Vào tù vì báo tin giả, tố cáo sai sự thật

Việc trình báo sự việc sai sự thật đến các cơ quan chức năng nhằm mục đích này hay mục đích khác ngày càng trở nên phổ biến. Sau các “tin báo giả, báo sai”, người trình báo không hề biết mình vi phạm pháp luật.

Việc trình báo sự việc sai sự thật đến các cơ quan chức năng nhằm mục đích này hay mục đích khác ngày càng trở nên phổ biến. Sau các “tin báo giả, báo sai”, người trình báo không hề biết mình vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, đằng sau những tin báo sai sự thật đã ít nhiều làm “khổ” các cơ quan chức năng khi vào cuộc tìm hiểu, điều tra và xác minh vụ việc.

Trình báo sai nhằm mục đích gì?

Một tuần sau khi bị trộm ghé thăm, bà Trần Thị Xuân Lan (Trưởng phòng Tổ chức, Cục Thuế tỉnh Gia Lai) và chồng là Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Gia Lai đã lên Công an TP.Pleiku (Gia Lai) trình báo sự việc. Sau đó, lực lượng chức năng đã bắt tạm giữ đối tượng liên quan đến vụ trộm là Nguyễn Quốc Nam (21 tuổi), Lê Đình Trung (24 tuổi), Nguyễn Mạnh Quân (23 tuổi) và Lê Đình Đạt (21 tuổi, cùng trú P.Yên Đỗ, TP.Pleiku).

Tại Cơ quan Điều tra, các đối tượng bất ngờ khai nhận số tài sản trộm được tại nhà bà Lan là 64 cây vàng, 1 máy vi tính hiệu HP, 1 sừng bò tót, 1 khẩu súng điện... chứ không phải chỉ 4 cây vàng như bà Lan đã khai báo trước đó. Còn một đối tượng tên Thuận liên quan đến vụ trộm hiện đang bỏ trốn cùng số tài sản trên.

Hình chỉ mang tính minh họa
Hình chỉ mang tính minh họa

Mới đây, Công an huyện Phú Tân nhận được tin báo của Nguyễn Chí Ngoan (31 tuổi) cùng vợ là Phạm Thị Phượng (28 tuổi, thường trú ấp Đầu Sấu, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau): Gia đình đã bị kẻ trộm đột nhập cạy phá két sắt lấy đi toàn bộ tài sản mà vợ chồng làm ăn dành dụm bấy lâu nay, gồm: 100 chỉ vàng SJC, 160 chỉ vàng 24K, 66 chỉ vàng 18K và 100 triệu đồng.

Sự việc nhanh chóng được thông báo lên công huyện Phú Tân. Lập tức lực lượng chức năng đã cử người xuống khám xét, bảo vệ hiện trường. Tuy nhiên, qua điều tra của các trinh sát được biết, gia đình bên chồng và cha mẹ ruột của Phạm Thị Phượng đều khá giả. Ngày Phượng lấy chồng, gia đình hai bên cho vợ chồng Phượng gần 20 lượng vàng để làm vốn. Gần đây, vợ chồng Phượng làm ăn thua lỗ.

Kết hợp cũng với những lời khai của vợ chồng Phượng - Ngoan tại Cơ quan Điều tra và vết tích để lại hiện trường có phần mâu thuẫn nên các Điều tra viên đã vận động Phượng thành khẩn khai báo toàn bộ sự việc.

 Biết không thể qua mặt được lực lượng chức năng nên Phượng đã thú nhận toàn bộ sự việc bị mất trộm tài sản của vợ chồng mình với Cơ quan Điều tra: “Sau thời gian làm ăn liên tục lỗ, không biết cách nào để “rút ruột” cha mẹ hai bên thêm một ít tiền để làm vốn. Nhiều đêm suy tính, Phạm Thị Phượng nghĩ ra cách tạo hiện trường giả bị mất trộm tài sản, rồi trình báo cho cơ quan công an, nhằm mục đích để cha mẹ chồng và cha mẹ ruột thương xót, giúp đỡ”.

Để chuẩn bị cho hành vi đen tối của mình, Phạm Thị Phượng ra chợ Phú Tân mua 1 cây đục sắt và 1 máy cắt gạch về cất giấu chờ cơ hội để thực hiện. Vào buổi trưa của một ngày trong tháng 3, lúc ở nhà một mình, Phượng mở két sắt lấy toàn bộ số nữ trang gồm: 4,5 lượng vàng 18K, 4 lượng vàng 24K và một ít tài sản khác… đem cất giấu chỗ khác; sau đó dùng máy cắt gạch và đục sắt phá thủng két sắt một lỗ, ngày hôm sau, tri hô bị kẻ trộm vào nhà đục phá két sắt lấy trộm tài sản.

Người tố cáo có khi là người vi phạm pháp luật

Thực trạng “báo tin giả” hoặc “báo tin sai sự thật” với cơ quan chức năng về các sự việc diễn ra ngày một nhiều. Điều này đã ít nhiều “làm khó” cho cơ quan chức năng khi thực thi công vụ cũng như trong quá trình tiến hành xác minh điều tra các “vụ việc”.

Trao đổi vấn đề này với chuyên viên Kiều Anh Vũ, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, TP.HCM, anh cho biết: Hành vi “báo án” đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về tội phạm hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác được xem là hành vi “tố cáo” theo Luật Tố cáo 2011.

Theo đó, khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo quy định: “Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”.

Bên cạnh đó, theo luật định, cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết tố cáo; phải điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết và có kết luận giải quyết tố cáo. Tuy nhiên, “trớ trêu” là trong thực tế có không ít trường hợp cơ quan chức năng điều tra xong thì mới “vỡ lẽ” là nội dung tố cáo không có thật hoặc không đúng sự thật. Khi đó người tố cáo lại là người vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định pháp luật.

Theo Chuyên viên Kiều Anh Vũ, tại Điều 8 Luật Tố cáo nghiêm cấm các hành vi: Cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; mạo danh người khác để tố cáo; Lợi dụng việc tố cáo để xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh, trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo,…

Ngoài ra, người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 48 Luật Tố cáo).

Trong trường hợp bị xử phạt hành chính, hành vi tố cáo sai sự thật bị xử lý theo hành vi “báo thông tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, thì có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 73/2010/NĐ-CP). Nếu việc báo tin giả, tố cáo sai sự thật có dấu hiệu tội phạm, đủ yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự, chẳng hạn như tội vu khống, thì có thể bị truy cứu hình sự theo luật định – Chuyên viên Vũ phân tích.

 Trần Phong – Đặng Đạt

Đọc thêm