Đây là vấn đề “đau đầu” không chỉ của cơ quan chức năng, mà còn là vấn đề khiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng cực kỳ quan tâm. Bằng chứng là đã rất nhiều lần lãnh đạo TW đã có các văn bản, chỉ đạo về vấn đề này. Thế nhưng theo số liệu báo cáo, số vụ việc khiếu nại vẫn có dấu hiệu không giảm, thậm chí số vụ việc liên quan đất đai chiếm tỉ trọng còn ngày càng nhiều hơn.
Làm sao hạn chế việc khiếu kiện kéo dài? Trong chỉ đạo mới đây của Phó Thủ tướng, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan và UBND các tỉnh, thành tổ chức tiếp công dân, tuyên truyền, vận động, có biện pháp cần thiết hữu hiệu để công dân trở về địa phương giải quyết. Trường hợp cần thiết, phối hợp với địa phương tổ chức đối thoại với công dân tại địa phương.
Biện pháp căn cơ, Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành tập trung các biện pháp cần thiết để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Trong quá trình thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc, chủ động báo cáo, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Dư luận cho rằng chỉ đạo của Chính phủ, của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã rất đúng, rất trúng nguồn cơn. Nhưng điều quan trọng hơn là các địa phương sẽ thực hiện chỉ đạo trên ra sao, như thế nào? Sợ nhất là những bản Báo cáo sai sự thật, cho ra những nội dung đẹp trên giấy; nhưng thực tế thì trái ngược như vậy. Sợ nhất là những cán bộ địa phương sợ phải đối diện, phải chịu trách nhiệm với cái sai của mình trong quá khứ nên lấp liếm báo cáo láo.
Cần lắm một “bài thuốc” thật đắng, thật công hiệu từ Chính phủ và các cơ quan TW để trị những cán bộ, những địa phương này. Có như vậy mới hết tình trạng khiếu kiện kéo dài; tránh gây mệt mỏi cho cả người khiếu kiện, địa phương và Trung ương; tránh để kéo dài những nỗi oan khiên của người khiếu kiện nếu có.