Từ tên gọi “Làng Sen quê cha”…
Từ bao đời nay, cuộc sống người dân Kim Liên đã gắn bó với sen. Sen đi cùng cuộc sống người dân ở làng, sen trong đầm, sen trong ngõ, sen trong nhà và sen cũng ướp hương cho cả đất trời vùng này. Cái tên “Kim Liên” cũng có nghĩa là sen vàng, làng ngát hương hoa sen đó, tự bao giờ người ta gọi là Làng Sen.
Một bậc trưởng bối của làng - cụ Nguyễn Thị Viện, năm nay đã 94 tuổi, người sống gần trọn thế kỷ ở Làng Sen giải thích: “Trước đây, dọc hai bên đường vào làng không phải đồng ruộng như bây giờ mà chỉ rặt cỏ năn, lác. Dưới sình lầy ấy, sen mọc và nở hoa. Trải qua thời gian, giống sen hồng đã sống, bạt ngàn trên mặt nước Làng Sen. Tên Làng Sen bắt nguồn từ đó”.
Chính tại Làng Sen này, người dân làng đã chứng kiến bậc túc nho tài giỏi, chí lớn nhưng sớm chịu cảnh “gà trống nuôi con” để rồi sau này trong những người con của ông, có bậc vĩ nhân đã trưởng thành và dành hết cuộc đời mình đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc. Vị nho học đó chính là cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguyễn Sinh Sắc sớm mồ côi cha mẹ, lại sống trong cảnh nghèo khó nhưng từ nhỏ cậu đã say mê học hành và thường ngồi học trên lưng trâu. Năm 16 tuổi, Nguyễn Sinh Sắc được nhà nho Hoàng Xuân Đường nhận về nuôi dạy và được gả con gái là Hoàng Thị Loan.
Năm 1901, Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng, nhân dân Làng Sen vui mừng bởi lần đầu tiên làng có người đỗ đại khoa nên đã góp tiền mua ngôi nhà lớn, dựng trên mảnh đất “học điền” tức là đất cho người học giỏi để mừng quan Phó bảng. Cũng từ đây, di tích căn nhà tranh tại Làng Sen ra đời, gắn với cuộc sống 5 năm thời niên thiếu của Bác Hồ.
Nhưng niềm vui “chẳng tày gang”, lúc trở về đây, bà Hoàng Thị Loan đã qua đời, cụ Nguyễn Sinh Sắc đặng cảnh “gà trống nuôi con”. Trong căn nhà 5 gian giữa làng Sen, cụ dành gian thứ 2 trang trọng nhất để lập bàn thờ vợ. Bên bàn thờ người vợ hiền, người ta để ý thấy có tấm biển khắc 4 chữ Ân Tứ Ninh Gia, được Vua Thành Thái ban cho cụ lúc đậu Phó bảng, tức nghĩa “Ơn nhà vua ban cho gia đình tốt”.
|
Cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Là bậc chí đại trượng phu, lại nặng tình, nặng nghĩa nên khi cụ Cao Xuân Dục, người đồng hương đương giữ chức Thượng thư bộ Học, Đông các Đại học sĩ đã vời cụ Sắc đến tư dinh định gả con gái mới 17 tuổi cho để “làm kế mẫu đặng chăm sóc các cháu”. Cụ Sắc liền quỳ xuống: “Tạ đức ông! Cho con xin thưa với đức ông, trên vai con vẫn còn ba chữ phụ: dưỡng phụ, sư phụ và nhạc phụ. Đó là ba cái ơn còn chưa trả. Nay đức ông rủ lòng thương con chỉ xin bái tạ để tròn hiếu nghĩa. Con mãi ghi lòng tạc dạ tấm lòng cao cả của đức ông…”.
Cuộc đời cụ Nguyễn Sinh Sắc từ lâu đã từ bỏ chốn quan trường để tìm về nhân dân nghèo khó, đau đáu cảnh nước mất, nhà tan và sớm nuôi chí thân trai với quốc gia vận sự. Cụ bôn ba khắp miền đất nước, từ Làng Sen vào Huế, rồi từ Huế trở về Kim Liên rồi lại lên đường vào Nam và cuối đời nghỉ ngơi tại đất Đồng Tháp.
Mỗi nơi cụ đi qua đều để lại dấu ấn riêng, giá trị riêng của một người con yêu nước, một bậc tiền nhân tiêu biểu cho thế hệ trước, thế hệ chí khí, nặng tình nặng nghĩa với đất nước, quê hương. Như thực dân Pháp từng nhận định cụ là “một nhà nho yêu nước theo kiểu riêng, chống Pháp không công khai mà lặng lẽ”. Nhân cách và tư tưởng cao đẹp đó phần nào ảnh hưởng đến Hồ Chí Minh, sau này hình thành nên hệ thống tư tưởng mang giá trị dân tộc sâu sắc, thể hiện sự tiến bộ của chủ nghĩa yêu nước đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sau này, khi sống tại Đồng Tháp cho đến lúc “mắt nhắm xuôi tay”, nhân cách của cụ Nguyễn Sinh Sắc vẫn khiến nhân dân nể phục. Trong thời gian ở đây, hàng ngày cụ Sắc đi bộ ra tiệm thuốc Hằng An Đường ở chợ Cao Lãnh để xem mạch, kê toa trị bệnh cho bà con ở địa phương, đồng thời tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước cho nhân dân. Khi cụ mất, người dân dù còn nghèo nhưng cũng chung tay an táng cho cụ chu toàn. Từ Làng Sen đến Đồng Tháp – xứ sở hoa sen của vùng Nam Bộ, hình ảnh sen đã gắn bó với với cuộc đời và tư tưởng của cụ Phó bảng, nuôi dưỡng cho một tâm hồn liêm khiết, trượng nghĩa của người chí sĩ yêu nước.
