Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM được xem như miền đất hứa với hàng loạt nhà máy, công xưởng mọc lên thời gian qua. Nhưng những phòng trọ tồi tàn, những bữa tối qua loa thiếu chất, và đời sống tinh thần quá nghèo nàn… lại là thực tế gói buộc tương lai của những số phận đang vắt kiệt sức mình trong khu công nghiệp.
|
Các nữ CN ở Đồng Nai |
Ăn thiếu chất, ở chật chội
Tôi đi qua cầu Tân Thuận để đến khu CN, vừa đổ chân cầu là hai ngã rẽ - bên kia tay phải về Phú Mỹ Hưng đường xá loang loáng, còn bên trái là KCX Tân Thuận, nơi mưu sinh của mấy chục ngàn con người.
Trời nhá nhem tối, lác đác có vài CN đạp xe về, tôi ghé vào phòng Trinh, cô gái người Quảng Xương, Thanh Hóa, hiện đang làm tại công ty TNHH Nidec Tosok. Bữa tối của cả phòng 4 người, gồm đậu hũ chiên, bó rau muống đã héo quắt. Trinh ái ngại giải thích: “Bữa trưa bọn em ăn ở công ty cả rồi anh, chiều chỉ là cho nhớ bữa”.
Tôi nhẩm tính chi phí cho bữa chiều của cả 4 người chưa tới 20.000 đồng. Nhìn Trinh và những cô gái cùng phòng, tất cả đều trong độ tuổi xuân thì mà nước da ai cũng xanh ngắt, mắt quầng thâm vì thiếu ngủ, tôi không khỏi chạnh lòng.
Cũng phải, khi đồng tiền nhận về từ công sức lao động quá eo hẹp thì người CN chỉ còn cách “bóp mồm bóp miệng” lại bớt.
Nhưng cái sự khổ đến từ miếng ăn đâu có buông tha họ, các vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra . Mới đây là vụ gần 2000 CN công ty Hansoll Vina ở khu Công nghiệp Sóng Thần I, Dĩ An, Bình Dương đã phải đồng loạt nhập viện cấp cứu vì ngộ độc bữa ăn. Trước đó là nhan nhản các trường hợp cơm CN có dòi, rau sống có trùn, CN nhập viện vì ngộ độc thức ăn… Tôi đem chuyện này hỏi H (Trước đây là chủ một cơ sở cung cấp thức ăn CN cho một số công ty thuộc KCN Amata, Đồng Nai), H thở dài ngao ngán: “Tớ bỏ trò kinh doanh này rồi, kiếm ăn được đấy nhưng nghĩ lại thấy bất nhân với người CN quá”.
Rồi H kể cho tôi một số “mánh” để làm nghề, mà tiêu chí đầu tiên là phải lấy được nguồn thực phẩm thật rẻ, có vậy mới tối ưu hóa được lợi nhuận. Với rau, củ, H cho xe lên chợ đầu mối Thủ Đức lấy “hàng loại 2”, thịt lợn thì về một lò mổ tư nhân ở Hố Nai, đa phần là heo đã chết trên đường vận chuyển từ Bắc vào... Nói là bữa cơm có giá 15.000 nhưng thực tế là phải “bóp” lại làm sao chỉ khoảng 5-7 ngàn, vậy mới có lãi. Dù vậy theo H thì như thế vẫn còn… “nhân đạo” chán! Nhiều chủ cơ sở cung cấp đồ ăn cho CN ở các công ty bên ngoài KCN còn tệ hơn nữa.
|
Nhiều CN đang lo tết này không có thưởng |
Ăn ở khổ cực là vậy, nhưng thấy mấy cô gái vẫn xúng xính váy áo, ngồi bệt son, phấn sặc sỡ chuẩn bị đi dự một đám cưới, tôi liền hỏi: Trông bọn em sành điệu vậy có ai nghĩ là CN khổ đâu nhỉ! Một cô giãy nảy lên : Thực ra bộ váy áo nhìn diêm dúa như công chúa này mua chưa tới 90.000 đồng, đôi guốc cao gót bóng loáng cũng chỉ có giá… 40.000 đồng, mỹ phẩm thì toàn đồ rẻ tiền có bữa mấy đứa bôi nhiều quá mặt phồng rộp lên. Tất cả đều được các cô ‘tha’ về từ khu chợ vỉa hè của những người bán hàng rong hằng đêm, và rồi trưng diện vào trông cũng sành điệu như ai.
Qua khảo sát của chúng tôi, TPHCM mới là nơi CN có cuộc sống tạm bợ nhất. Có thể kể đến các khu vực như dọc bờ kênh theo trục đường Phạm Thế Hiển quận 8, khu Hương Lộ 2, Tân Tạo, Mã Lò quận Bình Tân, quanh KCN Vĩnh Lộc, gần KCN Tân Thới Hiệp quận 12… Theo Sở Xây dựng TPHCM, hiện TP có gần 40.000 DN với 892.960 CN, trong đó đến 625.072 người ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, chỉ có 56 DN đầu tư xây dựng nhà lưu trú CN đáp ứng khoảng 16.000 chỗ ở, chiếm tỉ lệ rất thấp (5,6%). Có nghĩa đến gần 95% CN đang phải ở trọ tạm bợ. Và như vậy, xem ra cái sự ở ,miếng ăn, cái mặc của người CN chẳng hề “ổn” như hình dung của nhiều người.
