Những ngày trung - hạ tuần tháng Tám này, đất và người xứ Lệ như dang rộng lòng ra để đón chào những đoàn khách, những người con xa xứ trên khắp mọi miền trở về quê hương để cùng sum vầy, đón Tết Độc lập (tổ chức vào ngày 2/9 hàng năm). Bởi thế ở xứ này, từ cụ già móm mém răng đen cho đến trẻ học sinh tiểu học cũng thuộc nằm lòng và đọc lanh lảnh tứ thơ lục bát:
“Dù ai đi Tây, về Đông
Mồng Hai tháng Chín cũng mong về nhà
Về nhà xem hội quê ta
Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay”.
Xứ Lệ thanh bình
Lệ Thủy là một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng của Quảng Bình. Mảnh đất này cũng là nơi sinh ra nuôi dưỡng ý chí cách mạnh kiên trung của người Anh cả Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà lãnh đạo quân sự tài ba, kiệt xuất - Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013). Người cũng là vị Tổng Tư lệnh Quân đội đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thần thánh của dân tộc Việt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Đặc biệt, tên tuổi của Người gắn liền với chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) - những bước ngoặt chói lọi trong lịch sử dân tộc. Sau khi trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Thủ đô Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở về yên nghỉ trong lòng đất mẹ Quảng Bình yêu thương - một cuộc trở về, cuối cùng và mãi mãi...
Từ những ngày trung và hạ tuần tháng 8, khắp các làng quê xứ Lệ dọc đôi bờ dòng Kiến Giang đã ắp đầy không khí vui tươi, rực rỡ của biểu ngữ, cờ hoa. Trong mỗi gia đình, bà con đều đã chuẩn bị chu đáo cho Tết Độc lập với nhiều sản vật của làng quê. Những thúng nếp, mẻ gạo thơm ngon nhất của vụ gặt vừa qua đã được chuẩn bị sẵn sàng trong bếp để nấu lên những nồi cơm thơm ngon nhất đãi khách. Nhà nào cũng chưng cất thứ rượu ngon nhất, đậm đà nhất từ gạo tám đỏ đuôi. Rồi thì cá, tôm, vịt, ngỗng... những món rất đặc trưng của miền đất thanh bình, trù phú này. Đêm 1/9 như lệ thường, bà con thành kính đặt bày mâm ngũ quả, bánh trái, những sản vật quê hương dâng lên bàn thờ Bác Hồ và Đại tướng…
Bà Dương Thị Thủy – một người con xã quê của làng Xuân Bồ, xã Liên Thủy cho biết: “Gia đình tôi đã chuẩn bị tất cả để về sum vầy cùng đại gia đình rồi. Dịp Tết Nguyên đán, nhiều người con xứ Lệ có thể bận làm ăn xa không về được, nhưng Tết Độc lập thì nhất định cháu con, dâu rể nhà nào cũng sẽ về đoàn viên, vui hội…”.
Còn gia đình cụ Nguyễn Văn Chứng (85 tuổi, ở thôn Tân Phong, xã Cam Thủy) có 7 người con, cháu chắt gần 30 đứa rồi. Năm nào cũng vậy, cứ đến 2/9 là nhà ông Chứng vui nhất làng vì con cháu về quây quần. Ông Chứng cho hay: “Vui nhất là bữa cơm thân mật của đại gia đình. Tuổi già gần đất xa trời như tôi, có chi vui hơn bằng con cháu, dâu rể về thăm. Nghe chúng nó khoe về công ăn việc làm, kết quả học tập mà lòng tôi sung sướng lắm, chỉ muốn trẻ lại nữa để sống lâu hơn…”.
Sông Kiến Giang trong ngày vui hội. |
Lễ hội đua thuyền 500 năm tuổi
Sau những ngày vụ mùa bận rộn, bà con Lệ Thủy lại tạm gác việc đồng áng để chuẩn bị cho những hội thao tranh tài Tết Độc lập. Mùa Tết Độc lập ở Lệ Thủy có rất nhiều hoạt động văn hóa - thể thao như tổ chức thi đấu bóng chuyền nam - nữ, bóng đá, liên hoan giao lưu văn nghệ, hò khoan Lệ Thủy… Không khí luyện tập, họp bàn chiến thuật rộn rã khắp từng mái hiên nhà, lối xóm.
Nổi bật và độc đáo nhất trong các hoạt động mừng Tết Độc lập ở quê hương Đại tướng là hoạt động đua thuyền trên sông Kiến Giang. Đây là lễ hội văn hóa thể thao cấp tỉnh được tổ chức thường niên từ năm 1946 cho đến nay và vòng chung kết được ấn định vào ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam 2/9.
Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An viết về lễ hội đua thuyền xưa tại đất Khang Lộc (vùng 2 huyện: Lệ Thủy và Quảng Ninh ở Quảng Bình ngày nay): “Những năm ít mưa, thổ dân nơi đây mở cuộc đua thuyền, liền được mưa ngay” và lễ hội đua thuyền này từng tồn tại ở vùng đất “hai huyện” hơn 500 năm. Qua bao biến thiên dâu bể của lịch sử, lễ hội đua thuyền lúc thăng, lúc trầm nhưng không hề mai một. Đến năm 1990, khi chia tách 2 huyện ra thì lễ hội truyền thống này được khôi phục, mở rộng quy mô…
Trong tiềm thức người dân xứ Lệ bây giờ, hội đua thuyền là hoạt động thiêng liêng cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, ấm no hạnh phúc và luyện rèn sức trai, sức gái để chế ngự thiên nhiên, sẵn sàng chống chọi với mùa mưa bão đang đến gần.
Để có thuyền đua lướt nhanh, các làng phải tìm rước những nghệ nhân “bắt đò đua giỏi”, có bí quyết gia truyền về nghề đóng thuyền bơi (thuyền nam) cũng như thuyền đua (thuyền nữ). Các tay chèo của đội đua, dù là nam hay nữ, phải là những người khỏe nhất trong vùng, dẻo dai, dạn dày sông nước và được tuyển chọn kỹ càng. Từ những ngày giữa tháng 8, các đội đua đã đẩy đò ra sông luyện tập. Những âm thanh nhịp nhàng của các thuyền dự hội tập luyện đã vang vọng trên dòng Kiến Giang, tiếng mõ phách, tiếng “hô lên, hô lên” hào sảng…
Cả đoạn sông Kiến Giang chật kín người, cờ hoa và biểu ngữ lễ hội đua thuyền Tết Độc lập. |
Kiến Giang dậy sóng thuyền đua
Đúng sáng Quốc khánh, nghìn nghịt người, xe đổ về trung tâm huyện lỵ. Hai bên bờ Kiến Giang rợp cờ hoa, biểu ngữ, người đông chật kín, mặt ai ai cũng hiện lên nét rạng ngời và bắt đầu cổ vũ cho lễ hội. Mặt sông Kiến Giang dậy sóng bởi nhịp chèo khua nước. Đất và người xứ Lệ bừng lên một không khí lễ hội đặc trưng của vùng quê lúa thanh bình.
Sau tiếng lệnh, các tay chèo như gầm lên gồng mình lấy đà đẩy thuyền bật ra, lao tới hòa trong tiếng reo hò vang dội trên bờ… Người reo hò, kẻ vẫy nón, phất cờ. Nhiều người còn lội ra mép sông tạt nước theo thuyền đua cổ vũ. Hết “mái xắp” lấy đà, đò đua chuyển theo “mái khoan” dưỡng sức cho chặng nước rút. Tiếng hò liên tiếp như dội vang vào sâu trong các làng xóm bên sông: “Lên hô lên! Hô lên”. Cứ theo nhịp, hàng chục tay chèo đẩy mái chầm vục xuống nước đều rắp, thuyền đua như con rồng nước cuộn mình băng lên…
Nhiều năm nước, người dân về dự hội chỉ được chứng kiến thời khắc xuất phát và về đích của các đò đua chủ yếu tập trung trên cây cầu Mũi Viết chật hẹp. Nay những chiếc cầu mới to đẹp đã được cất lên nối đôi bờ, người xứ Lệ thỏa sức reo hò, cổ vũ trên những cây cầu này và phóng tầm mắt ra cả một vùng sông dài theo dõi. Khoảnh khắc các đò bơi về đích mới là lúc bừng lên cảm xúc của tất cả mọi người dự hội đi cùng tiếng reo hò như sấm dậy.
Trong niềm hân hoan chiến thắng, đại diện các đò bơi đón cúp từ tay các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện. Những mệt nhọc do thả sức trên đường đua dường như tan biến hết bởi những cái ôm chầm mừng rỡ, siết chặt của đồng đội, người thân, bà con xóm giềng là cứ nối tiếp nhau…
Trải qua hàng ngàn năm, người dân vùng sông nước Kiến Giang gắn bó với dòng Kiến Giang quê hương xứ Lệ. Từ lao động mà kết tinh nghệ thuật chèo thuyền, bơi thuyền. Những người dân dung dị, hiền hòa nơi quê hương Đại tướng đã có một cái Tết hòa cùng đất nước, dân tộc trọn vẹn trong ngày vui Độc lập. Làng bạn, quê mình tranh tài phải có người thắng, kẻ thua nhưng rồi ai cũng hân hoan trong một niềm vui lớn, niềm vui đoàn viên ngày Tết Độc lập…