Tại Làng Sen, người ta không chỉ nhắc đến gia đình của vị lãnh tụ dân tộc, trong dân gian còn lưu truyền một truyền thuyết liên quan đến câu sấm ký của Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Thủy trung tàng bảo cá/Thử thị thánh nhân hương”.
Nhiều người giải nghĩa câu sấm ấy rằng: “Trong hồ nước có những cây sen đẹp giống như những cây lọng quý. Đó là làng của ông Thánh”. Trong niềm tin của nhân dân, ông Thánh này chính là lãnh tụ vĩ đại, danh nhân thế giới Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Địa chỉ “đỏ” hồi hương
Nhiều người gọi Làng Sen hay Kim Liên là quê chung của tất cả nhân dân Việt Nam bởi từ làng, hương sen đã hun đúc cho sự ra đời, trí tuệ và bản lĩnh của những người con đất học, làm nên tên tuổi những bậc tiền nhân, trong đó có Hồ Chí Minh. Bởi vậy, trong những ngày lễ đặc biệt của đất nước, nhiều người đổ về Nam Đàn, Kim Liên như một địa chỉ “đỏ” hồi hương để nhớ về cội nguồn, để biết và hiểu thêm về cuộc đời nhiều thăng trầm của thân sinh Bác Hồ cũng như quá trình trưởng thành thời niên thiếu của Người.
|
Những vật dụng đơn sơ trong ngôi nhà Bác |
Khi về thăm ngôi nhà tại Làng Sen hay Hoàng Trù quê ngoại, khách du lịch đều cảm nhận rõ nét bình dị, đơn sơ, mỗi kỷ vật trong nhà từ chiếc chõng tre hay khung cửi gỗ đều rất mộc mạc, mang đậm chất đặc trưng riêng của vùng nông thôn Việt Nam. Một nhà sư Bu-tan cũng từng thổ lộ: “Đến đây, tôi càng hiểu hơn và vô cùng cảm phục Hồ Chí Minh. Tôi đã hiểu vì sao người Việt Nam yêu Bác Hồ của họ đến thế. Bây giờ tôi cũng yêu Bác Hồ như người Việt Nam”.
Không chỉ riêng với du khách mà những người làm công tác quản lý, hướng dẫn du lịch, thuyết minh tại đây cũng nặng tình, nặng nghĩa với mảnh đất quê hương của Bác Hồ. Họ mang trong mình niềm tự hào được giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Bác và còn có nhiều điều khác nữa, không thể nói thành lời.
Không phải khi thuyết minh, mà khi nói chuyện bình thường, họ cũng không cầm được nước mắt: “Càng hiểu, càng thương Bác, mồ côi mẹ từ sớm và suốt đời không được có người thân ở bên cạnh. Điều ấy người thường ai cũng có, riêng Bác thì không”. Có lẽ không chỉ tại Nam Đàn mà người dân xứ Nghệ nói chung đều mang cốt cách, tinh thần dân tộc, mang niềm tự hào đối với miền quê nơi Hồ Chủ tịch sinh thành.
Nhiều năm qua, hoạt động du lịch tại đây được tỉnh Nghệ An và cả nước chú trọng. Hằng năm, vào mùa sen nở, khu di tích Làng Sen lại đón tiếp hàng trăm lượt khách tham quan. Bên cạnh việc phát triển du lịch trên các di tích lịch sử liên quan đến gia đình và cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An còn tổ chức Lễ hội Làng Sen với nhiều hoạt động phong phú: Thi đấu bóng chuyền, võ cổ truyền Lễ hội Làng Sen; chiếu phim về đề tài Bác Hồ; triển lãm ảnh “Những tấm gương bình dị mà cao quý”; trưng bày chuyên đề ảnh về đề tài ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu; liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc miền Trung; tổ chức trò chơi dân gian; triển lãm linh vật Nghê Việt; hội trại thanh niên; dâng hoa, dâng hương và rước ảnh Bác; liên hoan Tiếng hát Làng Sen; thi Người đẹp Làng Sen…
Những ngày này, sen đang vào độ chín, tỏa hương thơm ngát cả trời đất xứ Nghệ. Người ta lại nhớ về Làng Sen quê Bác, nhớ về cuộc đời bậc vĩ nhân hết mình vì nước, vì dân, nhớ về thân phụ đầy chí khí Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu tảo hiền Hoàng Thị Loan và những người anh chị em một đời hết lòng vì cách mạng.