Về Cầu Đất thưởng trà, ngắm đồi chè trăm tuổi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với lịch sử hình thành hơn một trăm năm, cùng với sự ưu đãi về cảnh quan, khí hậu, đồi chè Cầu Đất (xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) trở thành điểm du lịch độc đáo, níu chân du khách bốn phương.
Du khách tham quan đồi chè trăm tuổi.
Du khách tham quan đồi chè trăm tuổi.

Đồi chè Cầu Đất Đà Lạt có tên gọi khác là Cầu Đất Farm là địa điểm du lịch nằm ở ngoại ô, cách trung tâm TP Đà Lạt gần 20km. Đây là đồi chè có lịch sử tồn tại hơn 100 tuổi. Được biết, năm 1893, được sự ủy thác của Toàn quyền Đông Dương, bác sỹ Yersin tổ chức đoàn thám hiểm theo đường bộ từ Biên Hòa ra Đồng Nai lên Di Linh, cuối cùng khám phá Cao nguyên Lâm Viên.

Năm 1899, tại đây thiết lập một khu nghỉ dưỡng cho người Âu Châu, chính là Đà Lạt sau này. Sau khi thực nghiệm tìm hiểu thổ nhưỡng tại khu vực đỉnh Hòn Bà, nhận thấy điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp với việc trồng trà, Yersin đã dùng mảnh đất này để ươm và trồng những cây chè và cây giống trị bệnh sốt rét canhkina. Từ đây tên gọi Cầu Đất ra đời.

Sự ra đời nhà máy trà, nhiều người dân từ trong, ngoài tỉnh đổ về lao động, lâu dần hình thành khu dân cư Cầu Đất. Nhà máy chè cũng trở thành nơi mưu sinh của biết bao nhiêu thế hệ người dân Đà Lạt nơi đây. Hầu như gia đình nào ở đây cũng đều trải qua thời gian làm công nhân cho nhà trà, có những gia đình cả 3, 4 thế hệ đều làm công nhân sản xuất trà.

Bà Nguyễn Thị Là (95 tuổi, trú thôn Trường Thọ, xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) cho biết: “Gia đình tôi ở miền Bắc, vào đây từ những năm đầu khi nhà máy trà mới thành lập. Lúc đó tôi còn nhỏ lắm, bố mẹ tôi trồng trà cho công ty, tôi cũng làm quen và tập làm từ bé. Sau này tôi và con tôi cũng trở thành công nhân của nhà máy trà”.

Với diện tích trồng và khai thác chè trên 600 ha. Tại thời điểm mới thành lập nhà máy chủ yếu sản xuất chè đen, sản phẩm được đưa về Pháp tiêu thụ và xuất khẩu sang các nước khác ở châu Âu. Hiện nay, mỗi năm Cầu Đất Farm sản xuất trung bình khoảng hơn 1000 tấn trà tươi cho cả nước. Cùng với đó là khoảng 260 tấn chè khô đi chế biến để làm sản phẩm phục vụ khách hàng.

Bà Trần Thị Kim Oanh, 58 tuổi (Trú thôn Trường Thọ, xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) công nhân nhiều năm làm trà ở nhà máy trà Cầu Đất cho biết, nhờ vào điều kiện khí hậu đặc biệt, đất đai màu mỡ, lạnh và nhiều sương mù, giúp trà ở đây phát triển rất tốt. Việc thường xuyên có sương mù giúp lá trà được “no nước”, nhờ đó trà có vị ngọt và thanh hơn ở nơi khác.

Điểm đặc biệt ở đây sở hữu đồi trà cổ được trồng hơn 100 năm. Loại trà này khi mới uống, có vị chát hơn so với các loại trà khác, nhưng càng uống trà sẽ trở nên ngọt và cảm nhận hương thơm mới lạ, rất đặc trưng.

Đồi chè Cầu Đất nhìn từ trên cao - ảnh: Lê Ngọc.

Đồi chè Cầu Đất nhìn từ trên cao - ảnh: Lê Ngọc.

Bên cạnh là một “sở trà” nổi tiếng, Cầu Đất hiện nay đã trở thành một địa điểm du lịch được nhiều du khách biết tới. Với khí hậu mát mẻ quanh năm, con người hiền hòa, dễ mến, đặc biệt là khung cảnh xanh ngát của những đồi trà, dễ chiều lòng du khách.

Đối với những bạn trẻ đồi chè là địa điểm “sống ảo” tuyệt vời, màu xanh của chè bao trùm cả ngọn đồi rộng lớn, khiến nơi đây được các bạn trẻ mệnh danh là thiên đường “tự sướng” bởi “đứng vào là có ảnh đẹp”.

Anh Huỳnh Ngọc Tấn, 22 tuổi đến từ Sài Gòn cho biết: “Mình đã đến đồi chè này nhiều lần trước đây rồi. Mình thường đi cùng bạn bè vào cuối tuần để chụp ảnh, săn mây và một phần nào đó là để “cách ly” không khí ngột ngạt ở Sài thành”.

Từ đồi chè Cầu Đất, có thể săn mây giữa bồng bềnh tiên cảnh.

Từ đồi chè Cầu Đất, có thể săn mây giữa bồng bềnh tiên cảnh.

Ngoài những dịch vụ du lịch như tham quan nhà máy trà, chứng kiến các công đoạn làm trà, các dịch vụ ăn uống, chụp ảnh,...Đồi chè Cầu Đất được nhiều người biết đến là địa điểm săn mây lý tưởng. Cầu gỗ ở khu vực đồi chè được thiết kế độc đáo, từ trên cầu có thể ngắm khung cảnh biển mây trôi lơ lửng bên cạnh.

Tùy vào thời điểm, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những “màu sắc” khác nhau của đồi chè. Từ 4 đến 7 giờ sáng là thời điểm đồi chè ngập trong màn sương, không khí se lạnh, tưởng chừng như mùa xuân đang đổ về.

Đây cũng là địa điểm thích hợp để ngắm bình minh, hoàng hôn cách trọn vẹn nhất. Sự giao thoa giữa núi đồi, sương mây, rừng chè, bình minh, hoàng hôn sẽ khiến du khách choáng ngợp trước vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ.

Với việc phát triển đồi chè Cầu Đất thành một địa điểm du lịch trong tương lai. Những công trình hiện đại đã phần nào xen lấn vào khung cảnh hoang sơ của nơi này. Nhờ phát triển đầu tư các công trình hiện đại, cuộc sống của người dân Cầu Đất ngày càng sung túc, tiện nghi. Nhưng, đâu đó sự hiện đại cũng khiến người dân nơi đây cảm thấy tiếc nuối về khung cảnh đồi chè bạt ngàn, mộc mạc, yên bình thuở xưa.

Đọc thêm