Giả “long lanh” hơn thật
Hiện tượng nổi bật trong việc vi phạm bản quyền mỹ thuật được nhắc đến nhiều nhất thời gian qua là sao chép để tham gia giải thưởng, mạo danh tác giả và phổ biến nhất là vấn đề sao chép các tác phẩm để bán cho thị trường trong nước và quốc tế.
Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Khánh Chương, vấn đề nhức nhối hiện nay đang xảy ra là nạn sao chép, ký tên tác giả để... bán đấu giá như câu chuyện 4 trong số 5 bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái mà hãng Sothebys Hồng Kông đã đem ra đấu giá vào cuối năm 2008 là tranh giả. Rồi trường hợp xảy ra ở Singapore đối với tranh của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí.
Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, mới đây, nhiếp ảnh gia (NAG) Lê Huy Hoàng Hải (TP Huế) khiếu nại Công ty TNHH Truyền thông Hạnh Phúc Việt Nam về việc sử dụng tác phẩm của anh trong chương trình “Lễ hội áo dài - Nơi huyền thoại bắt đầu” trong khuôn khổ Festival Huế 2016 vừa diễn ra mà chưa xin phép tác giả.
Hay với trường hợp của NAG Tạ Quang Bảo chia sẻ cách đây 3 năm, hơn 100 bức ảnh của ông đã được in và treo trong một khách sạn lớn tại Hà Nội mà không hề có tên tác giả. Ông Bảo đề nghị giải quyết vấn đề bản quyền, thế nhưng, câu trả lời dành cho ông lại là cái giá 300 ngàn/bức, nếu không sẽ hủy toàn bộ số ảnh. Cuối cùng, ông Bảo ngậm ngùi chấp nhận yêu cầu này.
Có tiền, mua… “tên” tác giả
Tranh của họa sỹ từ chỗ đổi một cốc cà phê lấy một bức tranh, giờ bức tranh đó giá từ mấy chục ngàn đến mấy trăm nghìn USD và tương lai sẽ còn cao hơn nữa. Âu điều đó cũng là xứng đáng với những tài năng thật sự được đánh giá, thẩm định công bằng. Song đồng tiền khuấy động cũng tạo nên một mảng tối ngầm có tác hại rất lớn từ bao lâu nay. Đó là những bức tranh giả liên tục ra đời sẽ là một nguy hại lớn cho nền nghệ thuật của Việt Nam ở trong nước và thế giới.
Thực tế, họ chỉ biết mua tranh bằng cách chọn mua theo tên tác giả đã nổi tiếng mà không biết rằng thật sự họa sỹ đó tài năng thế nào, cuộc đời và những thăng trầm trong sáng tác của họ ra sao, phong cách vẽ sáng tạo của họ thế nào.
Điều đó lý giải cho tranh giả vẫn tiếp tục tồn tại và vẫn có người bỏ ra cả một đống tiền để mua tranh giả chỉ vì những cái tên nổi tiếng có sẵn chứ không phải họ thật sự hiểu nghệ thuật sáng tạo và cái đẹp của họa sỹ mà họ sưu tầm.
Có lần, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm thấy cửa hàng bán tranh ở phố Tràng Tiền, trực thuộc Công ty mỹ thuật Hà Nội bày bán một bức tranh sơn mài chép lại trong bộ 12 con giáp của ông. Vì không biết mặt họa sĩ nên cô bán hàng trả lời là “của... ông Tư Nghiêm gửi bán”.
Khi danh họa trình chứng minh thư thì nhận được cuộc hẹn đến chiều giải quyết. Buổi chiều, ông trở lại thì lãnh đạo đi vắng, và bức tranh lúc sáng cũng đã biến mất(!)
Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, cuộc sống ngày càng phát triển, quá trình thương mại hóa diễn ra nhanh chóng khiến cho những giá trị văn hóa truyền thống vì thế cũng bị kéo theo. Thật, giả lẫn lộn, khó phân định.
