Nhắc đến hai chữ “quan tòa”, người ta vẫn thường hình dung ra hình ảnh của những người đại diện cho công lý, đầy nghiêm cẩn, có phần lạnh lùng. Nhưng ai từng tiếp xúc với nữ thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên ở TAND quận 11 (TP.HCM) sẽ có cái nhìn khác hẳn...
Thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên |
Nữ thẩm phán và “Nguyên tắc mùa Xuân”
15 năm công tác tòa án, 7 năm chủ trì các phiên hòa giải hay chủ tọa phiên tòa trực tiếp giải quyết xét xử khoảng 400 vụ án tranh chấp ly hôn, đối với chị, mỗi một vụ án ly hôn, không chỉ đơn thuần là bản án dân sự cần phải giải quyết rốt ráo theo pháp luật, mà còn là “bản cáo chung” cho số phận của những gia đình. Mỗi bản án đều khiến chị trăn trở để rồi, quy định của pháp luật lại chính là công cụ tuyệt vời để chị vận dụng nhằm đem lại “cái kết đẹp” cho đương sự.
“Phàm ở đời những gì ta muốn vun đắp xây dựng và giữ gìn thì rất khó, cầm bằng muốn đạp đổ thì dễ như không! Chỉ cần một cử chỉ hành vi, lời nói làm đau lòng nhau hay như giọt nước tràn ly của sự chịu đựng, nhẫn nại… khiến người ta không còn niềm tin, lối thoát nên nghĩ rằng ly hôn là giải pháp duy nhất.
Những người xử án - với vai trò “ở giữa” - sẽ có cái nhìn khách quan hơn về sự việc, về bản chất vấn đề và giúp họ tháo gỡ những vướng mắc, trên cơ sở của pháp luật”- chị Bích Duyên trăn trở. Với tâm niệm ấy, chị được mệnh danh là người chuyên xử các vụ án ly hôn… không thành.
Chị nhớ cũng thời điểm cận Tết, cuối năm 2011, một đôi vợ chồng quyết định mỗi người mỗi ngả sau hai năm ly thân. Họ là những người khá thành đạt và rất đẹp đôi, nhưng lý do ly hôn thì không muốn nói rõ. Sau nhiều cuộc trò chuyện, chị mới “gỡ” được thông tin từ anh chồng rằng vì anh hay đi trực đêm nên vợ đã ngoại tình, sự đổ vỡ niềm tin khiến họ quyết định xa nhau.
Nhưng qua những lần trò chuyện, chị thấy, trong nỗi đau hằn lên trong mắt người chồng vẫn chất chứa tình yêu thương; những giọt nước mắt ăn năn vì phút yếu lòng của người vợ vẫn còn nói lên mong muốn không phải chia ly. Bằng những tâm sự, sẻ chia kinh nghiệm và lời khuyên chân tình, chị đã khiến người chồng gạt bỏ cái “sĩ” để tha thứ, đón nhận vợ mình.
Trước khi ra về, cả hai nắm chặt tay vị “ân nhân”, người chồng khóc trong hạnh phúc: “Cảm ơn chị, suýt chút nữa tụi em đã đánh rơi hạnh phúc của đời mình”. Mùa Xuân ấy với họ có lẽ là mùa Xuân ấm áp sau nhiều năm đau khổ.
Nữ thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên có cho mình nguyên tắc “thầm lặng” mà chị gọi vui là “nguyên tắc mùa Xuân”: “Khi giải quyết những vụ án ly hôn còn trong thời hạn theo qui định của pháp luật, với những trường hợp mâu thuẫn nghiêm trọng, Tòa án đã nhiều lần không thể hòa giải đoàn tụ thì tôi cũng chưa vội đưa ra xét xử hay ra quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn trong những ngày giáp Tết như thế này vì biết đâu những mâu thuẫn gia đình sẽ được tự nhiên hóa giải với tình thân trong không khí ngày sum họp gia đình của những ngày Xuân…”.
Người “giải cứu hôn nhân”
Quá 70 tuổi đời, nhưng cô Mai Thị Cừu (KP2, P.Bình Lợi, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương), như “không có tuổi”. Ban đầu, cô tham gia hoà giải như một sự tình cờ, càng làm càng thấy hay, thấy công việc mình có ích, nhiều ý nghĩa, nên càng lúc càng nhiệt tình, để rồi cô gắn bó với nó như một phần đời sống của mình.
Cô Mai Thị Cừu |
Một đôi vợ chồng nọ, sống bằng nghề làm chả giò, thu nhập đủ sinh sống, gia đình cũng yên ổn. Trong khi đi bỏ mối chả giò, nhiều lần tiếp xúc với một phụ nữ, anh chồng ngoại tình và có con riêng; chị vợ đau khổ, nhất quyết đòi ly hôn. Tưởng đã “hết thuốc chữa” nhưng cô Cừu tỉ tê với người vợ, cô xoáy sâu vào chi tiết: “Chồng con có đòi bỏ mẹ con con, đi theo vợ bé và đứa con hay không?” Chị vợ trả lời, “ảnh rất hối lỗi và luôn muốn quay về”.
Từ chi tiết nhỏ đó, cô Cừu kể về những câu chuyện chồng có vợ bé, rũ bỏ trách nhiệm với vợ con… rồi phân tích, gia đình thì còn chút cơ hội cũng phải xây đắp, đừng phá bỏ, rồi còn con cái sẽ ra sao nếu mất đi người cha… Những lời chân tình của cô Cừu khiến người vợ nhìn nhận lại, cuối cùng tha thứ cho chồng. Giờ đây, họ sống rất hạnh phúc và thi thoảng lại đem con cái đến thăm cô.
Chị vợ vẫn nói: “Không có cô, giờ đây gia đình con mỗi người mỗi nẻo…”. Hơn 70 tuổi, thế mà cô Cừu rất chịu khó học. Con cái hay đùa là mẹ mình quá “mê” luật Hôn nhân gia đình. Với cô, kinh nghiệm cuộc sống là chưa đủ, phải hiểu Luật mới có thể làm công tác hoà giải tốt nhất. Bởi vậy mà tối tối, gia đình lại thấy cô “ôn tập”, hết Luật Hôn nhân gia đình rồi đến cách xử lý các tình huống trên thực tế từ các báo đài…
Chị Duyên, cô Cừu là hai người tiêu biểu trong số rất nhiều người đang miệt mài trong công tác hoà giải trên khắp đất nước. Công việc giản dị thôi nhưng kết quả từ những công việc thầm lặng ấy đáng quý làm sao. Đó là những “mảnh vỡ” được ghép lại, những gia đình được vẹn nguyên, những đứa trẻ được sống trong tình thương cả cha và mẹ. Từ những nền tảng gia đình bền vững, sẽ là một xã hội ổn định và phát triển…/.