Trước thực trạng này, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có văn bản gửi Ban soạn thảo Bộ luật tổ tụng hình sự sửa đổi và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, đề nghị bổ sung chức năng điều tra ban đầu cho cơ quan Thuế.
Tội phạm thuế gia tăng
Vụ án lập công ty “ma”, buôn bán hoá đơn, chiếm đoạt tiền tỷ của nhà nước tại công ty XNK mỏ Việt Bắc vừa bị công an Hà Nội bóc dỡ gây choáng váng dư luận. Có ý kiến nghi vấn: vì sao hoạt động mua bán hoá đơn tại doanh nghiệp này diễn ra trong một thời gian khá dài mà cơ quan thuế dường như không hay biết.
Trao đổi với báo giới chiều ngày 21/5, ông Nguyễn Hữu Ánh, Vụ trưởng Vụ Thanh tra Thuế (Tổng cục Thuế) cho biết chính cơ quan thuế đã phát hiện việc công ty Việt Bắc vi phạm pháp luật về thuế và có công văn gửi công an Hà Nội đề nghị phối hợp điều tra.
Theo báo cáo của Cục thuế Hà Nội thì từ tháng 10/2014 đơn vị này đã kiểm tra thuế tại Chi nhánh Tổng công ty Việt Bắc- Vinacomin tại 65 An Trạch, Đống Đa, Hà Nội. Qua kiểm tra Cục thuế Hà Nội phát hiện doanh nghiệp đã sử dụng 359 hoá đơn của 08 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh theo thông báo của các cơ quan thuế địa phương để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và hạch toán vào chi phí. Giá trị hàng hoá dịch vụ mua vào chưa thuế của 359 hoá đơn hơn 100 tỷ đồng, trong đó thuế giá trị gia tăng là hơn 10 tỷ đồng.
Cục Thuế Hà Nội tiếp tục yêu cầu Chi cục thuế Quận Thanh Xuân và Chi cục Thuế Quận Hà Đông cung cấp hồ sơ thuế liên quan đến 8 doanh nghiệp nói trên và nhận thấy các dấu hiệu bất thường. Có 4/8 doanh nghiệp hầu như chỉ viết hoá đơn cho chi nhánh Tổng công ty Việt Bắc- Vinacomin và chỉ hoạt động từ 2-3 năm rồi bỏ địa chỉ kinh doanh. Các khoản tiền chi nhánh này chuyển đi đều được rút ra tiền mặt ngay sau khi tiền vào tài khoản của 4 doanh nghiệp nói trên.
Xét thấy có các dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, Cục thuế Hà Nội đã có công văn gửi PC 46 Công an TP Hà Nội đề nghị phối hợp điều tra, xác minh vụ việc.
Đối tượng Dậu và La |
Ngày 15/6/2015, Công an TP Hà Nội đã tiến hành bắt 02 đối tượng là Nguyễn Thị Dậu và Lê Văn La, nhân viên phòng XNK chi nhánh Tổng công ty Việt Bắc- Vinacomin.
Tương tự, vụ công an TP Hải Phòng bắt giữ đường dây mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng với doanh số trên 800 tỷ đồng cũng bắt nguồn từ phát hiện ban đầu của cơ quan thuế.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thuế trên địa bàn, Cục thuế TP Hải Phòng đã phát hiện một số doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hoá đơn bất hợp pháp đã chủ động cung cấp thông tin cho công an thành phố điều tra, xử lý.
Cục thuế TP Hải Phòng cho biết đang phối hợp, cung cấp thông tin để công an thành phố tiếp tục điều tra, xử lý theo pháp luật.
“Vỏ quýt dày”, cần “móng tay nhọn”?
Theo ông Nguyễn Hữu Ánh, các vi phạm pháp luật thuế không chỉ ngày một gia tăng về số lượng mà còn ngày càng tinh vi, phức tạp do có sự cấu kết, móc nối giữa nhiều cá nhân, tổ chức, địa phương với nhau. Một số trường hợp còn liên quan đến cá nhân, tổ chức ở các quốc gia khác, đặc biệt là hoạt động chuyển giá diễn ra có tổ chức, liên kết giữa các công ty liên doanh, liên kết, tập đoàn đa quốc gia.
Trong khi đó, việc cơ quan thuế chỉ dừng lại ở hoạt động thanh tra chuyên ngành, phát hiện các dấu hiệu tội phạm về thuế mà không có thẩm quyền để trực tiếp chứng minh và khẳng định là tội phạm về thuế trước khi chuyển cho cơ quan công an điều tra, khởi tố đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Thực tế, các vụ án liên quan tới lĩnh vực thuế, khi chuyển sang cơ quan công an, đơn vị này cần khá nhiều thời gian để nắm bắt lại vụ việc từ đầu sau đó mới thành lập được chuyên án để điều tra. Thời gian điều tra, khởi tố vụ án thường kéo dài song số vụ án được khởi tố từ hồ sơ của cơ quan thuế chuyển sang có tỷ lệ rất thấp. Cơ quan công an sau 1-2 năm điều tra lại trả hồ sơ để cơ quan thuế xử lý hành chính.
Sau khi khởi tố vụ án về thuế, thông thường cơ quan công an có văn bản yêu cầu cơ quan thuế cử giám định viên để giám định số thuế vi phạm của doanh nghiệp làm căn cứ đưa vào hồ sơ đề nghị truy tố chuyển cho Viện kiểm sát.
Đối tượng Huyền và Hường trong vụ mua bán hoá đơn đỏ tại Hải Phòng |
“Thực tế trên cho thấy nếu cơ quan Thuế được giao chức năng thực hiện một số hoạt động điều tra ban đầu (như triệu tập đối tượng vi phạm, người làm chứng, lấy lời khai, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan đến vi phạm…) thì việc điều tra chỉ là bước tiếp sau vụ việc đã thanh tra nên sẽ thuận lợi cho việc nhanh chóng chứng minh và khẳng định tội phạm về thuế để chuyển cơ quan công an, rút ngắn thời gian khởi tố vụ án và kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi tội phạm về thuế”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.
Việc giao cơ quan Thuế chức năng điều tra thuế còn tạo điều kiện để cơ quan công an giảm tải các vụ việc mà cơ quan thuế chuyển sang như trước đây phải trả lại hồ sơ sau một thời gian thụ lý. Đồng thời đảm bảo sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật, tránh tình trạng chuyển quam chuyển lại kéo dài, đối tượng vi phạm pháp luật không bị xử lý hình sự cũng không bị xử phạt hành chính do hết thời hiệu xử lý.
Theo ông Nguyễn Hữu Ánh, hiện nay có trên 80 quốc gia trên thế giới đã có bộ phận điều tra thuế, nhiều nước còn có cảnh sát thuế. Tại các nước này, tội phạm thuế được phá hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, kịp thời.
Được biết, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có văn bản gửi Ban soạn thảo Bộ luật tổ tụng hình sự sửa đổi và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, đề nghị bổ sung chức năng điều tra ban đầu cho cơ quan Thuế.
PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.