Nghèo nàn đời sống tinh thần
Tôi lên KCN Tân Bình để tìm gặp “Hải đen” – một CN đồng hương để hỏi về chuyện ăn, ở. Gần 4 giờ chiều Hải đang ngoài quán cà phê đầu ngõ tại khu phố 3, đường Tây Thạnh xem phim chưởng. Trong cái không gian chật chội chừng mấy chục mét ấy còn có khoảng 30 nam CN đang dán mắt vào màn hình theo dõi bộ phim chưởng của Hồng Kông với những cảnh đấm đá loạn xạ.
Hải kể, cuối năm công ty ít đơn hàng nên không có tăng ca, xong việc chả biết đi đâu đành bỏ ra 8.000 đồng ngồi xem phim cho giết thời gian.
|
Một khu nhà trọ tồi tàn của CN ở TPHCM |
Nhưng vậy cũng còn đỡ, nhiều CN quanh khu vực đường Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông, Q.Bình Tân lại chỉ “ghiền” món phim “ heo”. Lâm Bách Chiến (quê Tuyên Quang) làm ở công ty nhựa Đại Đồng Tiến còn hồ hởi bật mí, dọc con đường này cả chục quán chiếu phim tươi mát phục vụ CN như Tuyền L, Hương M… Bọn em đi làm về tối nào cũng xem. Đã thế có nhiều CN nhậu vào, xem xong phim rồi nổi hứng hè nhau đi “cà phê ôm”. Chiến đọc vanh vách cho tôi hàng loạt quán cà phê “đen” ở từng khu vực CN thường lui tới như khu Hương Lộ 2, Lũy Bán Bích, Tô Ký.
Đối với nhóm nữ CN làm tại công ty giày da Changshin, đang trọ ở khu phố 4, phường Tân Phong, Biên Hòa, Đồng Nai thì cách giải trí duy nhất của các cô sau giờ làm việc là xem phim Hàn Quốc.
Nguyễn Thị Lệ (quê Hà Tĩnh) tâm sự: Bọn em cũng ước ao nhiều thứ lắm, nhưng mà ở cái khu này đi cả cây số mới có tiệm Internet, quầy bán báo thì không có, muốn đi chơi cũng chẳng biết đi đâu… Ở công ty em hầu hết là nữ, về phòng trọ cũng toàn nữ với nhau, trông cho có người khác giới để tâm sự thôi cũng khó lắm, đành phải mơ mộng, tưởng tượng qua… phim thôi anh à!
Qủa đúng, trong phòng của các cô ngoài chiếc ti vi 21 in chuyên dùng để xem phim Hàn Quốc, thì la liệt là các tạp chí cũ nát về diễn viên, ca sĩ xuất bản từ vài năm trước. Cái khó bó cái khôn, chả thế mà hàng chục ngàn CN quanh KCN Đồng An, Bình Dương đang là miếng mồi ngon cho các dịch vụ, hàng quán ‘chặt đẹp”, cũng bởi sự bế tắc về chỗ vui chơi.
Nhưng cái đáng sợ hơn là với các nữ CN, thiếu hiểu biết, đua đòi nhiều cô nhanh chóng biến thành con thiêu thân lao vào cám dỗ. Tôi đến khu nhà trọ trên đường Tỉnh lộ 10, Bình Tân hỏi thăm 5 phòng trọ thì mất hơn phân nửa là các cặp nam, nữ “góp gạo thổi cơm chung”. Rồi bà Hải chủ nhà bô bô, cái phòng số 4 con bé L người Đồng Tháp mới đi bệnh viện “giải quyết” về đó. …
Thực tế là cả TPHCM mà đến giờ mới chỉ 3 khu vực có Trung tâm hoạt động công nhân: KCX Tân Thuận, Linh Trung 1 và KCN Hiệp Phước với một số tiện ích như phòng học, phòng internet, sân khấu ca nhạc... Dù vậy, việc tổ chức các hoạt động văn nghệ cho CN cũng thường chỉ diễn ra vào những dịp… tết. Còn lại CN vẫn tự bồi đắp sự thiếu hụt văn hóa bằng việc xem các nhóm lô tô, biểu diễn kèm bán hàng theo kiểu “sơn đông mãi võ”, với một đội ngũ ca sĩ hầu hết là “bê đê”. Trong khi ban quản lý các KCX, KCN cho biết, hiện toàn thành phố đang có 15 khu lưu trú tại 7 KCX, KCN với khoảng 11.500 chỗ lưu trú. Tuy nhiên các KLT chỉ phục vụ CN của DN đó, còn lại đa phần phải tự “bơi” tìm nơi ở trọ.
Nói về những chuyện này ông Trương Lâm Danh - Phó ban pháp chế HĐND TPCHM lại thoáng buồn, năm nay tình hình kinh tế khó khăn đời sống người CN còn cơ cực hơn nhiều. Nhưng thử hỏi với một nơi điều kiện sống đắt đỏ như TPHCM họ sống sao được với hơn 2 triệu đồng. Mong rằng các DN, tổ chức có sự quan tâm sâu sát hơn nữa để người CN có một cái tết an vui…
Lam Sơn