Về quê hương hải đội Hoàng Sa- Bắc Hải

Đến Lý Sơn, bao di tích lịch sử như đưa tôi trở lại những ngày xưa cũ, khi mà cảnh vật chưa bị bàn tay kiến trúc hiện đại tác động vào. Và nhất là tại đây tôi thấm được cái tình của con người, mảnh đất, chất nghĩa khí của người dân nơi này. Có đi mới biết sức nặng ân tình của từng thước đất quê hương…

Sáng sớm, tôi bắt xe ôm từ thành phố Quảng Ngãi thẳng xuống cảng Sa Kỳ mua vé tàu cánh ngầm ra Lý Sơn.

“Mấy năm nay, tuyến đường ra đảo có tàu cao tốc, nên kinh tế xã hội của đảo phát triển hơn nhiều bởi thay vì ngồi trên chiếc tàu gỗ chòng chành trong cơn say sóng hơn ba tiếng đồng hồ, giờ chỉ non tiếng, tàu đã cập cảng.” Ấy là tôi thuật lại lời kể của chị Hiền, nhà ở xã An Hải ngồi cạnh tôi kể lại.

Chị khoe ra thành phố mua cho thằng con cái máy tính xách tay cho nó đi học, cập nhật tin tức. Khi biết tôi là nhà báo, chị hồ hởi mời đến nhà chơi rồi không quên lời nhắn nhờ tôi kiểm tra lại chiếc máy mới mua và dạy con trai chị sử dụng máy tính. Chị Hiền bảo giờ mang tiếng ở đảo nhưng cuộc sống chẳng thiếu thứ gì, cứ như thành phố ấy, ngoại trừ việc không được sử dụng điện cả ngày như trong đất liền vì phải chạy máy phát.

“Nhưng mấy năm nữa đường dây điện được kéo ngầm ra là có điện cả ngày, chú hà”. Chị nói mà mắt long lanh sáng.

Đảo Lý Sơn
Đảo Lý Sơn
Từ xa trông, Lý Sơn với hai hòn đảo là đảo Lớn và đảo Bé trông như hai con rùa nổi lên giữa mặt biển xanh thẫm. Qua cầu cảng, anh xe ôm đưa tôi đến khách sạn nằm ngay gần đó. Ông chủ khách sạn bảo may cho tôi vì hôm nay đầu tuần còn phòng chứ nếu ra là cuối tuần thì lắm khi cũng chịu bởi bây giờ khách du lịch ra đây nhiều lắm. Làm việc xong ở trụ sở ủy ban huyện, tôi được cán bộ tư pháp cho mượn chiếc xe máy để khám phá đảo. Trước khi đi, anh không quên lời nhắn chiều gặp lại ở quán nhậu gần chùa Hang để được chiêu đãi món đặc sản cua huỳnh đế, gỏi rong biển...
Con lộ chính dài khoảng 3km chạy dọc đảo. Nằm ven đó là Âm linh tự, nơi thờ tự những hùng binh hải đội Hoàng Sa được xây dựng vào thế kỷ 17, là di tích lịch sử quan trọng chứng minh chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ những con thuyền đơn sơ, những chàng trai ngư dân Lý Sơn dũng cảm đã ra Hoàng Sa, Trường Sa, không ít người trong số họ đã bỏ lại mình trong lòng biển Đông. Nằm  ngay đó là những ngôi mộ gió (mộ không có xác) để tưởng nhớ những chiến binh- ngư dân đã dũng cảm hy sinh khi làm nhiệm vụ. Hằng năm, cứ đến ngày 10 đến 20 tháng 2 âm lịch, những tộc họ trên đảo lại tổ chức lễ khao thề, tế lính Hoàng Sa.
Tôi lang thang trên cánh đồng tỏi ngút ngàn nơi xã An Vĩnh, trông bà con đang gánh từng gánh cát trắng để vùi lấp lên gốc tỏi. Tỏi Lý Sơn vốn nổi danh từ lâu bởi vị thơm rất đặc trưng của nắng, gió, cát và bao giọt mồ hôi tạo nên nó. Bác Nguyễn Năm, đang cùng mấy đứa con vun cát cho tỏi, dừng tay nói chuyện với tôi. Bác bảo năm rồi được mùa, được giá nên ruộng tỏi nhà bác cũng mang lại cho gần trăm triệu đồng.Tỏi Lý Sơn có đặc điểm là củ nhỏ, tép đều, màu trắng, chắc. Tỏi nhiều và ngon nên ở đây ăn món gì cũng có chén củ tỏi kèm theo. Để ý thấy, giờ khách du lịch đến đây khi ra về ai nấy bíu ríu với mấy gói tỏi mang kèm. Tỏi Lý Sơn hút hàng đến nỗi giờ không ít người mang tỏi từ đất liền ra đây để nhập nhành đánh tráo chất lượng, bán hàng và nâng cao giá. 
Chiều muộn, tôi tới chùa Hang. Đây là ngôi chùa độc đáo được xây dựng trong một hang động lớn nằm ngay dưới chân núi Thới Lơi. Chùa Hang thờ Phật và các vị tiên hiền có công khai phá, xây dựng vùng đất này. Trong chùa có bệ thờ được tạo từ chính những ngọn nhũ đá có tuổi từ hàng triệu năm, không khí trong chùa mát lạnh. Trước của chùa là hàng dãy bàng vuông và những cây phong ba như những người chiến binh dũng cảm trông ra canh giữ biển trời đất nước.
Đến Lý Sơn, bao di tích lịch sử như đưa tôi trở lại những ngày xưa cũ, khi mà cảnh vật chưa bị bàn tay kiến trúc hiện đại tác động vào. Và nhất là tại đây tôi thấm được cái tình của con người, mảnh đất, chất nghĩa khí của người dân nơi này. Có đi mới biết sức nặng ân tình của từng thước đất quê hương…
Sơn Bình

Đọc thêm