Hầu như ai cũng ít nhất một lần từng nghe bài hát Giấc mơ chapi, đều nhớ về hình ảnh chàng ca sĩ lãng tử ôm cây đàn guitar, say sưa mơ giấc mơ về mái nhà sàn đơn sơ nơi chỉ có một mùa, mùa …yêu nhau. Nhưng mấy ai được tận mắt thấy cây đàn chapi, chạm vào những sợ dây đong đầy hồn người Raglai…
Đi tìm cây đàn Chapi
Xã Ma Nới nơi tận cùng của huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), bên kia những ngọn núi đã là Đơn Dương (Lâm Đồng). Người ta không khỏi ngạc nhiên khi có một cộng động người sống sâu và cách biệt như vậy. Còn ngạc nhiên hơn ở tít một nơi tưởng chừng quá hẻo lánh, xa xôi này vẫn có …đường nhựa. Con đường trải nhựa bò qua những ngọn núi, băng qua cánh rừng thưa, vượt những con suối cạn là sợi dây nối Ma Nới với cuộc sống bên ngoài.
|
Cây đàn Chapi |
Tuy ánh sáng văn minh đã về đến buôn bản, điện đường trường trạm đều đã khang trang, nhưng người Raglai ở đây hầu hết đều không nói được tiếng Kinh cuối cùng phải vào tận UBND xã để hỏi đường.
Anh cán bộ xã hồ hởi “tìm Chammalé Âu phải không?”. Ngạc nhiên vì được bắt trúng “mạch”, anh này cười “người kinh lặn lội lên đây đều vì Chapi”. Nhà Chammalé Âu ở dưới thung lũng bên cạnh một con suối cạn. 20 năm sau khi bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến được phổ biến rộng rãi cả nước thì nơi đây họ sống vẫn vậy yên bình, với đàn dê trắng nhởn nhơ trên đồi, một mái tranh nghèo đơn sơ.
Chammalé Âu đã gần 70 tuổi, nước da nâu bóng, cơ bắp rắn chắc như thứ gỗ cây mọc trên đỉnh núi Chơ pơ roong. Cả gia đình vợ, con dâu, con rể, cháu chắt cũng chỉ mình có mình ông lão này hiểu chút tiếng kinh bập bõm, kiểu như “ở Thành Phố Hồ Chí Minh hả, ô Bác Hồ, Bác Hồ”. Những cái bắt tay thật chặt với những người khách phương xa.
Ông lão cười rộn ràng, vui mừng như gặp những người thân. Thì ra, những năm chiến tranh như bao chàng trai Raglai khác Chammalé Âu cũng tham gia kháng chiến, là bộ bội Cụ Hồ. Ông đã xả thân bảo vệ từng ngọn núi từng cánh rừng, từng con suối cho đồng bào, dân tộc mình. Vì vậy ông già này mỗi khi nhắc đến Bác Hồ đều với một tấm lòng thành kính sâu sắc. Những anh em người Kinh với ông vẫn là những người đồng đội thân thiết.
Khi tôi ngỏ ý muốn được nhìn cây đàn Chapi thì ông già dân tộc, lấy ngay một ống tre dựng ngay góc nhà đưa ra. Cái ống tre, mà nãy giờ tôi vẫn tưởng cái điếu cày của người dưới xuôi. Ông cười khà khà “tọ (đàn) Chapi của Raglai mình đó”. Cây đàn nổi tiếng này đơn giản hơn tôi tưởng. Đàn chỉ là một ống tre già, sau khi được phơi khô thì dùng đầu nhọn của lưỡi mác tách vỏ bên ngoài thành tám dây mảnh sao cho mỗi dây cách điều ngay khoảng 2cm. Đặt những đoạn tre nhỏ ở hai đầu sao cho dây không sát vào thân đàn. Mỗi cặp dây lại được nối với nhau bởi mảnh tre được vót thành hình giống như đồng xu để cố định. Sau đó thân tre được khoét thủng hai đầu để tạo âm vang.
|
Chammalé Âu say sưa gảy Chapi hát những điệu nhạc của người Raglai |
Chammalé Âu chỉ, mỗi cây đàn Chapi đều có 4 cặp dây tượng trưng cho một gia đình người Raglai: Cặp dây mẹ thì mảnh hơn cặp dây cha, cặp dây con trai và cặp dây con gái thì mảnh hơn cặp dây bố mẹ. Khi gảy Chapi thì phải bắt đầu từ cặp dây mẹ, rồi đến cặp dây cha,cuối cùng là cặp dây các con. Từ cấu tạo cây đàn đến cách gảy đàn đều có hình ảnh của người Raglai đó là cộng động mẫu hệ, khi người mẹ làm chủ gia đình.
Cũng có thể do đơn giản, chỉ làm từ những ống tre rừng nên người Raglai ai cũng có thể sở hữu cây đàn Chapi. Đi làm rẫy một mình, họ gảy đàn cho đỡ buồn, chàng trai Raglai gảy điệu Chapi để thổ lộ tình cảm với người con gái mình yêu thương. Mùa lúa mới, mùa trỉa hạt….họ đều gảy Chapi để thể hiện niềm vui no ấm, sung túc.
