Chẳng ai ngờ được nỗi đau
Tiếng khóc của em bé tên An có bố mất vì nghiện, mẹ bỏ đi xa ở làng Thanh Gia, xã Quảng Phú (Lương Tài - Bắc Ninh) cứa vào tim tôi, nhói đau. Tóc tai em bờm xờm, mũi xanh thò lò. Nay em sống với ông bà, những người sẽ thay cha mẹ chăm sóc, nuôi em khôn lớn. Dù ông bà thương cháu đến đâu, cũng làm sao bằng cha mẹ. Vả lại ông bà đã già, như trái chín trên cây, biết ngày nào rụng xuống. Khi ấy, tương lai của em sẽ ra sao? Tên An mà chẳng an. Hẳn nhiên, em sẽ phải đối mặt với những ngày gian nan cùng cực. Nếu đủ bản lĩnh, em sẽ trở thành người tốt, còn không sẽ thành loài cỏ hoang dại.
Không phải tự nhiên mà tôi nghĩ đến kết cục ấy. Nhiều người cao tuổi ở làng Thanh Gia đã nghĩ đến điều ấy. Hàng chục trường hợp cha mẹ đi làm ăn xa, nghiện ngập rồi mất đã chứng minh điều ấy. Nhiều đứa trẻ bị bỏ lại làng chứng minh điều ấy. Rộng ra, làng Thanh Gia có hơn 300 người đi làm ăn xa. Xã Quảng Phú có cả thầy hơn 1000 người đi làm ăn xa. Người ta chịu vất vả, tích cóp rồi khuân tiền về, với hy vọng bù đắp cho tổ ấm, xây cao những ngôi nhà.
|
Cha mẹ đi làm ăn xa, phó mặc con em mình cho ông bà chăm sóc, dạy dỗ |
Kết cục thì sao? Con cái sử dụng đồng tiền bố mẹ gửi về mua ma túy, chích hút. Chúng bị đánh gục bởi cạm bẫy rồi chẳng lo học hành. Mấy năm trở lại đây, một số gia đình thay vì được hưởng niềm vui con cái thành đạt thì họ phải tự làm đơn đưa con đi cai nghiện, hoặc tự đóng cũi nhốt ép con cai nghiện với ước mong con… trở lại làm người tốt! Thanh Gia đã lâm vào bi kịch, số ngôi nhà hoành tráng mọc lên tỉ lệ thuận với số người nghiện hút. Làng giàu mà không sướng.
Trong hành trình tìm hiểu về những người bỏ làng, các cuộc ra đi, tôi đã thật sự choáng khi đứng giữa các xóm của xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường (Nam Định). Cả tiếng đồng hồ đứng ở đường xóm mà không tìm được ai để hỏi thăm. Đơn giản vì đến gần 50% dân số của xã đã đi làm ăn xa. Hàng chục ngôi nhà cửa khóa im ỉm, bỏ hoang. Ở nhà chỉ còn người già, trẻ em và những người ốm không đi làm được. 30% diện tích ruộng là người dân xã khác đến cấy.
Những con số khiến bất cứ ai nghe thấy cũng giật mình. Cùng sự giật mình ấy là nỗi lo ngại. Bọn trẻ, theo thống kê từ mẫu giáo đến học phổ thông, toàn xã có chừng 600 em. Các em sẽ sống cảnh thiếu bố mẹ, chỉ trông vào ông bà chăm sóc và những đồng tiền vèo vèo gửi về. Ai dám khẳng định, các em nhỏ sẽ lớn lên, ngoan ngoãn, trưởng thành từ đồng tiền bố mẹ chúng gửi về? Một người đàn ông trong xã cho hay: “Chắc sẽ không tốt bằng bố mẹ chúng chăm sóc. Có người biết điều đó, nhưng họ còn mải mưu sinh, kiếm tiền”.
Không cần phải đợi lâu, tôi đã nhìn ra hậu quả của nó. Cữ bốn giờ chiều, các ông bà đổ về khu vực cổng trường để đón các cháu. Về nhà, có đứa trẻ vui đó, vui vì được chơi thỏa thích mà không bị bố mẹ quản. Vui vì được ông bà chiều, hư và nghịch không bị đánh. Một số khác thì lang thang, ngơ ngác và vô hồn. Liệu những người ông, người bà có thể hiểu được khoảng trống tâm hồn hay những vết thương âm ỉ trong tâm hồn con trẻ?
