Những ngày này, ngã tư Trôi (Hoài Đức - Hà Nội) xuất hiện một nhóm người ngồi trên những chiếc xe dáng dấp ấn tượng, phía trước là tấm biển nguệch ngoạc "Xe ôm miễn phí". Khách qua đường nghi ngờ, "làm gì có chuyện miễn phí". Nhưng ít ai biết rằng, đã 3 năm nay, "đội xe ôm" này đã đồng hành cùng các sĩ tử trong các kỳ thi bằng những chiếc xe cổ "sành điệu".
"Vác tù và hàng tổng"
Hội những người yêu xe cổ lúc đầu lập ra cũng chỉ mục đích tập hợp những người yêu xe cổ lại để sinh hoạt với nhau như nói chuyện về xe, cùng sửa xe... Rồi họ muốn làm một điều gì đó có ích cho xã hội.
Hình ảnh sĩ tử từ các vùng quê nghèo khó lên Hà Nội tuyển sinh bị "chặt chém", hay không có chỗ ở đã thôi thúc họ giúp đỡ bằng cách tìm nhà trọ miễn phí và đón sĩ tử ở các điểm xe bus đưa đến điểm thi và về chỗ trọ. Họ còn kiên trì tìm chỗ trọ thích hợp cho thí sinh.
"Đôi lúc không phải sĩ tử và người nhà nào cũng chấp nhận ở miễn phí như vậy, vì những chỗ đó không đáp ứng được yêu cầu của họ như có điều hòa, rộng, thoáng mát. Nên chúng tôi lại tiếp tục dẫn họ đi tìm chỗ trọ có điều kiện hơn với giá cả hợp lý", Nguyễn Công Trường, phó chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết.
|
Những chiếc xe cổ và chủ nhân của nó túc trực từ 6h để đón sĩ tử và người nhà. |
Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 hội có 18 thành viên tham gia. Họ phải tự túc xăng dầu cho xe, còn tiền ăn trưa thì trích từ quỹ của câu lạc bộ. Họ túc trực ngay ở ngã tư Trôi - Hoài Đức - Hà Nội để chở các sĩ tử thi ở các điểm trường gần đó.
Hầu hết các thành viên trong hội đều đã lập gia đình, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1967, còn người trẻ tuổi nhất sinh năm 1985. Dù "già" hay trẻ, họ đều có chung nhau lòng hăng say thiện nguyện. Có người "chê" họ là những người chuyên "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", đáp lại, họ chỉ cười vì biết mình đang làm một việc có ích - dù chưa phải là việc lớn.
"Mình làm vì thấy thương những cô bé cậu bé ngơ ngác lần đầu ra Hà Nội. Thôi thì việc mình mình cứ làm, họ nói thì cho họ nói", anh chia sẻ.
Chuyện cười ra nước mắt
Năm 2010, ý tưởng chỉ nhen nhóm trước khi diễn ra kỳ thi ĐH, CĐ 2 ngày, nên các bước chuẩn bị cho việc thực hiện hoàn toàn không có. Vì thế mà năm đầu tiên các anh đã gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều sĩ tử và người nhà đã không biết đến các anh để liên hệ, khi các anh chủ động đề nghị giúp sĩ tử thì họ không đồng ý để các anh chở vì sợ bị lừa gạt. Bên cạnh đó, là hàng loạt chủ xe ôm cau mày, nhăn nhó cho rằng hành động của các anh đã "cướp đi miếng cơm manh áo" của họ.
"Có một câu chuyện dở khóc, dở cười của tôi. Khi tôi thấy hai bố con sĩ tử bước xuống xe bus tôi đã đến chào hỏi và ngỏ lời muốn giúp đỡ họ. Nhưng nhất quyết họ không chịu ngồi lên xe tôi, mà đi thẳng về xe ôm, ngã giá với xe ôm từng đồng một. Tôi có lại giải thích thêm một lần nữa nhưng bất lực", anh Công Trường chia sẻ.
Các "chủ xe ôm sành điệu" đã kiên trì giải thích cho nhiều phụ huynh sĩ tử hiểu, để họ tin vào các anh. Vì thế mà năm đầu ra quân các anh cũng đã giúp đỡ được hàng trăm sĩ tử và người nhà hoàn thành tốt kỳ thi.
|
Các sĩ tử lên "xe ôm" miễn phí. |
Sang năm thứ 2, 3 thì công việc được chuẩn bị sẵn sàng trước 1 tháng, bao gồm tìm nhà trọ miễn phí gần các địa điểm thi, giới thiệu chương trình trên các trang mạng để người nhà sĩ tử có thể liên hệ với các anh dễ dàng. Vì thế công việc diễn ra rất thuận lợi.
"Năm thứ ba thì chúng tôi có kết hợp với sinh viên tình nguyện để tạo lòng tin với người nhà sĩ tử, nên khi xuống bến xe thấy poster và lời giới thiệu của chúng tôi nên họ tin tưởng và đi theo chúng tôi", anh Trường giãi bày.
Ước tính một ngày tất cả các thành viên trong câu lạc bộ chở được 100 lượt sĩ tử và người nhà đi từ bến xe đến điểm thi và về chỗ trọ miễn phí.
Một câu chuyện mới diễn ra trong sáng qua, 2/7, khiến anh Công nhớ đến lại cười: "Có hai bố con đi lạc sang đây, nên tôi đành phải chở họ về tận gần Thiên Đường Bảo Sơn với 13km nhưng khi quay về thì quên cầm mũ bảo hiểm. Chiều lại chở hai bố con sĩ tử khác qua đấy thì lại nhận được chiếc mũ do hai bố con lúc sáng gửi lại ở chỗ sinh viên tình nguyện ngay điểm thi".
Còn anh Trường thì lại gặp một cảnh tượng giống năm đầu tiên mà anh gặp. "Có hai bố con xuống ô tô, tôi mời nhưng nhất quyết không đi và cho rằng tôi lừa họ chở đi rồi sau đó đòi tiền cao. Họ quyết tâm đi bộ, mời mãi họ mới nửa tin nửa ngờ lên xe", anh Trường kể.
Có 4 điểm thi chính Hội xe cổ Hoài Đức đã tìm chỗ trọ miễn phí cho sĩ tử và người nhà: 1. Điểm thi Sơn Đồng, bao gồm trường Hoài Đức A , THPT Nguyễn Văn Huyên, Tiểu và trung học cơ sở Sơn Đồng, THPT Vạn Xuân. 2. Điểm thi Đức Thượng, gồm tiểu học và trung học cơ sở Đức Thượng. 3. Điểm Tân Lập (Điểm thi này cũng tiếp nhận khoảng trên 30 thí sinh có kèm cả phụ huynh) 4. Điểm thi Trường THPT Đan Phượng và THCS Lương Thế Vinh Tất cả đều miễn phí hoàn toàn cho thí sinh và người nhà trong đợt thi ĐH, CĐ năm 2013. |
Vũ Minh