Mối quan hệ đầy nhạy cảm cả ngoài đời và trong luật
Theo đó, Công văn nêu rõ, ngày 20/8/2019, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã tiếp công dân Hoàng Thị Thu Trang, trú tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Tại buổi tiếp công dân, bà Trang phản ánh việc cháu Hoàng Ngọc L. A. (sinh ngày 25/3/2007 là con gái bà Trang) bị ông Nguyễn Thanh Bình (bố dượng hiện đã ly hôn với bà Trang) xâm hại từ năm 2017.
Năm 2018, ông Bình đã 2 lần bắt cháu L. A. quan hệ tình dục. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND thành phố Lào Cai đã xét xử ông Bình về tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” và tuyên phạt bị cáo 05 năm tù. Bà Thu Trang kháng cáo bản án, đề nghị xét xử ông Bình về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”, đồng thời gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng.
Ngày 2/6/2019, TAND tỉnh Lào Cai xét xử phúc thẩm, tuyên hủy Bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho Viện KSND thành phố Lào Cai để điều tra lại theo quy định của pháp luật. Sau khi xem xét nội dung đơn, tài liệu gửi kèm và làm việc trực tiếp với bà Hoàng Thị Thu Trang, Hội LHPN Việt Nam nhận thấy hành vi của bị cáo Nguyễn Thanh Bình có dấu hiệu cấu thành tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” được quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tại Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lào Cai cũng nhận định: “Việc xét xử bị cáo về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là chưa chính xác; chưa thực sự khách quan trong việc đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, gây bức xúc trong dư luận xã hội”.
“Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam trân trọng đề nghị đồng chí Trưởng Đoàn công tác, Đoàn giám sát của Quốc hội đưa vụ án nói trên vào một trong những vụ việc bức xúc, dư luận xã hội quan tâm để giám sát nhằm làm rõ vụ việc, đảm bảo khách quan, đúng quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi của trẻ em” - Công văn nêu.
Trước đó, vào tháng 5/2017, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng đã có công văn gửi TAND tỉnh Lào Cai, đề nghị TAND tỉnh Lào Cai nghiên cứu, xem xét, trả hồ sơ về Viện KSND tỉnh để yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung, giải quyết vụ án khách quan, công bằng, theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của trẻ em gái, đảm bảo tính răn đe của pháp luật đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, góp phần đem lại môi trường sống an toàn, lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em.
Cũng liên quan đến vụ việc này, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo Hội LHPN tỉnh Lào Cai kịp thời thăm hỏi, động viên, giúp đỡ cháu L.A và gia đình, đồng thời nghiên cứu, tư vấn pháp luật để gia đình cháu thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của trẻ em.
Điều đáng nói đây không phải là vụ việc xâm hại tình dục đầu tiên xảy ra giữa cha dượng và con riêng của vợ, mà trước đó đã có rất nhiều vụ án tương tự như vậy mà nhắc đến chỉ thêm đau lòng. Ở trường hợp mẹ kế và con riêng của chồng thì điển hình là các vụ bạo hành thân thể (đánh đập, đòn roi, bỏ mặc…), bạo hành tinh thần (chửi bới, chì chiết…).
Ở góc độ xã hội, xưa nay, cha dượng, mẹ kế với con riêng của chồng, vợ luôn trở thành nỗi lo cho những hạnh phúc lần nữa của nhiều người. Nhiều người mẹ lần lữa tái hôn vì vấn víu chuyện “con anh - con em - con chúng ta”.
Nhiều người cha chọn cách “quẳng con về nhà mẹ ruột nó” vì không tin mẹ kế tốt bằng mẹ đẻ. Nhiều ánh nhìn ái ngại khi thấy cảnh con gái thân thiết với cha dượng. Nhiều ánh nhìn dò xét, nghi ngờ với cảnh mẹ kế dạy con chồng…
Chỉ cần thử tra google với từ khoá về những mối quan hệ này có thể thấy những câu “để đời” như: “Cây không trồng nên lòng không tiếc/ Con không đẻ nên mẹ ghẻ không thương”; “Mẹ gà con vịt chít chiu/ Mấy đời dì ghẻ nâng niu con chồng”; “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”…
Điều đáng nói là những câu đúc kết này đã có từ thời xưa và thời này dường như… vẫn vậy khi những câu chuyện kiểu mẹ kế hành hạ con chồng hay cha dượng xâm hại con riêng của vợ nhan nhản trên mặt báo chí.
Và những đứa trẻ đang sống cùng cha dượng hoặc mẹ kế luôn nhận được những câu hỏi từ người đời mà trong đó phần tò mò, thóc mách luôn chiếm số phần trăm nhỉnh hơn phần quan tâm rằng: “Mẹ kế có tốt với con không?”, “Cha dượng có khi nào đánh mắng các con không?”…
Ở góc độ pháp luật, theo quy định tại Điều 79 Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) năm 2014 hiện hành thì cha dượng, mẹ kế và con riêng của vợ, chồng có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau khi cùng chung sống với nhau.
