Vất vưởng trên bến Cồn Chà

Lưng đã còng, mắt đã kém, mái tóc càng bạc thêm, thế nhưng những giọt mồ hôi lẫn trộn nước mắt của bà vẫn còn lăn trên tấm lưng còng ấy. Bà Hai “xển” từ đống phế phẩm hôi thối này đến đống phế phẩm hôi thối khác...

Động vừa hé mở, không khí buôn bán trên chợ cá Cồn Chà của thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) lại trở nên nhộn nhịp. Hàng ngàn chiếc tàu, thuyền của ngư dân cập bến với đầy ắp tôm cua, cá mực…

Người bán kẻ mua cứ rối rít, bộn bề gồng gánh, bưng bê những loại hải sản tươi ngon mà thiên nhiên đã ban tặng lên các xe tải để đi tiêu thụ khắp mọi miền. Tuy nhiên, hòa mình trong đó là những những mảnh đời côi cút, bất hạnh phải thức dậy từ 3h sáng đề chờ đón, lượm lặt những thứ hải sản rơi rớt dưới đất, gầm thuyền hoặc dính trong mắt lưới, ở các thúng mủng.

 Cứ mỗi sáng tinh mơ, không khí trên chợ cá Cồn Chà lại tấp nập người mua kẻ bán.
Cứ mỗi sáng tinh mơ, không khí trên chợ cá Cồn Chà lại tấp nập người mua kẻ bán.

Nhiều năm nay, ngư dân cũng như tiểu thương chợ Cồn Chà quá quen thuộc với hai cậu bé tên Nguyễn Quang Long 15 tuổi và Phạm Thành Long 12 tuổi ở dưới cầu Tàu thuộc phường Đức Long, thành phố Phan Thiết luôn hiện diện ở chợ này từ lúc 4h sáng. Dù trời nắng hay mưa, dù đêm đông giá rét hay ngày hè oi bức, trên cơ thể gầy còm, đen đúa của hai đứa trẻ cũng chỉ có độc một chiếc quần đùi sờn sụng.

Dù đã 15 tuổi, nhưng xem ra cậu bé Nguyễn Quang Long chỉ cao khoảng 90 cm và nặng chừng 15 kg. Vậy mà Long đã có thâm niên làm nghề lượm lặt những thứ hải sản rơi rớt hay bị người ta bỏ đi để phụ giúp gia đình kiếm sống hơn 7 năm nay.

Nguyễn Quang Long tâm sự: “Nhà con quá nghèo, ba má con cũng làm nghề lượm lặt này. Thời gian rảnh rỗi khác thì lượm ve chai để kiếm thêm tiền mua gạo, nhưng những ngày mưa gió, động trời thì chẳng có gì nên nhiều hôm không có gạo để ăn chú à…”.

Do gia cảnh khó khăn nên Long chỉ được học hết lớp Một là ba má bắt bỏ học ở nhà trông hai em nhỏ. Khi hai đứa em được vài tuổi thi Long phải lang thang đi khắp nơi kiếm ăn và điểm dừng chân cuối cùng là trên chợ Cồn Chà. Cứ khoảng 4h sáng, Long lại xách một vài túi nilon tới chợ để lượm những gì sót lại của ngư dân để bán. Các loại tôm, cua, cá, mắm hư hỏng, rơi rớt mà Long thu được sẽ bán lại cho người khác về làm thức ăn gia súc với giá hai ngàn đồng một ký.

Với Phạm Thành Long cũng vậy, mới học hết lớp Ba, em đã phải bỏ dở ước mơ đến trường để lang bạt khắp mọi nơi tìm kế sinh nhai. Trong dòng người tấp nập ngược xuôi, hình dáng bé nhỏ ốm yếu của các em hì len lỏi, mò mẫm nhặt từng con cá rơi rớt từ thúng cá đầy ắp được chuyển từ thuyền lên chợ.

Những động tác nhanh nhẹn của các em làm mọi người liên tưởng tới một sự giành giật nào đó để sinh tồn với cuộc đời. Những đôi tay non nớt, bé bỏng đó đáng nhẽ ra phải cầm bút và có quyền mơ ước về một tương lai tươi sáng. Vậy mà đổi lại, gánh nặng mưu sinh đã chấm hết cho những ước mơ bé nhỏ của các em.

Trên chợ Cồn Chà, không phải chỉ có Nguyễn Quang Long, Phạm Thành Long, mà còn rất nhiều mảnh đời khác cũng đã bám trụ gắn bó với nơi đây như một chốn mưu sinh duy nhất của cuộc đời. Đã hơn 30 năm nay, cụ bà Trần Thị Hai 70 tuổi ở thôn Kiến Đức, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết làm nghề bốc các loại hải sản hôi thối cho các chủ thu gom.

Nhà cụ vốn quê ở Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp, nhưng vì hoàn cảnh đưa đẩy nên đã rời quê lên cư ngụ gần bến Cồn Chà và làm nghề “hốt xác” các loại hải sản bị hư hỏng, hôi thối. Cứ 3h giờ sáng, cụ lại lặn lội đi bộ tới bến Cồn Chà để bốc những thứ phế phẩm của những chuyến đi biển dài ngày.   

h
 Hơn 30 năm, cụ Hai vẫn miệt mài mưu sinh với nghề “hốt xác” hải sản.

Dù phải thức khuya dậy sớm, dù có vất vả đến cỡ nào, cụ bà Trần Thị Hai vẫn âm thầm chịu đựng, quyết để mưu sinh trong những ngày còn lại trên thế gian này. Lưng đã còng, mắt đã kém, mái tóc càng bạc thêm, thế nhưng những giọt mồ hôi lẫn trộn nước mắt của bà vẫn còn lăn trên tấm lưng còng ấy. Bà Hai “xển” từ đống phế phẩm hôi thối này đến đống phế phẩm hôi thối khác.

Nhiệm vụ của bà bây giờ chỉ còn sức  xúc vào thúng để những người còn khỏe mạnh khiêng lên xe. “Lúc trước còn sức khỏe, bà vừa xúc vừa khiêng, nhưng bây giờ già rồi không khiêng được nữa. May mà mấy chị làm cùng họ thương họ giúp cho. Chứ không thì cũng chẳng ai thuê bà làm nữa đâu chú à…”, cụ Hai chia sẻ về công việc của mình.

Mỗi mảnh đời mưu sinh trên chợ Cồn Chà là những số phận khác nhau, nhưng họ đều có chung cái khó cái nghèo. Hình ảnh những đôi bàn tay của những đứa trẻ hay đôi bàn tay của những cụ già vốn đã đen đúa lại càng thêm chai sạm, sần sùi như những chiếc cào tre không thể nào phai với một ai đã một lần quan sát và trò chuyện với họ.

Phiên chợ Cồn Chà tan cũng là lúc những cuộc đời vất vả đó lại lủi thủi rời bến với gương mặt đầy sự lo lắng không biết rồi đây tương lai sẽ như thế nào.

Ngọc Quý - Phúc Thắng

Đọc thêm