Vị Bộ trưởng suýt bị… xử tử

(PLO) -Sinh năm 1904, mất năm 1997, cuộc đời gần như đi trọn cả thế kỷ đồng hành cùng lịch sử dân tộc, chứng kiến biết bao đổi thay của đất nước. Không chỉ vậy, bản thân ông còn tham gia vào dòng chảy ấy với vị trí Bộ trưởng buổi đầu đất nước giành độc lập.
Hình bìa của cuốn : "Nhật kí của một bộ trưởng"
Hình bìa của cuốn : "Nhật kí của một bộ trưởng"

Ông là Lê Văn Hiến trước khi trở thành Bộ trưởng của nước Việt Nam mới sau Cách mạng tháng 8, thì suýt nữa, ông đã thành người thiên cổ vì bị kết tội nhầm. 

Chuyện ly kỳ ấy ít người được biết. Nhưng nếu đọc qua “Nhật ký của một bộ trưởng” của ông, thì mới thấy rằng, lằn ranh giữa sự sống và cái chết, thật mong manh, lằn ranh giữa cách mạng và Việt gian, cũng chông chênh lắm. 

Ông Bộ trưởng họ Lê

Sau Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, là nối tiếp đó diễn ra Đại hội đại biểu quốc dân cũng tại đây. Tại sự kiện này vào chiều ngày 16/8/1945, Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch đã được thành lập.

Danh sách các ủy viên gồm: Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang. Lúc này, Lê Văn Hiến ở tuổi 41. 

Sau khi Hà Nội giành được chính quyền ngày 19/8, thì ngày 25/8, Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng Hồ Chí Minh về tới Hà Nội. Theo đề nghị của Người, Ủy ban dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để “đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó”. Và thế là, trong danh sách Chính phủ lâm thời, ông Lê Văn Hiến góp mặt, với vị trí Bộ trưởng Bộ Lao động. 

Đến ngày 1/1/1946, do sự thay đổi của tình hình đất nước, Chính phủ lâm thời cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời với thành phần được mở rộng, theo “Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960”, ông Hiến tiếp tục giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Lao động.

Sau khi Quốc hội của nước Việt Nam mới được lập ra sau bầu cử ngày 6/1, ngày 2/3/1946, phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I đã khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Và trong sự kiện này, Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập, ông Lê Văn Hiến vẫn được tín nhiệm có mặt trong Chính phủ mới và giữ cương vị mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Kể từ đây, vị Bộ trưởng Tài chính ấy tại nhiệm 12 năm (1946-1958). 

Không chỉ có vậy, cuộc đời ông, được bài viết “Lê Văn Hiến – Vị Bộ trưởng “cá gỗ” (xin bạn đọc hiểu rằng từ “cá gỗ” trong văn cảnh này mang ý nghĩa tốt đẹp) của nhà sử học Dương Trung Quốc tóm lược. Theo đó, ông Hiến quê đất Đà Nẵng, có chân trong Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên từ năm 1928.

Sau đó, ông cùng vợ là bà Thái Thị Bôi bị Pháp bắt vì hoạt động cách mạng, đến năm 1936 mới tại ngoại. Thời gian 1938-1945 ông lại vào tù lần thứ hai. Sau Cách mạng tháng 8/1945, ông Hiến còn giữ nhiều trọng trách khác. Riêng ở đây, ta chú ý đến chi tiết năm 1945.

Ra tù đầu năm 1945, trải qua hai lần vào nhà lao thực dân, nhưng nhà cách mạng họ Lê vẫn thoát khỏi gông xiềng để đến tự do. Ấy vậy mà trong những ngày diễn ra Cách mạng tháng 8 nơi miền Trung, chỉ còn chút nữa thôi, nhà cách mạng đã là người thiên cổ, chỉ vì sự hiểu nhầm đáng tiếc. 

