Vì sao người trẻ ngày một... buồn?

“Buồn như con chuồn chuồn”, “Chán như con gián” là những cụm từ thông dụng với người trẻ. Và có một điều lạ lùng, đó là cuộc sống càng ổn định thì càng tỷ lệ thuận với sự buồn chán...

“Buồn như con chuồn chuồn”, “Chán như con gián” là những cụm từ thông dụng với người trẻ. Và có một điều lạ lùng, đó là cuộc sống càng ổn định thì càng tỷ lệ thuận với sự buồn chán...

Nỗi buồn cuối năm. Ảnh minh họa: MH
Nỗi buồn cuối năm. Ảnh minh họa: MH

Càng trẻ càng... buồn chán

Có một “điệp khúc” được lặp đi lặp lại trong những lời tâm sự từ các diễn đàn được chú ý nhiều nhất trên mạng của người trẻ: những nỗi buồn chán vu vơ, không rõ nguyên nhân dù chúng được gọi bằng những cụm từ rất ngộ nghĩnh, đã được giảm đi như “buồn như con chuồn chuồn” hay “chán như con gián”. Rất hiếm khi những nỗi buồn chán được nêu ra với một nguyên nhân cụ thể như trời mưa phải ở nhà: Buồn, đường ngập đi làm bị ướt: Chán, sợ ế chồng: Buồn hoặc cha mẹ bị ép lấy chồng: Chán...

Đã đi qua những cảm giác buồn chán, thất vọng, H.Dung - một nhân viên văn phòng quốc tế chia sẻ: “Một bộ phận giới trẻ ngày nay không quan tâm đến bất kỳ điều gì ngoài việc chạy theo những trào lưu đang thịnh hành và được cho là sự sành điệu của người trẻ thời @. Những giá trị vật chất đang khiến giới trẻ lóa mắt và mất phương hướng, lơ mơ về mục đích sống, về những giá trị tinh thần. Cuộc sống vì thế trở nên đơn điệu và nhàm chán”.

PGS.TS.Phạm Hồng Tung (ĐHQG HN) chia sẻ, một cuộc điều tra năm 2010 cho thấy, sau 5 năm, tình trạng bi quan, chán nản trong thanh niên có chiều hướng tăng lên một cách đáng lo ngại. Cụ thể, có 73,1% thanh niên từng có cảm giác buồn chán; 27,6% từng “rất buồn”, thấy mình vô tích sự đến nỗi làm cho bản thân không muốn hoạt động như bình thường. Có tới 21,3% từng thất vọng hoàn toàn về tương lai và 4,1% nảy sinh ý nghĩ tự tử.

Đặc biệt, xu hướng chung là càng ở nhóm tuổi trẻ hơn thì mức độ và tỷ lệ buồn chán càng cao. Có tới 75% người được hỏi trong độ tuổi 14-17 và 18-21 từng trải qua trạng thái đó, trong khi ở nhóm tuổi 22-25 là hơn 65%.

Trong cuộc khảo sát khác của PGS Tung, trong số trên 2.000 thanh niên tham gia trả lời thì có đến 84,5% cho biết họ “chưa bao giờ” nghĩ đến việc tự tử, nhưng cũng có 10,6% cho biết họ “hiếm khi”, 3,5% “thỉnh thoảng” và 1,4% “thường xuyên” hay “rất thường xuyên” nghĩ đến việc tự tử.

Lạnh lùng với chính mình

PGS.TS.Phạm Hồng Tung cũng cảnh báo người trẻ có xu hướng sống không lành mạnh đang gia tăng. Nhiều bạn trẻ có biểu hiện rõ về sự lạnh lùng, vô cảm với chính bản thân và các mối quan hệ xã hội. PGS.TS.Tung lấy dẫn chứng từ hàng loạt câu chuyện trẻ chán đời, rạch tay, đi hoang, tự tử; hay ra đường hiếm khi được chứng kiến cảnh học sinh giúp đỡ cụ già đi sang đường, giúp người bị nạn...

Theo ông Tung, thông thường thì tuyệt đại đa số thanh niên sẽ tự mình hoặc với sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường và bạn bè để vượt qua được các trạng thái khủng hoảng “buồn bã,” “chán nản.” Nhưng nếu trong những điều kiện nào đó, tình trạng khủng hoảng nói trên bị tác động theo chiều hướng tăng nặng thì sẽ là nguyên nhân chính làm cho thanh niên rơi vào xu hướng sống buông thả.

Khảo sát trên nhiều học sinh, sinh viên cho biết có 2,6% trả lời luôn có hung khí trong người và sẵn sàng hành xử bạo lực. Một yếu tố khiến học sinh vướng phải áp lực và có những suy nghĩ bất cần trong quãng thời gian đầu của cuộc đời, các em đang phải tham gia một cuộc đua từ lớp 1 đến lớp 12 để vào đại học. Theo PGS, TS Tung đó là cuộc chạy đua không mong muốn, cuộc chạy đua đó chỉ thích hợp với những người thích đua và chúng ta sớm phải chấm dứt nó.

TS.Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cũng đánh giá, chính vấn đề bạo lực gia đình cũng là yếu tố chủ yếu hun đắp đến hành vi bạo lực của con cái. “Nếu trẻ em thường xuyên phải chứng kiến cảnh cha đánh chửi mẹ (hoặc ngược lại) thì bé trai dần dần hình thành nhận thức rằng: làm đàn ông có quyền đánh phụ nữ và rồi khi trở thành chồng thì có quyền đánh đập vợ, không chỉ có vậy sẽ kéo theo quan niệm sống “kẻ nào mạnh thì kẻ đó thắng” và coi đó như một chân lý trong quan hệ xã hội” - TS.Trịnh Hòa Bình phân tích.

Một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn; bố mẹ đang chấp hành án phạt tù, mồ côi..., trẻ em thường bị tổn thương về tâm lý do tự ti, mặc cảm, thiếu thốn tình cảm dẫn đến mất phương hướng khi hành động, dễ bị lôi kéo vào những hành vi tiêu cực, phạm tội. Cùng với quan điểm về xã hội nhìn nhận lớp trẻ hiện nay, ông Tung cho rằng, xuất phát từ quá trình chuyển đổi không lành mạnh nên không thể tránh khỏi sự lệch lạc ở lớp trẻ. “Chúng ta vẫn có thể làm lành mạnh hóa  được quá trình chuyển đổi. Trẻ em, thanh niên hư muốn tốt lên thì người lớn cũng phải gương mẫu” -  PGS.TS.Tung cho biết.

4 xu hướng lối sống tiêu cực của thanh niên Việt Nam hiện nay

- Buông thả bản thân; hành xử hung bạo, bất chấp pháp luật.

- Ích kỷ, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm và nhiệt tình của tuổi trẻ.

- Sống hời hợt, a dua theo các trào lưu “thời thượng”

- Tiếp thu xô bồ ảnh hưởng văn minh, văn hóa từ bên ngoài.

Miên Thảo

Đọc thêm