Hơn cả bạo hành
Dư luận mấy ngày nay đang xôn xao về một vụ đánh ghen ở Huế. Từ đoạn clip được phát tán cho thấy một cô gái bị nhóm người lột hết quần áo, đánh đập dã man. Trong đó, người đàn ông liên tục dùng giày đánh vào vùng nhạy cảm của cô gái kèm lời sỉ nhục thô tục.
Số người phụ nữ còn lại thì cấu xé, đánh đập các vùng khác của cơ thể, mặc cho cô gái kêu khóc van xin, cuối cùng chỉ biết bất lực chịu trận. Không chỉ thế, nhiều thông tin còn cho biết, đây lại là một vụ “đánh ghen nhầm đối tượng”.
Đánh ghen, lột trần, chửi bới, bêu xấu… không phải là cảnh tượng xa lạ với cộng đồng mạng. Liên tục có những vụ đánh ghen được quay clip, đăng lên mạng. Cách đây không lâu, câu chuyện một người phụ nữ đi xe ôm công nghệ theo dõi chồng trên xe sang cùng phụ nữ khác rồi lao vào túm tóc, đánh đập người nghi là tình nhân của chồng khiến dư luận xôn xao.
Cũng thời gian đó, một đoạn clip khác được tung lên mạng cho thấy cảnh một cô gái trẻ bị “bắt ghen” tại một quán cafe ở Cần Thơ. Cô cũng bị nhóm “bắt ghen” lột đồ, đánh đập, chửi rủa. Có người đàn ông còn đi theo tận dụng cơ hội để sàm sỡ nạn nhân.
Không chỉ đánh ghen, bạo lực học đường cũng đang gia tăng đến mức chóng mặt. Những chuyện xích mích, gây hấn giữa các em nhỏ ngồi trên ghế nhà trường giờ đây đã không còn ở mức “bạn bè mâu thuẫn” mà biến thành những trận đòn thù tệ hại, khiến nạn nhân ám ảnh cả đời.
Mới đây, một nữ sinh ở Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, TP. Thanh Hóa đã bị nhóm bạn “đánh hội đồng” đến mức nhập viện. Em bị bạn cào cấu, đấm đá, thậm chí đạp vào mặt trong tiếng reo hò, cổ vũ của các bạn xung quanh.
Tại Trường THCS Phước Thạnh, Gò Dầu, Tây Ninh, một em học sinh cũng bị nhóm bạn 5 người dùng dép, mũ bảo hiểm, tay chân để đánh, vì mâu thuẫn trong chuyện yêu đương. Nhiều vụ việc như thế đã diễn ra làm dấy lên mối lo ngại, bất an về tính an toàn cho học sinh nơi môi trường học đường.
Những góc nhìn méo mó
Để dẫn đến việc gia tăng số lượng cũng như mức độ của hành vi bạo lực chốn công cộng, ngoài sự thiếu quyết liệt trong xử lý của cơ quan quản lý, còn phải kể đến một nguyên nhân khác, đó là sự nhận thức lệch lạc của một bộ phận người dân.
Trong các clip đánh ghen, có thể nhìn thấy cảnh những cô gái nạn nhân chỉ biết đưa mình chịu những trận đòn thù từ những người đánh ghen, người ngoài ít can thiệp vào. Không ít đoạn clip đánh ghen được quay lại và tung lên, tự hào như “chiến tích”.
Mỗi khi xuất hiện các clip như thế, thay vì hành vì bạo lực bị lên án thì một bộ phận không nhỏ dư luận lại bày tỏ sự đồng tình, hả hê. Trên các diễn đàn dành cho phụ nữ, không ít chị em bày tỏ quan điểm ủng hộ đánh ghen. Nhiều người còn “dạy” nhau cách bắt ghen, đánh ghen thế nào cho hiệu quả.
Thậm chí, trong một số clip về đánh ghen, có những nhân vật không liên quan đến sự việc, lao vào “đánh hôi” nạn nhân còn được tung hô như những người hùng “thấy chuyện bất bình chẳng tha”.
Trong đánh ghen đã thế, trong vấn nạn bạo lực học đường cũng tồn tại những quan điểm méo mó không kém. Tất nhiên, đa phần dư luận lên án và đòi nghiêm trị, nhưng có một bộ phận phụ huynh lại cổ súy cho hành vi bạo lực. Trong một clip hai trẻ độ tuổi cấp 1 đánh nhau được phát tán mới đây, nhiều phụ huynh cho rằng, cậu bé to con “bị đánh hội đồng là đáng”, bởi trước đó đã nhiều lần bắt nạt bạn.
Hay sự việc phụ huynh lao vào tát, đánh bé gái học mẫu giáo ở Lào Cai, bên cạnh những ý kiến bất bình, có một bộ phận nhỏ cho rằng, hành vi của phụ huynh nói trên là “có thể hiểu được”, khi chứng kiến con mình bị bạn cắn. “Là tôi, con mình bị bắt nạt tôi cũng không kiềm chế được” - những bình luận như thế không ít.
Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết không nên đăng tải các video đánh ghen hay bạo lực học đường lên mạng vì: “Thứ nhất, nó gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến nhiều người nhất là người trẻ như trẻ nhỏ vô tình xem các video này sẽ bắt chước các hành vi xấu, lời nói thiếu văn hóa. Các video trên có thể là tác nhân gây ra nạn bạo lực trong gia đình, bạo lực xã hội, bạo lực học đường. Đây là những nội dung mà các quy định của pháp luật đang điều chỉnh bảo vệ.
Thứ hai, việc xảy ra các hành vi vi phạm như trên có thể tạo ra thói quen coi thường pháp luật, thờ ơ trước pháp luật của người dân. Và có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc như người vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, người bị xâm hại thì có thể bị ảnh hưởng sức khỏe, bị mất danh dự…
Thứ ba, sự lan truyền, thu hút người xem, người tranh luận trên báo chí, mạng xã hội về các sự việc này làm kéo theo sự tò mò, kích thích theo dõi các câu chuyện xoay quanh đó thì có thể làm ảnh hưởng không tốt đến chính công việc, cuộc sống của chúng ta, làm ảnh hưởng tiêu cực các khái niệm về thẩm mỹ, giá trị đạo đức, giá trị văn hóa tinh thần, thuần phong mỹ tục Việt Nam”.