Sự chỉ đạo “hầu như” trên giấy!
Theo sự chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, hằng năm, TP đều yêu cầu các sở, ban nghành và chính quyền địa phương cần sớm giải tỏa những vi phạm, trả lại hành lang đê điều thông thoáng trước mùa mưa lũ. Nhưng trên thực tế, năm này qua năm khác, những sai phạm vẫn tồn tại, các con đê cứ dần bị “xẻ thịt”, vi phạm cũ chưa được xử lý dứt điểm, vi phạm mới lại phát sinh.
Ông Nguyễn Bá Tiến – Chi cục trưởng Chi cục quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (PCLB) Hải Phòng cho biết, hành vi vi phạm pháp luật về đê điều chủ yếu là khai thác, tập kết cát trái phép. Trước thực trạng đó, thời gian vừa qua Chi cục cũng đã chỉ đạo lực lượng quản lý đê thường xuyên bám địa bàn, bám dân để tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu về Luật đê điều và Pháp lệnh PCLB, thuyết phục vận động nhân dân chấp hành; chỉ đạo sát sao Hạt quản lý đê điều các địa phương tăng cường tuần tra, phát hiện vi phạm.
Trường hợp những vụ vi phạm kéo dài, quy mô lớn huyện, xã không tự giải quyết được Chi cục đã có kiến nghị gửi đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND TPHải Phòng để xin ý kiến và đưa ra hướng xử lý.
Cũng theo ông Tiến, trước tình hình khai thác, vận chuyển, tập kết cát trái phép và xe quá tải đi trên đê trong những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến sự an toàn của đê điều, Chi cục cũng đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp, UBND TP Hải Phòng có công văn đôn đốc các cấp, các ngành tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, xiết chặt việc quản lý khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát gây ảnh hưởng đến dòng thoát lũ, nhất là nạn khai thác cát trái phép ảnh hưởng đến lòng sông, làm sạt lở nhiều tuyến đê .
Ông Tiến còn cho biết, trong năm 2013, đã có một số địa phương làm tương đối tốt công tác xử phạt như huyện An Lão đã xử lý 17 phương tiện; huyện Tiên Lãng xử lý 36 phương tiện; quận Dương Kinh xử lý 5 tổ chức có phương tiện thủy neo đậu tập kết cát trái phép. Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hải Phòng cũng đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo UBND TP Hải Phòng chỉ đạo chuyển hồ sơ giao các địa phương xử lý 12 trường hợp vi phạm.
Biệt thự ở ngoài đê
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT các huyện trên địa bàn Hải Phòng, năm nào cũng phát sinh các trường hợp xây nhà, công trình kiến trúc ngoài đê vi phạm Luật Đê điều, hành lang thoát lũ. Nhiều hộ dân còn xây dựng biệt thự lớn ngoài đê, bất chấp sự ngăn cấm của chính quyền địa phương.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, lực lượng quản lý đê điều đã phát hiện, lập biên bản đình chỉ, kiến nghị xử lý 21 vụ vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB. Các vi phạm mới xuất hiện chủ yếu là tập kết vật liệu xây dựng (VLXD), lấn chiếm bãi sông, xây dựng nhà trong hành lang bảo vệ đê.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Thanh Tùng- Trưởng phòng kinh tế quận Kiến An cho biết, thực hiện nghiêm chỉ đạo và nhiệm vụ bảo vệ đê điều và công tác PCLB, trong những năm gần đây, trên địa bàn quận Kiến An đã không phát sinh thêm trường hợp vi phạm mới về đê điều.
Bên cạnh đó, UBND quận đã phân công trực tiếp cán bộ đến các địa bàn, khu vực trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc các phường xử lý nghiêm túc các vi phạm và duy trì thường xuyên công tác giao ban quản lý đê điều hàng tháng, hàng quý.
Đồng quan điểm với ông Tùng, ông Đinh Văn Hùng - Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện An Dương chia sẻ, với phương châm “xử lý vi phạm ngay từ đầu, phát hiện có vi phạm là xử lý ngay” nên hiện nay trên địa bàn huyện An Dương chỉ còn tồn tại những vi phạm cũ từ trước khi Luật đê điều 2006 có hiệu lực, vi phạm mới phát sinh ít hơn.
Điển hình trong năm qua, Hạt quản lý đê điều huyện An Dương và Chi cục đê điều và PCLB TP Hải Phòng đã xử lý hành vi xây dựng tường rào kiên cố trên tường đê bê tông của Chi nhánh nhà máy đóng tàu Bến Kiền (thuộc Cty CP sông Gấm) vi phạm về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều với biện pháp buộc tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng và xử phạt hành chính.
Cũng theo ông Hùng, trong thời gian qua dù đã xử lý được nhiều các vi phạm về đê điều, nhưng tại huyện An Dương thời gian gần đây lại nổi lên hành vi khai thác cát trái phép trên sông Tả Lạch Tray với việc sử dụng công nghệ hiện đại hơn (không cho thuyền đứng yên để hút cát gần bờ như trước mà cho thuyền vừa chạy vừa hút cát với khối lượng lớn) vì thế mà công tác phát hiện và xử lý vi phạm của huyện gặp nhiều khó khăn.
Theo lực lượng chuyên trách quản lý đê điều và lực lượng quản lý đê nhân dân các địa phương, việc phát hiện các trường hợp vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ như xây nhà, tập kết làm bãi kinh doanh VLXD… không khó, song việc xử lý các trường hợp vi phạm sau phát hiện của cơ quan chức năng một số nơi chưa triệt để, tạo tiền lệ xấu nên những công trình vi phạm vẫn “ngang nhiên” tồn tại.
Để khắc phục tình trạng trên và ứng phó tốt với diễn biến mùa mưa bão sắp tới, thiết nghĩ Hải Phòng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành Luật Đê điều, Pháp lệnh PCLB. Tăng cường kiểm tra, rà soát trên các tuyến đê, giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm tồn đọng; kiên quyết giải tỏa các công trình xây dựng trái phép, bãi kinh doanh vật liệu trong hành lang bảo vệ đê, hành lang bảo vệ dòng chảy, xử lý triệt để những vi phạm mới phát sinh./.