VFA “ép giá” người nông dân?

 Ngay sau khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông báo tạm ngưng thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ, giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu giảm. Tuy giá lúa đang giảm nhưng đa phần nông dân buộc phải bán lúa cho thương lái ngay tại ruộng.

Ngay sau khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông báo tạm ngưng thu mua 1 triệu tấn  gạo tạm trữ, giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu giảm. Tuy giá lúa đang giảm nhưng đa phần nông dân buộc phải bán lúa cho thương lái ngay tại ruộng.

Doanh nghiệp thành viên VFA chiếm thị phần lớn trong khâu tiêu thụ lúa gạo, khi các DN này ngưng mua tạm trữ thì các nhà máy chế biến, thương lái cũng dừng việc thu mua để nghe ngóng tình hình. (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp thành viên VFA chiếm thị phần lớn trong khâu tiêu thụ lúa gạo, khi các DN này ngưng mua tạm trữ thì các nhà máy chế biến, thương lái cũng dừng việc thu mua để nghe ngóng tình hình. Ảnh minh họa

Lý do chưa thuyết phục

Chủ trương thu mua tạm trữ lúa gạo được triển khai lần đầu vào năm 2010 theo Quyết định 933 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất để doanh nghiệp (DN) thu mua tạm trữ lúa gạo, nhằm tăng cường sức mua trên thị trường, kích thích giá lên theo hướng có lợi cho nông dân. Năm 2011 là năm thứ 2 triển khai và VFA đã lên kế hoạch phân bổ chỉ tiêu cho các DN mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo từ ngày 1/7. Nhưng khi nông dân đã và đang bắt đầu vào mùa thu hoạch rộ lúa hè thu thì VFA lại thông báo tạm ngưng mua tạm trữ, mặc dù vẫn giữ nguyên kế hoạch mua tạm trữ và không ấn định thời gian cụ thể.

Theo “tính toán” của VFA, chi phí sản xuất bình quân lúa hè thu 3.500 đồng/kg lúa tươi, nếu theo đúng mục tiêu đảm bảo nông dân có lãi 30% thì DN chỉ cần mua ở mức 4.500 đồng/kg. VFA đang mua với ngưỡng tối thiểu là 5.000 đồng/kg, giá lúa trên thị trường đang dao động ở mức từ 5.700 – 5.900 đồng/kg và người nông dân có lãi từ 30 - 50% nên không cần giải pháp mua tạm trữ.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, nguyên nhân của việc ngưng mua gạo tạm trữ là do trước đó các DN xuất khẩu gạo Việt Nam dự đoán chưa chính xác về thị trường. Chính phủ hỗ trợ lãi suất vay vốn cho DN mua tạm trữ gạo để nông dân có lãi, nếu lấy lý do giá lúa đang tăng cao nên tạm ngưng mua tạm trữ là không thuyết phục và đây còn là vấn đề thể hiện trách nhiệm của DN xuất khẩu đối với nguồn cung của mình.

Ngoài ra, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang xuất hiện tình trạng DN nước ngoài thuê thương lái trong nước thu gom lúa gạo với giá cao và vận chuyển qua đường biên giới. Do vậy, DN xuất khẩu Việt Nam cần lưu tâm và có biện pháp để đảm bảo nguồn cung cho xuất khẩu.

Người dân bán tháo lúa tại ruộng

Trên thực tế, theo nhiều nông dân cho biết, mấy ngày gần đây giá lúa đã bắt đầu giảm 200 – 500 đồng/kg. Tại nhiều tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh… giá thu mua của thương lái chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg lúa tươi, 6.000 đồng/kg lúa khô hạt, trước đó giá lúa đã tăng lên 6.000 – 6.500 đồng/kg.

Tuy giá lúa đang giảm nhưng đa phần nông dân buộc phải bán lúa sau thu hoạch cho thương lái ngay tại ruộng, vì không có điều kiện phơi sấy, thiếu kho trữ và cần tiền để thanh toán các khoản nợ phân bón, vật tư nông nghiệp, tiền thuê công thu hoạch… Theo tính toán của bà con nông dân, hiện tại giá lúa đã tăng khoảng 46% so với vụ hè thu năm 2010, nhưng giá vật tư nông nghiệp cho mùa vụ năm nay lại tăng hơn 50% và nếu tính thêm các chi phí khác như nhân công, lãi ngân hàng thì cũng không còn lãi bao nhiêu.

“Hy vọng VFA tiếp tục thu mua lúa tạm trữ, giúp bà con bán lúa được giá để còn có tiền trả lãi ngân hàng và đầu tư cho mùa vụ sau” - ông Lê Văn Tý, một nông dân tỉnh Đồng Tháp bày tỏ. Còn bà Nguyễn Thị Lắm, một nông dân tại tỉnh An Giang mong muốn Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa, nhất là việc tạo điều kiện cho nông dân bán lúa có lãi, có như vậy nông dân mới không bỏ đồng và yên tâm sản xuất lâu dài.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) hiện đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch hơn 1,4 triệu tấn lúa hè thu, năng suất bình quân 5,4 tấn/ha. Một số tỉnh như Kiên Giang đã thu hoạch khoảng 60.000 ha trên tổng số 282.000 ha; Trà Vinh đã thu hoạch xong gần 20.000 ha trên tổng số 81.000 ha… Cả vùng đồng bằng đã bước vào mùa thu hoạch rộ, vì vậy việc mua lúa tạm trữ ngay thời điểm này là rất cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho bà con nông dân.

Theo các cán bộ nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long, các DN thành viên VFA chiếm thị phần lớn trong khâu tiêu thụ lúa gạo, khi các DN này ngưng mua tạm trữ thì các nhà máy chế biến, thương lái cũng dừng việc thu mua để nghe ngóng tình hình. Hiện trong sản xuất và tiêu thụ gạo tại thị trường Việt Nam còn nhiều bất cập và chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và DN. Trong đó, việc thu mua, lưu thông, phân phối… còn trải qua nhiều khâu trung gian, làm giá cả thị trường bị biến động.

Bộ Tài Chính vừa ban hành Thông tư 89/2011/TT-BTC, theo đó từ 1/8 thương nhân không được ép giá thu mua thóc gạo của nông dân, cả trong trường hợp thị trường biến động giá xuống thấp. Thương nhân phải tính toán giảm chi phí kinh doanh, không ép giá mua thóc, gạo của người sản xuất xuống thấp không phù hợp với giá theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền và giá thị trường; phải chấp nhận các biện pháp bình ổn giá thóc, gạo ở thị trường trong nước. Hiệp hội Lương thực xác định và công bố giá sàn gạo xuất khẩu trong từng thời kỳ. Đây là căn cứ để thương nhân mua lúa của nông dân. Ngoài ra, giá sàn sẽ là cơ sở để thương nhân kinh doanh gạo ký hợp đồng và đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo.

Nhật Phương

Đọc thêm