Không hát ở vũ trường, phòng trà
Danh ca Hoàng Oanh tên thật là Huỳnh Kim Chi sinh năm 1946 tại Mỹ Tho nhưng lớn lên tại Sài Gòn. Nghệ danh Hoàng Oanh của bà được chính người cha đặt năm 1958 khi bà gia nhập ban thiếu nhi của nhạc sĩ Lê Đô. Lúc ấy, trong ban cũng có một ca sĩ tên Kim Chi nên cha bà phỏng theo câu hát: “Chờ tin thư chim Hoàng Oanh đưa/ Còn xa bay trong áng sương mờ” trong bài “Bản đàn xuân” của nhạc sĩ Lê Thương để đặt nghệ danh cho bà. Danh ca rất thích tên Hoàng Oanh vì đó là tên một loại chim có tiếng hót hay.
Từ khi lên 5, Hoàng Oanh đã được cha mình (là một nghệ sĩ) dạy hát và đến 8 tuổi thì bắt đầu đứng trên sân khấu.Nếu các ca sĩ khác phải rất khó khăn mới nổi tiếng thì Hoàng Oanh với giọng hát trời phú và kỹ thuật điêu luyện đã nhanh chóng được biết đến ngay từ những năm đầu đi hát. Bà chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng và được săn đón nồng nhiệt.
Trong thời gian đi học, Hoàng Oanh liên tục được mời thu âm và biểu diễn.Nhưng không phải vì thế mà bà lao vào cuộc sống sân khấu để chạy show kiếm tiền. Ngược lại, bà vẫn rất tập trung học hành đến nơi đến chốn và lấy bằng tốt của Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Điều đặc biệt, khác với tất cả các ca sĩ khác, Hoàng Oanh tuyệt đối không hát vũ trường, kể cả hát phòng trà cũng không. Vào thời điểm đó, nhạc sĩ Phạm Đình Chương có mời bà hát cho phòng trà Đêm màu hồng của ông nhưng bà từ chối với lý do bận chuyện bài vở vào buổi tối. Người ta chỉ thấy bà xuất hiện trên các sân khấu hoặc sự kiện lớn.
|
Danh ca Hoàng Oanh và người chồng trong một sự kiện. |
Lý giải về điều này, danh ca Hoàng Oanh cho rằng, do từ nhỏbàở với ông cậu rất nghiêm khắc nên bị cấm không được hát vũ trường. “Thời gian đó, tôi còn đang đi học. Ngoài thời gian đến đài phát thanh và đến trường, tôi phải tập trung học bài, ôn thi.Và tôi nhận thấy không khí náo nhiệt ở phòng trà hay vũ trường không phù hợp với tính tình hiền hòa, nhút nhát của tôi”, danh ca Hoàng Oanh chia sẻ.
Có thể nói, trong nền bolero trước 1975, Hoàng Oanh là ca sĩ có chất giọng độc đáo, chỉ cần nghe một lần là nhớ mãi trong tầng sâu, không thể lẫn với bất cứ ca sĩ nào. Bà sở hữu giọng nữ trung đặc biệt, với biên độ rộng lớn và đầy trầm tích của đại ngàn.Giọng hát của bà có độ vang tự nhiên được tạo thành từ các khoảng vang trong xoang. Nó rất dày, nặng và chắc nịch, đầy nội lực nhưng vẫn ngọt dịu như ánh nắng buổi sớm mai.
“Có một loài chim khi cất tiếng hót thánh thót vang vọng giữa trời mây sông nước, không gian như lắng đọng để hoà nhập trong âm điệu du dương. Đó là Hoàng Oanh”, một tác giả khuyết danh từng nhận xét về giọng hát của danh ca Hoàng Oanh như vậy.
Ở thời hoàng kim, danh ca Hoàng Oanh ngự trị trên hầu khắp các sóng phát thanh và truyền hình. Bà chính là ca sĩ được mời thu âm nhiều nhất, với hơn 200 đĩa nhạc tínhđến năm 1975, tại nhiều hãng đĩa khác nhau. Độ phủ sóng của bà rộng khắp và bao trùm tới mọi ngõ ngách ở Sài Gòn ngày ấy.
Về tầm ảnh hưởng và sức nặng của tiếng hát Hoành Oanh, nhà văn Lê Thanh Thái từng nói qua 2 câu thơ: “Vượt núi tiếng hò ra xứ Huế/ Oanh vàng dìu dặt gợn dòng Hương”.
Với tài năng của mình, danh ca Hoàng Oanh được khán giả và giới mộ điệu gọi với nhiều danh xưng như: tiếng hát thiếu nhi, tiếng hát của thuở học trò, tiếng hát của tình ca quê hương,tiếng hát gợi nhớ quê hương… Và đặc biệt, bà được mệnh là “Chim vàng Mỹ Tho”.
Giọng ngâm thơ trác tuyệt
Nhắc đến danh ca Hoàng Oanh, khán giả sẽ nghĩ ngay đến khả năng ngâm thơ “độc nhất vô nhị” của một tiếng hát. Trong thế hệ ca sĩ bolero trước và cho đến hiện tại, không một ai có được năng lực ngâm thơ trác tuyệt như Hoàng Oanh.
