Ông Trịnh Huy Toàn - Tổng giám đốc Cty CP BOT QL2 cho biết: “Là một doanh nghiệp, công ty luôn xác định phải tuân thủ các quy định của pháp luật; tôn trọng chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có TCĐB. Tuy nhiên, việc TCĐB chỉ đạo tạm dừng thu phí là chưa thỏa đáng, không phù hợp với nghị quyết của Chính phủ, nguyên tắc của Bộ GTVT và các điều khoản mà công ty đã ký trong hợp đồng BOT”.
Chỉ là “ý kiến” không phải quyết định
Liên quan đến hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, ngày 22/7/2020, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT.
Theo đó, TCĐB VN là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ, đường cao tốc thuộc hệ thống đường trung ương quản lý. Khoản 4 điều 9 của Thông tư này nêu rõ: TCĐB VN quyết định việc tạm dừng thu đối với các trạm thu phí thuộc các tuyến đường trên.
Tuy nhiên, tại văn bản số 7230/TCĐBVN-TC gửi nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về việc tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí thuộc Dự án BOT Nội Bài – Vĩnh Yên, mục 1, phần II “Ý kiến của TCĐB VN” nêu: Tạm dừng thu phí tại các Trạm thu phí thuộc Dự án BOT Nội Bài – Vĩnh Yên vào đúng thời điểm 00 giờ 00 phút ngày 14/10/2020.
Tại buổi làm việc với Tổ công tác thực hiện giám sát việc dừng thu phí chiều 13/10, ông Bùi Quang Sơn (Phó Tổng giám đốc Cty CP BOT Quốc lộ 2) cho rằng: Văn bản 7230/TCĐVN-TC của TCĐB VN không phải là “quyết định” cả về thể thức cũng như nội dung văn bản. Đây chỉ là ý kiến của TCĐB về việc tạm dừng thu phí.
Ngoài ra, Thông tư 15/2020/TT-BGTVT cũng quy định rất rõ về các trường hợp tạm dừng thu phí. Tuy nhiên, trong văn bản của mình, lý do tạm dừng thu phí mà TCĐB đưa ra lại không nằm trong các trường hợp mà Thông tư 15/2020/TT-BGTVT quy định.
Đơn phương giảm thời gian thu phí
Được biết, thời gian vừa qua, giữa TCĐB VN và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã có nhiều cuộc họp đàm phán xử lý vướng mắc. Tuy nhiên đến nay vẫn còn một số nội dung chưa thống nhất, trong đó có hai vấn đề chính:
Một là liên quan tới chi phí bảo toàn vốn trên phần vốn chủ sở hữu trong thời gian khai thác và lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong thời gian thi công. Về nội dung này, TCĐB xác nhận: Tổng cục đã có văn bản số 5659/TCĐBVN-TC về thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính Phủ nhưng “đến nay, TCĐB VN chưa nhận được chỉ đạo của Bộ GTVT về vấn đề này”.
Mặc dù vậy, ngày 5/10/2020, Tập thể lãnh đạo tổng cục đã có kết luận số 304/TB-TCĐB VN trong đó kết luận chưa có đủ cơ sở pháp lý đưa chi phí này để tính toán vào phương án tài chính dự án.
Hai là về thời gian thu phí tạo lợi nhuận của nhà đầu tư. Theo TCĐB VN, đối với dự án này, do số thu thực tế cao hơn so với số thu theo hợp đồng đã ký nên thời gian thu phí hoàn vốn của dự án rút ngắn so với dự kiến trong hợp đồng nên việc rút ngắn thời gian thu phí tạo lợi nhuận là phù hợp.
Ông Bùi Quang Sơn, Phó TGĐ nói: "Chúng tôi là đối tác nhưng TCĐB đã ra một văn bản như “mệnh lệnh”, áp đặt phải tạm dừng thu phí". Ảnh - Buổi làm việc giữa Cty CP BOT QL2 với Tổ giám sát. |
Trái lại, phía doanh nghiệp dự án căn cứ vào Nghị quyết của Chính Phủ, hướng dẫn của Bộ GTVT và hợp đồng BOT để phản đối.
Cụ thể, về việc quyết toán các dự án BOT, BT trước thời điểm Thông tư số 166/2011/TT-BTC có hiệu lực, Nghị quyết 11/NQ-CP nêu: Giao Bộ GTVT căn cứ quy định pháp luật từng thời kỳ, quy định của Hợp đồng dự án và điều khoản chuyển tiếp của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP để thực hiện quyết toán các hợp đồng BOT, BT trước thời điểm Thông tư 166/2011/TT-BTC có hiệu lực.
