Vì mẹ, con trốn lấy chồng

Phải đến nước này, bà Nga mới nhận thấy mình đã quá sai lầm trong cách nuôi dạy con để đến bây giờ hai cô con gái một đứa lỡ dở, một đứa nhất định không chịu lấy chồng.

Phải đến nước này, bà Nga mới nhận thấy mình đã quá sai lầm trong cách nuôi dạy con để đến bây giờ hai cô con gái một đứa lỡ dở, một đứa nhất định không chịu lấy chồng,

Dâu đoảng. Ảnh minh họa

Lập gia đình khá muộn, lại mấy lần sảy thai, bà Nga mới sinh được hai cô con gái tên là Ngọc, Ngà nên nâng niu, cưng chiều con hết mực. Sợ “ngọc ngà” có “tì vết” nên bà Nga không bao giờ cho phép con mình mó tay bất kể công việc nhà dù nhỏ hay lớn. Thế nên, chuyện Ngọc và Ngà đã hơn 20 tuổi mà không biết quét nhà là chuyện rất đỗi bình thường trong gia đình bà.

Có hôm, bà Nga đi làm tới 7h tối mới về. Trời mưa to, người ướt sũng, nhưng chưa kịp bước chân vào nhà, bà đã nghe hai cô công chúa của mình quát mẹ ầm lên bởi “đi đâu mà về muộn để bọn con đói mốc cả miệng”. Thấy các con đói, xót lòng, bà quên cả việc thay quần áo ướt, tất tả chạy xuống bếp đặt nồi cơm, lấy thức ăn ở tủ lạnh, xào nấu.

Của đáng tội, quá ngứa mắt trước cảnh vợ chiều con quá mức, chồng bà Nga đã nhiều lần góp ý với vợ. Nhưng bà phẩy tay: “Chúng còn phải học. Vả lại những việc vặt này để chúng mó tay vào làm gì”. “Thế sau này, hai đứa nó lấy chồng rồi làm mẹ, không biết gì về nữ công gia chánh thì làm sao chúng quán xuyến được?”. “Ôi dào, anh cứ khéo lo, cờ đến tay là chúng sẽ tự phất!” - bà Nga trấn an chồng.

Cứ thế, bà Nga lo lắng cho hai cô con gái từng ly, từng tí một. Biết mẹ chăm chút cho mình, hai chị em Ngọc, Ngà càng làm bộ, luôn miệng kêu mệt mỏi, than vãn càng làm mẹ rối bời. Nhưng trái lại khi mẹ ốm, hai cô con gái chẳng buồn hỏi han, chăm sóc. Chúng nghĩ mẹ khắc tự khỏi. Có bận mẹ nhờ pha cốc nước cam, cô con gái cả tên Ngọc đủng đỉnh từ chối vì đang bận học, còn cô Ngà thứ hai thì nói không biết làm. Báo hại bà Nga lại phải gắng gượng dậy “tự thân vận động”.

Vừa đỡ ốm, bà Nga đã lao vào dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, giặt giũ quần áo chất đống của cả nhà vì qua vài hôm, tất cả đã bốc mùi. Nhưng mới đỡ ốm lại làm việc nhiều, bà chóng mặt ngã xuống sàn, cổ chân bị sái. Nghe mẹ rên rỉ vì đau, hai cô con gái đang ngồi chơi game trong phòng nói vọng ra: “Mẹ cứ nằm ở đó một lúc, tí nữa dọn tiếp cũng được!”. Lúc ấy, quả thực bà Nga có hơi nghẹn lòng nghĩ đến lời chồng mình, nhưng rồi thương con nên bà lại gắng gượng đi chân cà nhắc làm nốt công việc đang dang dở.

*

Ngọc ra trường rồi về làm dâu ở một gia đình rất gia giáo, nề nếp. Đang ở nhà được mẹ hầu đến tận răng, chẳng phải mó tay vào việc gì, nay về nhà chồng, Ngọc như lạc vào “thế giới khác”. Mẹ chồng Ngọc luôn muốn con dâu mình phải khéo léo trong việc tề gia nội trợ. Ngay hôm đầu tiên có dâu mới, bà bàn giao cho Ngọc những công việc nội trợ gia đình: “Sáng 6h con dạy dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu bữa sáng cho gia đình. Khi mọi người đi làm thì con ở nhà giặt giũ, cơm nước, rửa bát. Mỗi ngày, gia đình mình chi tiêu chỉ từng ấy tiền, con làm sao tính toán mua bán cho hợp lý...”. Mẹ chồng nói đến đâu, tai Ngọc ù đi tới đấy.

Tuy đã 25 tuổi, nhưng vì quen được mẹ hầu hạ nên những việc này sao quá lạ lẫm đối Ngọc và cô chẳng làm được việc gì cho ra hồn. Quét nhà, chồng cũng phải quét lại giúp. Rửa bát xong, Ngọc quên vặn vòi nước, vô tư lên giường ngủ trưa khiến nước tràn ra ngập cả nhà. Rồi nấu cơm, mấy lần Ngọc quên không cho... nước vào nồi! Vẻn vẹn 2 tuần về nhà chồng, Ngọc lập kỷ lục làm cháy 3 nồi cơm điện!

Mẹ chồng Ngọc là người kỹ tính, thế nên nhìn con dâu lười biếng, làm ăn vụng về, từ chỗ thở dài thườn thượt, bà bắt đầu lên tiếng mắng nhiếc và đánh tiếng trách móc thông gia là không biết dạy con.

Từ trước tới nay, Ngọc chẳng bị ai nặng lời bao giờ, nay bị mẹ chồng mắng, con bé tự ái rồi quay ra bật lại tanh tách. Không khí gia đình của Ngọc ngày càng ngột ngạt, căng như dây đàn. Cứ mỗi lần cãi vã với mẹ chồng, Ngọc lại chạy về nhà khóc lóc, kể lể với mẹ đẻ. Sợ con gái “giữa đường đứt gánh”, bà Nga đành tới nhà thông gia xin lỗi và mong bà thông gia tha thứ cho sự vụng về của Ngọc.

Thế rồi mọi chuyển cũng đổ vỡ khi Ngọc không thể chịu nổi nỗi khổ sở của một bà nội trợ đúng nghĩa nên đùng đùng xách va li về nhà mẹ đẻ. Bà Nga nói thế nào, Ngọc cũng kiên quyết không về lại nhà chồng. Khăng khăng đòi viết đơn li dị, Ngọc tuyên bố: “Con thà con bỏ chồng còn hơn là phải làm việc nhà!”. Cô em Ngà thấy “thảm cảnh” của chị cũng toát mồ hôi: “Con cũng thà ế chồng còn hơn làm vợ để rồi phải... nấu cơm, rửa bát”!

*

Kết thúc câu chuyện buồn của mình, bà Nguyễn Thị Nga (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chép miệng thở dài: “Thế là hai đứa con gái đều ở giá vì tôi ”.

Thùy Dương

Đọc thêm