Về Chàng Sơn xem làm mộc

Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 30km về phía Tây, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất vốn nổi tiếng với nghề mộc thủ công mĩ nghệ. Những sản phẩm mộc mĩ nghệ của làng từ lâu đã theo chân khách hàng đi khắp mọi miền đất nước, vượt cả đại dương đến với bạn bè năm châu. Đến Chàng Sơn hỏi nghề mộc có từ bao giờ, câu trả lời có lẽ chỉ một: “Đã có từ lâu lắm…”

Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 30km về phía Tây, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất vốn nổi tiếng với nghề mộc thủ công mĩ nghệ. Những sản phẩm mộc mĩ nghệ của làng từ lâu đã theo chân khách hàng đi khắp mọi miền đất nước, vượt cả đại dương đến với bạn bè năm châu. Đến Chàng Sơn hỏi nghề mộc có từ bao giờ, câu trả lời có lẽ chỉ một: “Đã có từ lâu lắm…”

Huyền thoại ngày ấy…

Trong tuyển tập “Vang bóng một thời” nổi tiếng của mình, nhà văn Nguyễn Tuân đã dành cho xóm mộc xứ Chàng những dòng nức nở: “Làng Chàng Thôn, tổng Kim Quan, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (tên gọi cũ của Chàng Sơn ngày nay) là một khu trung du mà hai phần ba dân số làm nghề thợ mộc. Cái chàng, cái đục của dân Chàng Thôn không những được người trần biết đến mà thỉnh thoảng cứ dăm bảy năm một, lại có người tiên trên núi hạ sơn cầu đến…”.

Nghệ nhân Nguyễn Thư Viện bên sản phẩm mộc
Nghệ nhân Nguyễn Thư Viện bên sản phẩm mộc

Giai thoại về ngôi làng có nhiều người thợ mộc tài hoa đến mức đích thân Thánh Tản Viên (trên đỉnh non Tản) xuống núi mời lên để sửa đình thờ cho mình mà Nguyễn Tuân nhắc đến trong tác phẩm của mình, hầu như mọi người con xóm Chàng ai cũng thuộc.

Truyền thuyết trong làng còn kể rằng, ngoài làng có một bãi đất hoang, nơi mà Thánh Tản Viên sai người đến đón các nghệ nhân lên chạm trổ đình thờ trên non Tản. Đến khi đưa về, mỗi người đều có một lá trúc đặt trong cổ họng. Nếu họ tiết lộ những bí mật của nghề cho người khác cũng như họ kể về những điều tai nghe mắt thấy tại Tản Viên thì họ sẽ bị lá trúc đó xuyên thủng!

Thực hư của những giai thoại ấy thế nào không ai rõ nhưng những nghệ nhân cao niên trong làng khẳng định làng nghề mộc Chàng Sơn đã tồn tại và có tiếng từ cái thời Hùng Vương dựng nước.

Hỏi chuyện các cụ cao niên trong làng mới hay, tên làng nghề ngày xưa là Nủa Chàng, chữ “Chàng” ở đây được gắn với một dụng cụ làm nghề mộc. Bên cạnh những giai thoại, những câu chuyện mang màu sắc “thần thoại”, từ xa xưa, người dân nhiều vùng miền khi biết đến làng nghề Chàng Sơn có câu: “Chớ cho Nủa coi” - ý nói người dân Nủa Chàng tinh anh, lanh lợi, ham học hỏi, giỏi bắt chước. Đến năm 1956, làng Nủa Chàng được gọi là Chàng Sơn.

Tinh hoa trên gỗ Việt

Về Chàng Sơn, khách dễ thấy sự nhộn nhịp, khẩn trương của làng nghề đang vào dịp cuối năm. Qua hàng loạt các xưởng mộc, chúng tôi như bị cuốn hút bởi sự mải mê của những nghệ nhân bên chiếc đục, chiếc bào đang say sưa chế tác. Họ đang dành hết tâm trí cho công việc mà chẳng hề để ý đến những gì đang diễn ra xung quanh. Có người trẻ tuổi, có người cao tuổi, tất cả đang chuẩn bị cho ra lò những sản phẩm mộc của làng nghề đã có một bề dày truyền thống.