Hơn nữa, việc xuất hiện tranh giả, tranh nhái có khi bắt nguồn từ chính các họa sĩ. Trong đó, có người nhân bản tranh của mình để bán, có người vì bức vẽ đầu tiên chưa vừa ý một chi tiết hay một nét màu nên vẽ lại, khiến thị trường có hai bức tranh giống nhau…
Có những tác phẩm hội họa lại không phải là “độc bản” cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó phân định thật giả và tranh giả vì thế vẫn ngang nhiên trôi nổi trên thị trường.
Điều bất thường đang… bình thường?
Tại buổi tọa đàm mới đây về “Vấn đề bản quyền trong nghệ thuật hiện nay” (do Việt Nam Photo Fair và Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ tổ chức. Câu chuyện xoay quanh việc người nghệ sĩ đã phải một mình đối mặt như thế nào trước tình trạng “ăn cắp” trong nghệ thuật và đưa ra những giải pháp thực tế nhất.
Thuộc lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết, tại Hàn Quốc, Nhật Bản, vấn đề bản quyền luôn luôn được coi trọng. Theo ông, bảo vệ lợi ích cho nghệ sĩ cũng nhằm mục đích bảo vệ lợi ích chung cho cộng đồng bởi tái tạo sức lao động của các nghệ sĩ sẽ giúp họ có khả năng sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề bản quyền trước giờ vẫn chỉ được bàn đến với tư cách là vì lợi ích của cá nhân nghệ sĩ. Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhấn mạnh: “Thế giới từ lâu đã xác định bảo vệ quyền tác giả và sở hữu trí tuệ. Luật pháp này cần được đưa ra để đại diện cho lợi ích của cộng đồng”.
Chánh văn phòng Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hồng Định cũng khẳng định sự cần thiết của luật để bảo vệ quyền lợi của các nghệ sĩ. Luật pháp về bản quyền ở nước ta đã có với một hệ thống khá đầy đủ: Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 100/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan…
Tuy nhiên, với họa sĩ Bùi Hoài Mai, ông cho rằng trong thời điểm hiện tại, cá nhân nghệ sĩ ngoài việc nắm chắc luật pháp, cũng nên tự trau dồi thêm đời sống tâm hồn, từ đó tập trung sáng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật ý nghĩa, đó mới là cách để bảo vệ bản quyền tốt nhất.
Theo ông, đạo Phật nói rất hay về “thông hiểu”- đời sống của anh sẽ bất tử nếu anh thông hiểu, từ bi…Và điều đáng nói hơn, theo các họa sỹ, chuyện lấy một bức tranh, một bức ảnh, hay thấy tranh của mình nhân bản ở đâu đó thì cũng… “vui” thôi, nhưng vấn đề là ở chỗ các nghệ sỹ đã và đang “ăn cắp” ý tưởng của nhau. Sẽ còn gì là độc bản nữa khi có hàng trăm ngàn tranh ảnh giống nhau?
Họa sĩ Bùi Hoài Mai cũng đề xuất về vấn đề tác quyền cũng nên được đưa vào giảng dạy cho sinh viên các trường nghệ thuật để các em bảo vệ quyền lợi của mình sau này. Nạn vi phạm bản quyền đang ngày trở nên phổ biến, đến mức một chuyện bất thường như vậy đang dần trở nên bình thường.
Vả lại, theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Từ lâu, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khuyến nghị, mong ngóng các tác giả đến đăng ký bản quyền, bảo đảm tính hợp pháp cho “đứa con tinh thần” của họ, nhưng rất hiếm họa sĩ đến đăng ký. Khi xảy ra vấn đề tranh chấp, gây bức xúc, các họa sĩ cũng như công chúng lên tiếng, nhưng anh có đăng ký đâu mà đòi hỏi bảo hộ được?
Lâu nay, anh em nghệ sĩ vẫn miệt mài sáng tạo, miệt mài sáng tác, tin vào giá trị tác phẩm của mình cũng như con đường phổ cập đến công chúng. Bây giờ hẳn phải có thị trường nội địa chuyên nghiệp và giữ được không khí trong lành nhất trong không gian sáng tạo nghệ thuật và người nghệ sĩ phải hướng tới điều đó thì mới có sự thăng hoa trên từng tác phẩm của mình”, ông bày tỏ.