Cựu Bộ trưởng Lê Văn Hiến cùng người thân
Cựu Bộ trưởng Lê Văn Hiến cùng người thân

Chỉ vì bộ âu phục

Sự việc được chính vị cựu Bộ trưởng họ Lê kể trong bài hồi ức “Tôi bị xử tử”, đăng trên báo Cứu quốc tháng 9/1946 khi tác giả đang là Bộ trưởng Bộ Tài chính (sau này tạp chí Xưa và nay số 450/2014 cho đăng lại). Theo đó, vào ngày 17/8/1945, Nhật đã đầu hàng Đồng minh, Lê Văn Hiến đang có mặt ở Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Ông được ủy nhiệm đi gặp Ủy ban Kháng chiến Quảng Ngãi. 

Lúc này, quân Nhật ở Đà Nẵng chuẩn bị vào Quảng Ngãi để đàn áp, chuyến đi rõ là rất nguy hiểm vì có thể gặp chúng bất cứ lúc nào. Từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi, ông Hiến đi trên chiếc xe hơi của Sở Công chính với danh nghĩa kỹ sư công chính. Đến Quảng Ngãi, vị bộ trưởng tương lai dùng xe đạp để tìm địa điểm liên lạc với Ủy ban Khởi nghĩa.

Bấy giờ, lệnh thiết quân luật đã được ban ra, việc canh phòng trở nên nghiêm ngặt để phân biệt địch-ta. Sau khi lo xong công việc, chiều hôm ấy, Lê Văn Hiến về Đà Nẵng. Cũng lúc đó, quân Nhật từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi khủng bố rồi quay về Đà Nẵng. Hiểm nguy là thế, nhưng vị bộ trưởng tương lai vẫn quyết định đạp xe trở ra. 

Khi cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi gần hai cây số, thì được báo quân Nhật ở tỉnh lỵ Quảng Ngãi đang kéo vào. Thế là phía sau thì có xe Nhật đang về, mà phía trước cũng có quân Nhật đang tới. Cực chẳng đã, “đứng giữa hai làn đạn, bất đắc dĩ tôi phải vác xe đạp lên vai băng quanh một hòn núi, rồi vào làng tìm đường xuống Thư Xá để đi vòng lên tỉnh lỵ Quảng Ngãi”. Nhưng rồi từ đây, mớ bòng bong bắt đầu. 

Lúc đó, theo tín hiệu thì “hễ gặp phòng triệt của dân quân cứ bí mật nói cho họ biết là người của “Cử Đình”. Cử Đình là Lê Trung Đình, nhà cách mạng nổi tiếng được dùng làm mật hiệu ở Quảng Nam dạo ấy. Thế nhưng khi đến các làng xã, thì mật hiệu có vẻ chưa được cập nhật, nên việc càng thêm vất vả.

Bởi vậy nên lúc đến làng Ba La, gặp dân quân xét hỏi, mật hiệu “Cử Đình” không hiệu nghiệm, ông Hiến bị bắt giam. Đêm bị bắt là ngày 18/8, ông Hiến liền viết giấy trình bày công việc của mình, rồi yêu cầu được gặp Ủy ban tỉnh bộ và được đồng ý. Xảy đâu, gần 11 giờ trưa, quân Nhật đi hai xe cam nhông ập tới bắn vào làng, thế là mạnh ai nấy chạy tìm nơi ẩn núp.

Lúc này, ông Hiến đang bận âu phục, nghĩ bất tiện, liền chạy vào nhà một anh nông dân xin mượn bộ áo rách rồi tìm chỗ núp. Sau trận càn của quân Nhật, thì anh nông dân kia mang ngay bộ âu phục trình Ủy ban quân sự, nghi người đổi áo là Việt gian. Vậy là ông Hiến bị vây bắt. 

