Vì sao chợ bỏ hoang, tiểu thương "thập thò "đứng đường"?

Hiện người dân rất muốn được có nơi buôn bán tốt để ổn định cuộc sống, chứ không muốn phải vừa bán vừa thập thò. “Chúng tôi muốn được vào chợ để bán, nhưng vào đó biết bán cho ai?. Đường thì một chiều, bà con đi vào thì dễ, đi ra thì đâu có đường mà ra...", một tiểu thương chợ Xóm Chiếu nằm trên đường 154, phường Tân Phú, quận 9, TP HCM, phân trần.

Câu chuyện dẹp chợ tự phát không còn là mới mẻ gì ở TP Hồ Chí Minh. Một số quận, huyện làm tương đối bài bản và kết quả là đường thông hè thoáng, đô thị sạch đẹp, văn minh, đặc biệt là được người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, một số phường ở quận 9, việc dẹp chợ tự phát vẫn chưa hợp lý khiến dân lại ào ra đường buôn bán.

Lực lượng chức năng đang dẹp chợ tự phát
Lực lượng chức năng đang dẹp chợ tự phát

Như từng phản ánh, ngôi chợ Tân Phú ở phường Tân Phú, quận 9, TP.Hồ Chí Minh được xây dựng từ năm 2004 với diện tích 4.000m2, kinh phí 2,2 tỷ đồng. Mục đích của việc xây chợ này là nhằm di dời các chợ tự phát gần đó vào đây cho bà con buôn bán.

Chợ có 340 sạp đã được các tiểu thương mua và thuê hết; lúc mới xây xong, có khoảng vài chục người tới để buôn bán, nhưng vì không có khách nên chưa đầy một tháng sau thì họ đã phải “bỏ của chạy lấy người” khiến  chợ phải bỏ hoang từ đó tới nay.

Người dân ở khu vực chợ Xóm Chiếu nằm trên đường 154 thuộc phường Tân Phú, quận 9, gần chợ Tân Phú phản ánh, hiện nay họ thường xuyên bị các lực lượng chức năng tới để kiểm tra gây khó khăn trong việc kinh doanh buôn bán.

“Đây là ngôi chợ có hơn 40 năm qua, chứ đâu phải một vài năm mà nói chợ tự phát chứ. Nhiều lần chúng tôi làm đơn xin cấp phép, nhưng địa phương không làm, cũng không nêu rõ lý do. Việc bán thịt cá, trứng, hàng hóa đều có kiểm dịch, giấy tờ đầy đủ của các cơ quan chức năng, vậy mà cứ hễ một tý là địa phương xuống hốt hết mà không hề lập biên bản  giấy tờ gì cả...”, một người dân bức xúc.

Hiện người dân rất muốn được có nơi buôn bán tốt để ổn định cuộc sống, chứ không muốn phải vừa bán vừa thập thò. “Chúng tôi muốn được vào chợ để bán, nhưng vào đó biết bán cho ai?. Đường thì một chiều, bà con đi vào thì dễ, đi ra thì đâu có đường mà ra. Duy nhất chỉ có một con hẻm nhỏ hơn 1m nằm bên hông chợ. Còn lại nếu đi đúng luật thì hầu như người dân phải chạy nhiều km vòng qua Quốc lộ 1A qua mé Bình Dương mới đi về được. Nó quá xa, quá bất tiện và đặc biệt là xe tải lưu thông qua đây quá lớn. Như vậy, thử hỏi ai dám vào chợ mà mua?", một tiểu thương phân trần.

Trao đổi về những vấn đề này, ông Bùi Văn Hữu- Phó chủ tịch phường Tân Phú cho biết: Mọi người đều có quyền kinh doanh buôn bán, nhưng phải theo đúng pháp luật. Chúng tôi không phải không cấp giấy phép kinh doanh cho bà con, mà có khi bà con hiểu chưa rõ nên phản ánh như vậy. Nếu bà con làm đầy đủ thủ tục, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…, thì vẫn được kinh doanh buôn bán bình thường”.

Ông Bùi Văn Hữu - Phó Chủ tịch phường Tân Phú
Ông Bùi Văn Hữu - Phó Chủ tịch phường Tân Phú.

Còn về vấn đề chợ có đường vào mà khó khăn đường ra, ông Hữu cho biết, sắp tới khi đường xa lộ Hà Nội đoạn qua Suối Tiên làm xong thì sẽ có đường hai chiều. Hơn nữa, phường đã có kiến nghị xin cho bà con được lưu thông hai chiều đoạn từ đường 154 đến chợ Tân Phú.

Tuy nhiên. khi chúng tôi hỏi phường có biết khi nào bà con có đường hai chiều để đi thì ông Hữu vẫn không nắm được. Và liệu người dân có bị phạt khi vẫn còn biển báo cấm ngược chiều ở đoạn từ đường 154 đến chợ Tân Phú như ông nói hay không thì ông Hữu cho rằng vẫn có thể bị phạt.

Người dân cũng đang rất mù mờ về việc không biết rồi đây khi vào chợ họ sẽ được bố trí như thế nào vì thực tế 340 sạp trong chợ Tân Phú đã được các tiểu thương ở các khu vực khác mua và thuê hết, chứ các tiểu thương ở chợ Xóm Chiếu gần đó lại hầu như không có.

“Chúng tôi nghe nói chợ này phường thuê lại của chủ đầu tư 10 năm (từ 2004 đến 2014), như vậy chỉ còn một năm nữa là hết hạn rồi, trong khi chợ lại xuống cấp, mái chợ thủng, đường ống nước, kênh mương xung quanh cũng hư hỏng nặng, sắp tới lại có bệnh viện ung bướu mọc lên sát bên… Vậy liệu chúng tôi vào đó sẽ kinh doanh ra sao?”, người dân bày tỏ khúc mắc.

Giải thích về khúc mắc này, ông Hữu cũng không có thông tin. Ông nói: “Sắp tới sẽ mời toàn thể số 340 người đã mua, thuê sạp về họp để nắm tình hình thì mới biết được việc sắp xếp, hoạt động trở lại của chợ như thế nào…”.

Như vậy không chỉ có người dân mới lo lắng, mù mờ về việc làm ăn buôn bán của mình, mà ngay cả người thường xuyên chỉ đạo để dẹp nạn chợ tự phát khu vực này cũng chưa nắm rõ về hoạt động của ngôi chợ, nơi mà địa phương muốn đưa bà con vào để hoạt động nề nếp ổn định, văn minh?.

Ngọc Quý

Đọc thêm