Một trong những sản phẩm nổi tiếng của làng mộc Chàng Sơn
Một trong những sản phẩm nổi tiếng của làng mộc Chàng Sơn

Theo nghệ nhân Nguyễn Thư Viện (nghệ nhân duy nhất của làng), nghề mộc có những quy định rất chặt chẽ khi mới bước vào nghề mà người thợ trẻ cần học hỏi, bản thân ông cũng có quá trình học nghề và là thầy của nhiều thế hệ học trò. Theo đuổi niềm đam mê khi còn là một cậu bé 14 tuổi, hơn 50 năm qua, ông gắn bó mình với biết bao thăng trầm của nghề mộc Chàng Sơn.

Ông cho hay, sản phẩm nổi tiếng nhất của làng phải kể đến kiệu. Ông kể: “Vào những năm 1994, khi Kiệu dùng trong các lễ hội còn chưa phổ biến, tôi đã được một người tỉnh Vĩnh Phú đặt làm kiệu cho đền Hùng. Tôi băn khoăn lắm! Bởi làm sao cho đẹp đã là một chuyện, làm sao cho chất lượng bền mãi với thời gian lại càng quan trọng hơn.

Tôi đã mất ba tháng, quên ăn quên ngủ để làm, rồi chọn thợ sơn 9 ngày liền để cuối cùng hoàn tất sản phẩm mà đời tôi ưng ý nhất. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ làm được một công việc kỳ công đến thế! Chiếc kiệu mỗi khi dùng lại chỉ cần phun nước là mới như ban đầu. Và từ đó tôi và mọi người trong làng bắt đầu làm kiệu cho các nơi”.

Kiệu Chàng Sơn được đặt ngày càng nhiều bởi chất lượng tốt, bền và khi cần sử dụng lại đều như mới. Thêm vào đó, kiệu Chàng Sơn, theo quy định riêng trong quá trình làm cần phải có sự thanh tịnh của người làm kiệu, cả người sơn kiệu cũng vậy.

Đó phải là những gia đình có truyền thống, có văn hóa và “đầy đủ” (không khuyết bố mẹ hay vợ con). Ngoài kiệu, Chàng Sơn còn nổi tiếng với làm sập gụ, tủ chè, bàn ghế hay hàng loạt đồ gia dụng khác, thoạt nhìn trông đơn giản nhưng: “Chúng đều là những tác phẩm nghệ thuật mà người thợ phải rất vất vả mới làm ra được”.

Một sản phẩm rất độc đáo nữa của làng mộc Chàng Sơn được du khách trong và ngoài nước yêu thích là các tấm bài vị. Đây là sản phẩm đòi hỏi sự kỳ công và tỉ mỉ. Theo kinh nghiệm của các nghệ nhân lành nghề, trong quá trình khắc bài vị, khắc 4 con dơi đối xứng hai bên là quan trọng nhất. Vừa phải có hồn, vừa có cái gì đó uy nghi, linh thiêng để đặt lên vị trí cao nhất trong nhà thờ tổ tiên. Mỗi tấm bài vị ra đời hoàn toàn không phải là sự qua loa được.

… Nghề mộc đã gắn bó không chỉ với nghệ nhân Viện mà còn cả với làng quê Chàng Sơn bao năm qua. Các thế hệ nối tiếp nhau duy trì nghề của cha ông để lại, gắn bó và say mê với nghề. Sự nối tiếp ấy là mạch nguồn trong trẻo nhất để sản phẩm mộc Chàng Sơn luôn luôn chiếm một vị trí trong lòng người Việt. Khi được hỏi: “Nếu có một câu để nói về cuộc đời bác, bác sẽ nói câu gì?”. Ông Viện bộc bạch: “Nếu cho tôi đi lại, tôi sẽ vẫn đi con đường ấy, vẫn gắn bó cuộc đời mình với những tinh hoa trên gỗ Việt mà thôi”.

 Kỳ Anh

Đọc thêm