Vị chúa có công đưa Hội An thành thương cảng quốc tế phồn thịnh

(PLO) -Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, do áp lực từ các cuộc tấn công của chúa Trịnh đàng ngoài và nhu cầu mở rộng đất đai về phương Nam, các chúa Nguyễn bắt đầu công cuộc mở mang nhanh, mạnh bờ cõi Việt về phía Nam. 
Thương cảng Hội An phồn thịnh
Thương cảng Hội An phồn thịnh

Là vị chúa Nguyễn thứ hai của chính quyền đàng trong sau “Chúa Tiên” Nguyễn Hoàng, Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên, suốt thời gian ở ngôi chúa (từ năm 1614 – 1635) đã xây dựng nên một “vương triều” độc lập ở đàng trong, cải cách mọi mặt của “mảnh đất sình lầy”, biến nơi đây trở thành trung tâm kinh tế, thu hút sự quan tâm, giao thương của các nước láng giềng...

Bậc anh kiệt hiếm có

Theo chính sử chép lại, Nguyễn Phúc Nguyên là con thứ sáu của chúa Nguyễn Hoàng, sinh năm Quý Hợi 1563. Ông cũng là người đầu tiên trong dòng dõi chúa Nguyễn mang họ kép Nguyễn Phúc. 

Liên quan đến câu chuyện này, nhân gian truyền rằng, lúc mang thai, thân mẫu ông chiêm bao thấy có vị thần đưa cho một tờ giấy trên có đề chữ “Phúc”. Lúc kể lại chuyện, mọi người chúc mừng bà và đề nghị đứa bé ra đời được đặt tên là “Phúc”.

Nhưng bà nói rằng, nếu chỉ đặt tên Phúc cho đứa bé thì chỉ một mình nó hưởng, để cho nhiều người trong dòng họ cùng được hưởng phúc, bà đề nghị lấy chữ này làm chữ lót. Và khi thế tử ra đời bà đặt tên là Nguyễn Phúc Nguyên. 

Phúc Nguyên từ nhỏ đã mang tính cách hiền hòa, mộ đạo Phật, thế nên khi trưởng thành ông cho dựng và sửa nhiều chùa chiền. Chính vì mộ đạo phật và tấm lòng nhân ái nên người dân Đàng Trong truyền tụng và gọi ông bằng danh “Chúa Sãi”.

Chúa Sãi khi trưởng thành ngày càng bộc lộ tài năng kiệt xuất. Theo sách này, năm 1585, khi mới 22 tuổi, Thế tử Nguyễn Phúc Nguyên dẫn một hạm đội 10 chiếc đến bến Cửa Việt, tiêu diệt nhiều tàu hải tặc, được khen là bậc “anh kiệt”.

Trước lúc qua đời chúa Nguyễn Hoàng đã ủy thác lại cho Nguyễn Phúc Nguyên kế sách và tầm nhìn rộng. Sách Đại Nam thực lục Tiền biên chép: “Chúa yếu mệt, triệu Hoàng tử thứ sáu và thân thần đến trước giường, bảo thân thần rằng:

“Ta với các ông cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng lên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta... Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”. 

Năm Quý Sửu 1613, chúa Tiên Nguyễn Hoàng mất, các quan vâng di chiếu tôn Phúc Nguyên làm Thống lãnh Thủy bộ Chư dinh kiêm Tổng Nội ngoại Bình chương Quân quốc Trọng sự Thái bảo Thụy Quận công.

Bấy giờ ông đã 51 tuổi. Ông còn được vua Lê Kính Tông sắc phong làm trấn thủ hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam gia hàm Thái bảo, tước Quận công, cũng từ đây mảnh đất Đàng Trong bước vào giai đoạn phát triển mới - kiện toàn và củng cố hạ tầng. 

Không những có tài trị nước, Nguyễn Phúc Nguyên còn nổi tiếng là người khiêm cung, biết giữ lễ nghĩa. Vì vậy hào kiệt các nơi theo về với ngài rất đông, Đào Duy Từ, Nguyễn Phúc Kiều, Nguyễn Đình Hùng, Nguyễn Hữu Tấn... đều là những danh tướng văn võ toàn tài. 