Bộ trưởng Lê Văn Hiến (thứ bảy từ trái qua) tại ATK
Bộ trưởng Lê Văn Hiến (thứ bảy từ trái qua) tại ATK

Án xử tử hụt

Bắt được ông, chút nữa lệnh xử tử được thi hành luôn: “Thằng Việt gian! Thằng Việt gian! Giết ngay đi, không nói chi nữa”. Khi ấy, hình như có một lưỡi dao đã lướt qua mặt tôi. Tôi đưa hai tay ra và yêu cầu: “Các anh hãy trói tôi lại đã, và nếu tôi là Việt gian thì chẳng cần giết tại đây làm gì, nên đem tôi về trụ sở Ủy ban và sau khi tuyên án sẽ xử tôi trước mặt quân sĩ và dân chúng, như thế có lợi cho cách mạng hơn”.

Nghe ông Hiến nói có lý, thế là thay vì xử luôn, họ trói ông lại, đem về trụ sở Ủy ban. Trên đường giải về, lại thêm cảnh “tất cả đàn ông, đàn bà khi gặp tôi đều muốn trả thù ngay: “Chặt đầu thằng Việt gian! Chặt đầu thằng Việt gian!”. 

Về đến trụ sở, ông Hiến lại bị kết tội ngay, rằng hôm qua thì bị bắt, không có giấy gì làm bằng, hôm nay lại trá hình, chắc là Việt gian chỉ điểm cho quân Nhật tới. Còn anh nông dân đổi áo, lại thêm thắt rằng, đã nghe một tiếng súng từ chỗ ông Hiến nấp bắn ra, hẳn là báo hiệu cho quân Nhật.

“Thế là tôi bị buộc tội là một tên Việt gian đem quân Nhật đến để khủng bố dân quân ở đấy. Không được chối cãi nửa lời, tôi bị đem trói rất chặt chẽ dưới trụ cột cờ trên có ngon cờ đỏ sao vàng. Thật mỉa mai chua chát. Tự nghĩ mình lần này không còn cách gì thoát được nạn, tôi chờ chết và cảm thấy bao nhiêu cay đắng cho cái chết của mình”. 

Khi dân chúng tụ về đông đủ, một ông Ủy viên tư pháp đứng ra tuyên cáo tội trạng. Một người được lệnh lĩnh súng để xử bắn. Biết cái chết đến gần, ông Hiến bình thản đón nhận, và xin được nói lời cuối trước khi chết.

Được cho phép, ông cất lời: “Tôi nói đây không phải để tự chữa mình, nhưng để cho sau khi tôi chết, dân chúng Quảng Ngãi ít ra cũng biết đã xử tử một người nào. Giết Việt gian, hành động ấy rất cách mạng, tôi kính cẩn nghiêng mình trước hành động ấy.

Riêng tôi, mặc dầu đã thấy đồng bào cạn xét mà giết lầm, tôi chẳng có chút gì oán hận. Anh em vì sốt sắng với cách mạng mà lầm, thì tôi vì sự lầm ấy mà chết, cái chết oan ấy cũng vì cách mạng, vì tiền đồ của dân tộc. Tôi hết lời”. 

May sao, thấu được gan ruột của ông, lệnh ngừng bắn được thực hiện. Chiều hôm ấy, ông Hiến viết thư cho Ủy ban tỉnh bộ nhờ người gặp, và thế là ngay hôm sau đã có người đến đón ông ra khỏi nhà giam. Chỉ tích tắc chậm trễ, hẳn hồn vị bộ trưởng tương lai đã thoát xác.

Không bao lâu sau, trong những ngày đầu tháng 1 năm 1946, lại chính nhân dân đất Quảng bầu ông vào Quốc hội khóa I nước VNDCCH. Chỉ cách đó không lâu, suýt chút nữa ông đã bị nhân dân xử tử chỉ vì hiểu nhầm là Việt gian rồi. Rõ là trong việc này, câu cha ông ta nói “May hơn khôn”, có lẽ đúng phần nào đó chăng…

Đọc thêm