Về già có sợ “trắng tay” với lương hưu?

(PLO) - Gần đây, dư luận xã hội đang xôn xao câu chuyện “về già không có lương hưu” với những con số do Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra như: cả nước có 11,2 triệu người cao tuổi nhưng chỉ có 2,15 triệu người được nhận lương hưu. Liệu về già nhiều người sẽ "trắng tay" với lương hưu?
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Cứ 5 người đi làm, chỉ 1 người hy vọng vào lương hưu
Nhằm tìm hiểu về thái độ và kỳ vọng vào tương lai hưu trí khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam, Viện Lão hoá toàn cầu (GAI) đã thực hiện một khảo sát tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan (thuộc Trung Quốc), Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam với đối tượng là những người đem lại thu nhập chính của hộ gia đình, từ 20 tuổi trở lên, bao gồm những người kiếm tiền chính hiện tại và người kiếm tiền chính trước đây hiện giờ đã về hưu. 
Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều người lao động e rằng sẽ phải chịu cảnh nghèo, không đủ tiền sinh sống khi về hưu. Có tới 50% số người ở Trung Quốc và 95% số người ở Việt Nam được hỏi bày tỏ sự lo lắng này. 
Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát, người lao động rất quan tâm tới việc làm gì để ứng phó với an sinh hưu trí trong tương lai. Hiện chỉ có khoảng 1/5 số người đang lao động Việt Nam hy vọng sẽ có thu nhập từ tài sản chính khi nghỉ hưu. Vì thế, các khoản tiết kiệm cá nhân sẽ không thể bù đắp cho số còn lại. 
Trong khi đó, chỉ 10% người Việt Nam tin rằng con cái trưởng thành hoặc những thành viên khác trong gia đình là chỗ dựa thu nhập khi nghỉ hưu của họ. Số liệu đó cũng cho thấy, trong tương lai sau này, những người đang đi làm khi về hưu sẽ không thể dựa vào gia đình nhiều như những người hiện nay đã nghỉ hưu. 
Sự lo lắng này của người dân không phải là vô căn cứ khi theo các con số do Vụ Bảo hiểm xã hội (BHXH) – Bộ LĐ-TB&XH đưa ra thì cả nước có 11,2 triệu người cao tuổi nhưng chỉ có 2,15 triệu người được nhận lương hưu BHXH bắt buộc, với mức hưởng 3,9 triệu đồng/tháng. 
Thời gian qua, tỷ lệ bao phủ lương hưu đối với người cao tuổi mặc dù đối tượng thụ hưởng tăng nhưng do tốc độ già hoá dân số của Việt Nam lớn hơn nên tỷ lệ người cao tuổi có lương hưu có xu hướng giảm. Tỷ lệ người cao tuổi được nhận lương hưu và trợ cấp xã hội đã giảm hơn 1,24% từ thời điểm năm 2012 đến nay. Điều này có nghĩa là khoảng 62,5% người cao tuổi chưa có lương hưu hoặc trợ cấp lúc tuổi già. Tổng số người cao tuổi đang được lĩnh lương hưu và trợ cấp là 4,154 triệu người. 
Không lương hưu trong bối cảnh tốc độ già hoá dân số của quốc gia dẫn đầu ở châu Á và nhanh trên thế giới; tuổi thọ khoẻ mạnh lại chưa cao; bình quân, mỗi người cao tuổi phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống; 95% người cao tuổi có bệnh... là thực trạng đáng lo ngại. 
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Giải pháp công - tư 
So sánh hệ thống lương hưu của Việt Nam và một số nước trong khu vực cho thấy có sự chênh lệch đáng kể. Cụ thể, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Tổng cục Thống kê, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ người được hưởng lương hưu so với tổng số lao động ở Việt Nam chỉ đạt hơn 17%, trong khi Trung Quốc là 27,7%, Malaysia 28,1%, Singapore 44,6%... 
Tiến sĩ Richard Jackson, Chủ tịch GAI cho biết, rõ ràng người về hưu Việt Nam đang ở một thời điểm khó khăn. Người lao động cũng đang rất lo lắng về tương lai hưu trí của họ và muốn được cải thiện. Thế nên các giải pháp công - tư phối hợp ở đây là rất cần thiết.
Vậy giải pháp công - tư phối hợp để hóa giải nỗi lo lắng về hưu không tiền của người dân là gì? Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH, một trong những định hướng cải cách chính sách lương hưu trong thời gian tới là mở rộng diện bao phủ bao gồm cả hình thức bắt buộc và tự nguyện. 
Cụ thể, mở rộng diện bao phủ lương hưu cho người cao tuổi, khuyến khích các hình thức tự tiết kiệm, tham gia các quỹ hưu trí, mua các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ… bên cạnh đó cũng cần cải thiện mức hưởng lương hưu. 
Trước hết, khi Luật BHXH năm 2014 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, sẽ nâng dần mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Cùng với đó là xây dựng hệ thống lương hưu đa trụ cột, tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung. Mục tiêu trước mắt đặt ra là đến năm 2020 sẽ có 50% người tham gia BHXH.

Đọc thêm