Xao xác làng quê...
Nhiều làng quê vì đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động (XKLĐ) nên sinh ra không ít tiêu cực. Xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) chỉ có hai thôn, Nam Quất và Phong Triều. Vào thời điểm đông nhất, thôn Nam Quất có gần 300 người đi làm ở nước ngoài, hiện nay cả thôn còn hơn 60 người. Còn thôn Phong Triều, hiện có 286 người XKLĐ. Số người rời thôn sẽ không dừng ở đó, bởi khi người ở bên kia “chắc chân” sẽ kéo người thân sang. Ông Lâm Văn Điện, Chủ tịch UBND xã Nam Triều, cho hay: “Xã tôi cũng có mấy chục đôi tan vỡ vì XKLĐ. Do thiếu hiểu về môi trường tập quán ở nước ngoài, nên người dân ta sang nước ngoài dễ bị dụ dỗ, sa đà vào các tệ nạn. Thường thì người vợ mà đi thì nguy cơ tan vỡ cao hơn, chắc phụ nữ ở xứ người, họ yếu đuối!?”.
Một mối nguy khác, là người dân có tiền nhưng con cái sống thiếu tình cảm nên cũng trơ lì cảm xúc với anh em. Nhiều người sau khi về nước rất khó tái hòa nhập cộng đồng, bởi họ quen với môi trường làm việc ở nước ngoài thu nhập cao, về nhà chán cảnh đồng áng đầu tắt mặt tối. Nhiều người thất nghiệp trên chính quê hương mình.
|
Người phụ nữ trẻ này đã phải góa bụa vì chồng chị mất do tai nạn khi đi làm ăn xa |
Tìm hiểu mới thấy đằng sau vẻ hào nhoáng của những thôn làng giàu có là những cơn sóng ngầm, những bức bối không nói được với ai, bởi đó là chuyện của mỗi gia đình. Có những cặp đôi vợ đi xứ người bồ bịch, chồng ở nhà cũng tòm tem. Chuyện đó được miệng lưỡi dư luận thổi đến tai nhau rất nhanh, nên thể nào cũng phải về để giải quyết. Thôn Phong Triều, Nam Quất (xã Nam Triều) vì thế liên tục xảy ra đổ vỡ tổ ấm. Có đôi vợ chồng nhà kia cãi nhau, bỏ vàng ra chia, thấy con cái khóc, họ cũng không đừng được khóc, nước mắt lã chã rơi trên bọc vàng.
Thêm một vấn đề khác, mỗi năm Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH), đưa hơn 100 nghìn người đi XKLĐ, trong đó hơn 1/3 là phụ nữ. Điều đó đồng nghĩa với việc trẻ em thiếu vắng cha mẹ ngày càng gia tăng. Hệ quả là nhiều em lêu lổng, chơi bời, dính vào nghiện hút, bỏ học. Ở một số xã trên địa bàn huyện Phú Xuyên, có trẻ em vì thiếu sự dạy dỗ của bố mẹ nên đã sinh trộm cắp và bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Người đi xa chật vật kiếm sống, ky cóp và gửi tiền về, người ở nhà trông ngóng, chỉ những đứa trẻ là sống trong cảnh khuyết thiếu. Điều đó được thể hiện trên những gương mặt của cả người lớn và trẻ nhỏ, khi cuối ngày các ông bà đứng đợi cổng trường đón cháu. Đương nhiên người chịu thiệt thòi không gì đong đếm được chính là con trẻ.
Đồng quan điểm, ông Lê Tiến Xuân, Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đề xuất: “Nên chú trọng công tác đào tạo nghề, phát triển và định hướng đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; đa dạng hóa hình thức dạy nghề phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng yêu cầu lao động cho các khu công nghiệp ở phía nam huyện; Tổ chức thực hiện đồng bộ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo thu nhập cho người ở lại địa phương”.