Chính danh ca Hoàng Oanh đã tiên phong cho lối ngâm thơ trước khi vào ca khúc, để đem đầy đủ nhất điệu hồn, tiếng lòng dân tộc, đến từ cội nguồn, cuộn vào từng câu hát, note nhạc. Từ đó về sau, ngâm thơ trởthành một đặc trưng riêng trong sự nghiệp ca hát của bà. Ngoài những bài hát mà nhạc sĩ để sẵn đoạn thơ mở đầu để ca sĩ ngâm như:“Hòn vọng phu, “Buồn chi em ơi”… thì đa số các bài hát khác, Hoàng Oanh phải tự tìm một đoạn thơ phù hợp với bài hát để ngâm.
Nữ danh ca ngâm thơ với chất giọng trầm dày, vô cùng ấm áp nhưng cũng không kém phần bay bổng. Trong giọng ngâm ấy là sự mộc mạc, chân thành, thấm đẫm hơi thở dân tộc nhưng vẫn sang trọng và được kiểm soát bởi hơi thở chắc chắn.
Về giọng ngâm của Hoàng Oanh, nhà thơ Phan Tường Niệm ngợi ca: “Bên cạnh giọng ca điêu luyện, ngọt ngào, thu hút lòng người thì giọng ngâm thơ của Hoàng Oanh cũng truyền cảm, cách diễn ngâm cũng rất đặc biệt… Nhờ làn hơi phong phú, chất giọng ngọt ngào, có âm sắc riêng khi cần diễn cảm, Hoàng Oanh đã làm cho người nghe cô ngâm thơ như bị cuốn hút theo, nhất là trong những chương trình ngâm thơ trên đài phát thanh lúc nửa khuya”.
Nhà thơ Phan Tường Niệm còn khẳng định: “Giọng ngâm thơ của Hoàng Oanh ngọt ngào, quý phái, sang trọng. Và điểm đặc biệt của cô là có thể diễn đạt giọng ngâm theo nhiều làn điệu, từ ngâm sa mạc miền Nam tới hát ví, hát dặm miền Bắc, hò mái đẩy miền Trung”.
Trong khi đó, nhạc sĩ Lê Thương nhận xét:“Dễ thương nhất có tiếng ngâm vượt núi của Hoàng Oanh, nõn nà, cao vút đến mây xanh, nghe mát mẻ như gió chiều hồ Lăng Bạc. Giọng hát Hoàng Oanh dìu dặt dâng lên nỗi niềm, vun vút lao về phủ nặng tâm tư, rồi êm ả quyện hương vị ngọt ngào của vườn cây trái bát ngát lúa đồng, ve vuốt từng ngọn cỏ mềm khắp nơi hoang dã, hun hút trong thâm u…”.
Còn nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lột tả sự cao đẹp trong nhân cách của nữ danh ca rằng: “Hoàng Oanh thật là một con người trung hậu, nghĩa là cô nghĩ đến mình và cả đến người khác. Thêm một yếu tố quan trọng nữa là những cuộn băng, những đĩa hát, những CD, một khi cô đã phát hành cô đều lưu giữ lại và gìn giữ cẩn thận như đó là những đứa con tinh thần của cô”.
“Xin muôn đời hai bóng vẹn chung đôi”
Năm 1972, Hoàng Oanh bước lên xe hoa với dược sĩ Mã Gia Minh, tức nhạc sĩ Mai Châu sau 9 năm quen nhau. Cuộc hôn nhân của họ hạnh phúc, thuận hòa cho đến ngày nay.
Theo lời kể của nhạc sĩ Mai Châu, ông gặp nữ danh ca Hoàng Oanh lần đầu vào năm 1963, khi ông mới 18 tuổi và Hoàng Oanh mới 17 tuổi. Thời điểm ấy, vì quá ái mộ người ca sĩ trẻ nên Minh đã gửi thư đến choHoàng Oanh để bày tỏ nỗi lòng. Tuy nhiên, thư gửi đi nhưng không nhận được hồi âm về.
Không chịu bỏ cuộc, Minh tìm hiểu và biết được ca sĩ Hoàng Oanh đang học ở trường nữ Gia Long, thường đi xe đưa đón của trường để về mỗi buổi tan học. Canh đúng giờ ra về, chàng trốn học để chạy đến trước cổng trường nữ đứng ngóng. Khi thấy bóng dáng tà áo dài trắng thướt tha của nữ ca sĩ bước ra, chuẩn bị lên xe, Minh lấy hết can đảm đến trước mặt và hỏi tên cũng như bày tỏ rằng mình đã viết thư cho nàng.
Nhưng kể từ hôm đó, cứ tới giờ tan học thì có một chàng thư sinh đứng ngóng trước cổng trường nữ Gia Long, chỉ để được trò chuyện đôi ba câu với Hoàng Oanh mỗi ngày. Quen nhau được 2 - 3 năm nhưng Minh đã gửi cho nàng ca sĩ không biết bao nhiêu là bức thư tình và tất cả đều được Hoàng Oanh lưu giữ cẩn thận cho đến ngày nay.
Trong những bức thư đó thường là thơ do Minh tự viết tặng. Trong số đó, có một bài thơ đượcHoàng Oanh trích ngâm khi hát bài “Đôi bóng” như sau:“Xin thời gian đừng là đường ngăn cách/ Xin thời gian không là bước chia phôi/ Xin thời gian đừng xóa hình bôi mặt/ Xin muôn đời hai bóng vẹn chung đôi”.