Điều 679 Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng quy định việc con riêng và cha dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau. Cụ thể, cha dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của bên kia cùng sống chung với mình; con riêng có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha dượng, mẹ kế cùng sống chung với mình….; con riêng của bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định của Bộ luật Dân sự…
Tuy nhiên, theo nhiều luật sư, quan hệ giữa cha dượng, mẹ kế và con riêng của vợ, chồng chỉ được luật hóa tại góc độ thừa kế từ Luật HNGĐ năm 2000, mà nay được thay thế bằng luật HNGĐ 2014 ở đó quy định quyền được hưởng di sản.
Tuy nhiên luật không quy định cụ thể về cách cư xử với nhau giữa các thành viên trong mối quan hệ này. Pháp luật chỉ cấm các đương sự có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm nhau, nếu có thực hiện hành vi ấy ở mức độ nghiêm trọng, người thực hiện hành vi chỉ bị chế tài theo pháp luật hình sự trong trường hợp nạn nhân là người nuôi dưỡng mình.
Vì vậy, thiết nghĩ cần có những quy định cụ thể và hợp lý hơn liên quan đến mối quan hệ này, theo quan điểm của nhiều luật sư. Ở trường hợp thừa kế thì cũng cần có quy định rõ hơn về việc xác lập, thực hiện quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế trong thực tế để cơ quan có thẩm quyền có căn cứ xử lý khi thừa kế phát sinh, bởi trên thực tế những thành viên trong quan hệ này đối xử với nhau như những người cha, mẹ, con ruột không phải là nhiều.
Thế nên mới có chuyện trên thực tế nhiều trường hợp gia đình sống chung với nhau không có phát sinh gì, song đến khi bố đẻ, hoặc mẹ đẻ của họ qua đời còn lại người cha dượng, mẹ kế già yếu thì không phải tất cả trong số họ đều được phụng dưỡng chu đáo…
Đủ yêu sẽ làm được cha dượng tốt, mẹ kế tốt
Đó là quan điểm của tác giả Hoàng Anh Tú trong bài viết “Đừng áp đặt sự tử tế lên người cha dượng, mẹ kế, bởi chỉ những đứa trẻ mới trả lời được về hạnh phúc”.
Theo Hoàng Anh Tú, việc những đứa trẻ đang sống cùng cha dượng hoặc mẹ kế luôn nhận được những câu hỏi từ người đời về chuyện cha dượng, mẹ kế có thương chúng không, thì quan tâm tới trẻ em là tốt, nhất là ở cái thời đại mà ai cũng quan tâm với việc x
âm hại và bạo hành trẻ em như hiện nay. Nhưng đặt một câu hỏi như thế có khác nào mặc định rằng mối quan hệ đó luôn xảy ra vấn đề bạo hành?
Hoàng Anh Tú nêu quan điểm rằng: “Tôi tin vào những đứa trẻ. Chính xác là tin vào cảm nhận của chúng. Ai thương chúng thật lòng là chúng biết và thương lại. Là bởi thứ chúng cảm nhận không bị các “vật cản” là quan niệm xã hội, định kiến hay vẻ bề ngoài, lời lẽ…
Chúng “nhạy” đến mức không ai có thể trở thành diễn viên được. Lại thêm thời gian sống cùng, sự thật lòng luôn có giá trị tuyệt đối. Ai coi thường cảm nhận của lũ trẻ thì người đó sẽ phải trả giá. Đặc biệt là với “lòng mẹ” hay “tình cha” là thứ không bao giờ diễn được.
Vậy, muốn hạnh phúc lần nữa khi đang có con riêng thì sao? Tôi vẫn mách nhiều phụ nữ rằng hãy để con bạn quyết định. Nhưng tuyệt đối đừng nhân danh con bạn để đòi hỏi người đàn ông ấy phải thế nào. Hãy để chính con bạn quyết định việc mối quan hệ của bạn với người đàn ông ấy tiến xa đến đâu.
Nếu con của bạn không cảm thấy an toàn và hạnh phúc với người đàn ông ấy thì có nghĩa là tình cảm của anh ta dành cho bạn chưa đủ. Bởi đàn ông hầu hết đều có khuynh hướng thương con bạn vì yêu bạn chứ không phải trong anh ta sẵn có tình cảm với con bạn.
Tôi vẫn tin rằng đủ yêu sẽ làm được. Đủ yêu sẽ làm được cha dượng tốt, mẹ kế tốt. Tính thiện lương vốn được nuôi dưỡng bởi tình yêu chứ không phải sinh ra đã có hay giáo dục mà thành…”.