố định. Quan trọng là mình nên nhìn kỹ thiện và ác để biết được đâu là thiện, đâu là ác,  rồi thì tuy chưa ứng dụng được nhưng mình sẽ có được chính kiến, từ đó đảm bảo mình sẽ an ổn được trong cuộc sống hàng ngày” - Đại đức Thích Tâm Hạnh khuyên.

“Phải làm cho phần xấu dần mất đi”

Đó là một trong những ý của bài viết “Giáo lý Phật giáo qua lăng kính Hồ Chí Minh” của TS. Hoàng Anh Tuấn đăng tải trên trang thông tin của  Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. TS. Hoàng Anh Tuấn khẳng định, trong hệ thống di sản tư tưởng phong phú và vô giá mà Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta ngày nay có tư tưởng về Phật giáo, trong đó, giá trị cốt lõi về triết lý nhân sinh quan, thế giới quan, trung tâm là con người hướng đến cái “chân, thiện, mỹ”, “từ, bi, hỷ, xả”, “vô thường, vô ngã vị tha”, cứu khổ cứu nạn, để sống tốt đời đẹp đạo… mà hạt nhân tư tưởng của Phật giáo là một trong những tư tưởng văn hóa ảnh hưởng nhiều đến quá trình hình thành tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh.

 Hồ Chí Minh cho rằng, trong mỗi con người phải có cái tâm, cái đức trong sáng. Người hết sức chú trọng về đạo đức và cái tâm của con người, có đạo đức, có cái tâm thì hành động làm theo lương tâm và đạo đức và chính Người cũng là một tấm gương về thực hành theo cái tâm, cái đức trong sáng và cao cả. Hồ Chí Minh nói: “Đức Phật dạy tín đồ, con người thông hiểu, tu hành từ muôn vàn giáo lý, đặng kết đọng hướng tới sống theo đức hạnh cao nhất: “Hãy gấp làm điều thiện, ngăn tâm làm điều ác”. 

Hồ Chí Minh coi yêu thương con người là phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Từ quan điểm đó, người luôn ý thức rằng làm thế nào cho mọi người có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Với tấm lòng bao dung, độ lượng và luôn hướng đến điều thiện, dạy con người hướng đến giá trị tốt đẹp, Hồ Chí Minh nói: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng ta, phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, từ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác”.

Sống ở đời cần nhìn kỹ thiện và ác để có được chính kiến đảm bảo mình sẽ an ổn được trong cuộc sống hàng ngày

 Qua lăng kính về giáo lý của Phật giáo, cho chúng ta thấy, những ảnh hưởng của Hồ Chí Minh về tư tưởng giáo lý nhà Phật rất rõ nét. Người đã gạn lọc, kế thừa, cách mạng hóa những hạt nhân hợp lý trong triết lý đạo Phật, nhất là triết lý đề cao nếp sống đạo đức trong sáng, chủ trương bình đẳng, yêu thương đồng loại, chống điều ác. Người đã nâng nó lên thành ngọn lửa hun đúc cho truyền thống yêu nước, nhân ái của dân tộc, động viên khích lệ đồng bào theo đạo Phật đồng lòng xây dựng đất nước. Đó là lòng yêu thương con người, quên mình vì mọi người, mình vì người khác… 

Trong giáo lý nhà Phật, “từ bi” là ước vọng mãnh liệt để giải thoát con người thoát khỏi đau khổ. “Bác ái” là lòng thương yêu của mọi người. “Vị tha”, sống vì người khác”, “kết tinh bằng từ bi, trí tuệ, dũng mãnh, hướng dẫn chúng sinh đạt tới mục đích giác ngộ và giải thoát, chuyển cõi sa bà này thành cõi Tịnh độ và cuộc đời cơ cực này thành nếp sống cực lạc”. Từ triết lý, giáo lý của nhà Phật, Hồ Chí Minh đã tích lũy và hình thành cho mình tư tưởng mang giá trị triết lý nhân văn sâu sắc và chính Người luôn luôn hướng đến Phật pháp.

 Vì thế, khi đến thăm chùa Bà Đá (năm 1946), Hồ Chí Minh nói: “Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ”. Từ những suy nghĩ đó, Hồ Chí Minh quan niệm: “Trong bầu trời không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích cho nhân dân, việc gì có lợi cho nhân dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

 Và trở lại hai ông Thiện - Ác trong chùa, chúng ta “chào” hai ông cũng tựa như mỗi con người đang nhìn thẳng vào bản thân mình, rằng cảm ơn ông đã nhắc chúng ta về những cái ác ẩn sâu hay hiện hữu, là để mỗi người bước qua nó, hướng về phía thiện lương… 

Đọc thêm