Ngày lễ Thất tịch gắn liền với sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ, còn Việt Nam là "ông Ngâu - bà Ngâu"
Theo truyền thuyết, Ngưu Lang là một anh chàng chăn trâu tuy nghèo nhưng rất chăm chỉ, thiện lương đã dành được tình cảm của nàng tiên Chức Nữ - con gái út của Vương Mẫu Nương Nương. Nàng chuyên dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời. Hai người kết duyên vợ chồng, sống hạnh phúc bên nhau và có được 2 người con, một trai một gái.
Nhưng một ngày, Chức Nữ phải trở về thiên đình theo lệnh của Ngọc Đế. Ngưu Lang đau khổ đuổi theo, nhưng bị chặn lại bởi con sông Thiên Hà. Ngưu Lang cứ bên sông chờ đợi mãi. Cũng bởi vậy bên sông Thiên Hà xuất hiện thêm một vì sao, có tên là sao Ngưu Lang.
Cảm động trước tình cảm Ngưu Lang dành cho Chức Nữ, Vương Mẫu đồng ý cho cặp đôi hằng năm được gặp nhau, nhưng chỉ 1 lần, vào ngày 7/7 âm lịch.
Những nước lưu truyền truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ đã lấy ngày 7/7 làm lễ Thất tịch, coi là ngày biểu tượng cho tình yêu đôi lứa thủy chung.
Ở Việt Nam, chuyện có tình tiết rằng, mỗi khi Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau, họ lại khóc và nước mắt của họ rơi xuống trần gian hoá thành cơn mưa, "mưa nước mắt" rơi không liên tục, nên gọi là mưa Ngâu. Do vậy, người Việt Nam còn gọi họ là ông Ngâu bà Ngâu.
Có thể bởi lý do này nên ở Việt Nam, người ta thường không tổ chức đám cưới vào tháng 7 âm lịch vì ngại mưa dầm suốt tháng, có thể có gió bão và lo cuộc sống vợ chồng trắc trở, có thể bị chia ly, ít gặp nhau, giống vợ chồng Ngâu.
Ngày này các đôi lứa yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên bền vững, son sắt.
Ngoài ra, dân gian còn truyền rằng, những ai độc thân hay chưa có người yêu thì nên ăn đậu đỏ vào ngày lễ Thất Tịch để cầu nhân duyên, sớm gặp người như ý.
Với người đã có đôi có cặp thì ăn đậu đỏ sẽ mang lại nhiều may mắn, tình cảm bền vững. Từ đó, phong tục cầu duyên này trong ngày Thất Tịch được lưu giữ và ngày càng nở rộ trong giới trẻ.