Để ổn định tình hình chính trị với các nước lân bang, năm 1620 Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho một người con gái của mình là Công chúa Ngọc Vạn kết hôn với Quốc vương Chân Lạp Chey Chettha II, trở thành Hoàng hậu của vương triều Chân Lạp. Dưới sự bảo trợ của bà Hoàng hậu người Việt, cư dân Việt từ vùng Thuận - Quảng vào sinh sống làm ăn ở lưu vực sông Đồng Nai ngày một đông đúc. 

“Chúa Sãi” Nguyễn Phúc Nguyên
“Chúa Sãi” Nguyễn Phúc Nguyên

Chú trọng ngoại thương

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên trong thực tế có thể được coi là người Việt đầu tiên thực sự thành công trong chiến lược mở rộng quan hệ giao thương với nước ngoài và thúc đẩy kinh tế hàng hóa và đô thị trong nước phát triển.

Tận dụng ưu thế địa lý, yếu tố chính trị như nằm trên lối ra vào giao thương đường thủy Đông Á với phương Tây, Chúa Nguyễn đã xây dựng Hội An thành một địa điểm với hệ thống hành chính hoạt động hiệu quả.

Trong số các nước phương Đông, Nguyễn Phúc Nguyên đặc biệt quan tâm đến Nhật Bản. Ông chủ động xúc tiến quan hệ giao thương, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương nhân đến sinh sống, buôn bán ở Hội An, để nơi đây thành địa điểm đón nhiều nhất khu vực số thuyền buôn Nhật Bản được cấp giấy phép chính thức. 

Theo một số nguồn chép lại, chính sách định cư lúc đó thoáng hơn cả. Người Nhật, người Hoa đều được Chúa Nguyễn tạo điều kiện cho phép định cư lâu dài. Họ được lập phố riêng, gọi là phố Khách, phố Nhật. Không những vậy, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn cho con gái yêu quý của mình sang làm dâu một gia đình thương nhân Nhật Bản ở Nagasaki để thắt chặt hơn nữa quan hệ với giới đại thương Nhật. 

Riêng đối với các thương nhân tây phương như Hà Lan, Anh... chúa Nguyễn vẫn giữ một khoảng cách nhất định bằng cách chỉ cho phép đặt thương điếm hay văn phòng đại diện khuyến mãi. Theo một số tư liệu chép lại, năm 1636 người Hà Lan đầu tiên đã đến và mở thương điếm đầu tiên tại Hội An. Đến năm 1695, một Công ty của Anh đã đến Hội An để tiến hành việc lập thương điếm. 

Hội An trở thành cảng mậu dịch với người ngoại quốc và nơi đô hội buôn bán lớn nhất Thuận - Quảng bắt đầu từ thời điểm này. Thế nhưng, để Hội An trở thành thương cảng giàu có bậc nhất xứ Đàng trong, phải nói đến tiềm lực và sự sung mãn của vật phẩm, hàng hóa đất Quảng Nam. Chính sách mở cửa cùng với sự dồi dào của sản vật địa phương là hai nguyên nhân đưa Hội An vượt xa Phố Hiến ở Đàng Ngoài.

Liên quan đến vấn đề này, sách “Phủ Biên Tạp Lục” có một đoạn ghi: “Thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một thứ củ nâu, thuyền từ Thuận Hóa về thì cũng chỉ có một thứ là hồ tiêu. Còn từ Quảng Nam (tức Hội An) thì hàng hóa không thứ gì không có”. 

Đúc rút lại công lao của “Chúa Sãi” Nguyễn Phúc Nguyên với “mảnh đất sình lầy” Đằng Trong, sách “Một chặng đường nghiên cứu khoa học” đã ghi lại: Năm 40 tuổi được giao làm Trấn thủ Quảng Nam, ông đã mở rộng giao lưu buôn bán với các nước phương Đông và phương Tây (đặc biệt là Nhật Bản), xây dựng Hội An thành cảng thị quốc tế phồn thịnh - mà ngày nay đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới... ông đã cải cách nền hành chính, phát triển đất nước về mọi mặt, mở mang lãnh thổ xuống tận khu vực Mô Xoài, Đồng Nai, Sài Gòn, Bến Nghé... thuộc miền Đông Nam Bộ - khởi dựng hình hài lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam hiện nay... 

Đọc thêm