Ngày 15/7/2020, Bộ GTVT có văn bản số 6824/BGTVT-ĐTCT nêu nguyên tắc quyết toán hoàn thành các dự án. Theo đó, yêu cầu tổ chức rà soát quy định hợp đồng và pháp luật tại thời kỳ ký hợp đồng, nếu không có quy định khác với hợp đồng đã ký thì căn cứ quy định chuyển tiếp tại khoản 1, Điều 52, Nghị định 108/2009/NĐ-CP để thực hiện công tác quyết toán như sau: “Nhà đầu tư thực hiện dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định của hợp đồng dự án và giấy chứng nhận đầu tư”.
Ngoài ra, khoản 2 điều 12 Thông tư 15/2020/TT-BGTVT cũng quy định: “Đối với các trạm thu phí đã được xác định vị trí và ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng theo hình thức đối tác công tư đã ký trước ngày thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký”.
Đại diện Cty CP BOT QL2 cho rằng: “Phí bảo toàn vốn chủ sở hữu đã có trong phương án tài chính. Thời gian thu phí tạo lợi nhuận 3 năm 6 tháng đã được quy định tại điểm 9.2 Điều 9; điểm 1, Điều 12 Hợp đồng BOT điều chỉnh 8219/GTVT-KHĐT. Do đó, việc TCĐB VN đơn phương loại phí bảo toàn vốn, tính lại thời gian thu phí tạo lợn nhuận theo phương pháp lợi nhuận kỳ vọng và ra văn bản số 7230/TCĐBVN-TC về việc tạm dừng thu phí là vi phạm nghiêm trọng hợp đồng đã ký kết, không tuân thủ chỉ đạo của Bộ GTVT, Nghị quyết của Chính phủ, gây thiệt hại cho nhà đầu tư”.
Điều đáng nói, ngay trong chính nội dung văn bản 7230/TCĐBVN-TC cũng cho thấy những điểm không hợp lý. Vì sao khi chưa có chỉ đạo của Bộ GTVT; còn kết luận của tập thể lãnh đạo Tổng cục “yêu cầu tiếp tục đàm phán” nhưng Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Thắng lại đã ký văn bản “loại bỏ các chi phí” nêu trên và tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận để “kết thúc việc thu phí vào cuối ngày 13/10/2020”?
Yêu cầu không thể thực hiện
Theo điều 3, Luật Đầu tư 2005 thì Hợp động BOT là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.
Ông Bùi Quang Sơn, Phó TGĐ Cty BOT QL2 đặt câu hỏi: “Nguyên tắc của hợp đồng là hai bên đều bình đẳng trước pháp luật. Chúng tôi là đối tác nhưng TCĐB đã ra một văn bản như “mệnh lệnh”, áp đặt phải tạm dừng thu phí. Điều này khiến dư luận, chủ phương tiện hiểu sai, phản đối việc mua vé, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm?”.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp, TCĐB VN đã quá vội vàng và đưa ra những yêu cầu không thể thực hiện. Không những thế còn ảnh hưởng tới hơn một trăm cán bộ, người lao động tại công ty.
“Theo quy định của Bộ luật Lao động, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Ngoài ra Điều 10 của hợp đồng BOT cũng quy định: “sáu tháng trước khi hết hạn hợp đồng hai bên sẽ thành lập tổ chuẩn bị bàn giao…”. Thế nhưng, từ khi ra văn bản yêu cầu dừng thu phí đến ngày thực hiện chỉ có 7 ngày thì công ty chúng tôi không thể thực hiện nổi. Việc bất ngờ tạm dừng thu phí sẽ kéo theo bao nhiêu hệ lụy, bao nhiêu vấn đề phát sinh?”, ông Sơn nói.
Lo lắng trước việc mất việc, chị Nguyễn Thị Đông – nhân viên thu phí tại BOT Nội Bài – Vĩnh Yên chia sẻ, việc TCĐB VN yêu cầu dừng thu phí quá đột ngột khiến chị và rất nhiều người lao động ở đây không hề có sự chuẩn bị về tâm lý cũng như chuyển đổi, tìm kiếm công ăn việc làm. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống gia đình cũng như cá nhân người lao động.
Bộ GTVT yêu cầu tiếp tục đàm phán
Ngày 8/10/2020, Bộ GTVT đã có văn bản 10109/BGTVT-ĐTCT yêu cầu: “Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức đàm phán với nhà đầu tư về các nội dung còn tồn tại, vướng mắc trên nguyên tắc tuân thủ các điều kiện hợp đồng dự án đã ký, quy định của pháp luật tại từng thời kỳ để quyết định, tránh phát sinh khiếu kiện và các chi phí khác liên quan; chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước pháp luật và trước Bộ trưởng Bộ GTVT”.