Tiếng đàn Chapi cũng như cuộc sống của người Raglai, từng điệu khoan nhặt chậm rãi, thư thả. Như cuộc sống của cộng đồng người dưới chân núi Chơ pơ roong mộc mạc thong dong. Nơi “không mùa đông, không mùa nắng, mưa ở đây chỉ có một mùa…. mùa yêu nhau” thật yên bình, thật tự do.
Khi đề nghị Chammalé Âu hát bài Giấc mơ Chapi, ông chỉ hát được một câu “ai yêu tự do thì lên núi nghe đàn chapi…ơi chapi” rồi cười bẽn lẽn “khó quá không hát được”. Nhưng khi nghe ông hát điệu hát của của người Raglai, ngay lập tức thấy được sự say mê của ông. Dù không hiểu được lời, nhưng nghe điệu nhạc da diết có thể đoán được sự thương nhớ của chàng trai với một cô gái. Khi vui vẻ, khi lại trầm lắng như bước chân chàng trai đang lên rẫy vừa đi vừa suy nghĩ lúc vui, lúc lại buồn. Tiếng đàn nhanh, rộn ràng là niềm vui của mùa lúa chín no ấm… Chỉ một ống tre, nhưng những mỗi sợi dây đều mang niềm vui nỗi buồn, chứa đựng cả văn hóa, truyền thống của dân tộc người Raglai trong đó.
Thất truyền
Có một điều, quê hương của cây đàn Chapi là ở tỉnh Ninh Thuận. Nhưng có thể do lời của bài hát với núi rừng, nhà sàn, âm điệu lại mang chất trầm hùng của đại ngàn nên nhiều người nhầm tưởng ở Tây Nguyên. Và, nhạc sĩ Trần Tiến đã phải lên tiếng đính chính, dân tộc có cây đàn Chapi là dân tộc Raglai chứ không phải Chak-lay” hay “Dak-lay” như một số ca sĩ thường hay hát. Việc nguồn gốc, xuất thân của “đứa con” nổi tiếng bị nhiều người nhẫm lẫn là một điều đáng buồn cho cộng đồng người Raglai . Tuy nhiên nỗi buỗn đó rất nhỏ so với nỗi lo lắng cho tương lai của cây đàn Chapi này.
Theo Chammalé Âu tuy Chapi cấu tạo đơn giản như vậy. Nhưng muốn làm được một tọ Chapi phải mất hai năm. Đầu tiên người làm đàn phải leo lên những nhọn núi cao, tìm những bụi tre gai để đánh dấu những cây tre ưng ý, trong lúc chúng còn xanh. Ông lão dân tộc này giải thích, Chapi phải làm từ những thân tre mọc trên đỉnh núi, cái nắng cái gió nơi núi cao sẽ làm tiếng đàn trong và thanh hơn. Một năm sau, khi những cây tre bắt đầu chuyển vàng. Người làm đàn mới chặt xuống, lựa những gióng ưng ý. Mỗi cây tre như vậy chỉ được khoảng 2-3 đốt có thể làm đàn còn lại là bỏ. Những gióng tre này được phơi khô trong vòng 3-4 tháng mới được mang xuống để làm đàn. Như vậy từ khi chọn tre đến khi có một cây đàn mất khoảng hai mùa rẫy.
Chiếc đàn đơn giản thế ,nhưng học đàn rất khó, Chammalé Âu kể từ khi được người cậu ông dạy những điệu đàn đầu tiên, trong khoảng thời gian 8 đứa con ra đời ông mới thuộc hết được 14 điệu của cây đàn Chapi. Do những điệu đàn này không được viết ra giấy để lưu truyền, tất cả chỉ dựa vào trí nhớ của thế hệ đi trước truyền cho thế hệ đi sau. Nên nếu không thường xuyên đàn là quên hết. Nghệ nhân này cho biết “chỉ có ai biết đàn thì mới làm được đàn vì quan trọng nhất trong việc làm đàn là chỉnh âm sao cho chuẩn. Người không đàn được thì không thể chỉnh âm.”
Ông già Raglai này tâm sự “giờ tre ở trên đỉnh núi cũng ít hơn, con trai Raglai cũng không muốn leo lên đỉnh núi để tìm đàn Chapi nữa. Cái chân nó thích đường nhựa hơn đường núi, cái tai nó thích nhạc sập sình từ máy thôi không thích tự gảy đàn chapi và hát những điệu hát của dân tộc Raglai nữa rồi”. Không còn ai biết gảy đàn, cũng đồng nghĩa với việc không còn ai biết làm đàn. Vì lẽ đó, nên cả dân tộc Raglai dưới chân núi Chơ pơ roong này chỉ có mình Chammalé Âu là còn leo núi tìm tre để làm đàn Chapi. Mân mê từng sợi ông già dân tộc này nuối tiếc “cái chân mình sắp không leo được núi nữa, cái tai mình sắp không nghe được tiếng đàn rồi nhưng chẳng có ai để truyền lại cách làm đàn, con mình chúng cũng không học. Khi mình đi theo Yàng thì chắc chẳng có ai đàn Chapi nữa đâu”.
Rời Ma Nới, rời cộng đồng dân tộc yêu tự do dưới chân núi Chơ pơ roong, nỗi buồn của người đàn ông Raglai ấy cứ ảm ảnh mãi, rồi mai đây những sợi dây đàn đong đầy hồn người Raglai có còn rung lên nữa không ?
Hoàng Giang