Vì sao Phó Chủ tịch UBND TP HCM cùng 4 thuộc cấp bị khởi tố?

(PLVN) - Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến bị cho là đã ký quyết định chấp thuận cho Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (Sagri) chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B cho Tổng công ty CP Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2), thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước. 
Vì sao Phó Chủ tịch UBND TP HCM cùng 4 thuộc cấp bị khởi tố?

Phó Chủ tịch UBND TP HCM mắc sai phạm gì?

Ngày 11/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1000/QĐ-TTg về việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Trần Vĩnh Tuyến (SN 1965, Phó Chủ tịch UBND TP HCM). Quyết định nêu rõ tạm đình chỉ công tác đối với ông Trần Vĩnh Tuyến do đã có hành vi vi phạm pháp luật trong công tác.

Cùng ngày, Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra các quyết định khởi tố bị can về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với các ông, gồm: Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn (SN 1969, Phó chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM), Phan Trường Sơn (SN 1967, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, nguyên Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP HCM), Trần Quốc Đạt (SN 1963, Phó trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP HCM) và Lê Tấn Hòa (SN 1977, chuyên viên Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP HCM).

Trong đó, Cơ quan CSĐT đã bắt tạm giam các bị can Phan Trường Sơn, Trần Quốc Đạt và Lê Tấn Hòa. Riêng 2 bị can Trần Vĩnh Tuyến và Trần Trọng Tuấn bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo Bộ Công an, việc khởi tố ông Trần Vĩnh Tuyến cùng 4 bị can nêu trên có liên quan đến sai phạm trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Sagri.

Sau khi VKSND Tối cao (Vụ 5) phê chuẩn các quyết định nêu trên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng theo đúng quy định. Cơ quan CSĐT đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các bị can, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định.

Ông Tuyến bị cho là đã ký quyết định chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B (quận 9, TP HCM) cho Tổng công ty CP Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2), thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước. Quyết định này được ông Tuyến căn cứ vào tờ trình tham mưu, đề xuất của Sở Xây dựng do Trần Trọng Tuấn ký.

Các bị can Trần Vĩnh Tuyến (trái) và Trần Trọng Tuấn (ảnh Bộ Công an)
 Các bị can Trần Vĩnh Tuyến (trái) và Trần Trọng Tuấn (ảnh Bộ Công an)

Theo Thanh tra TP HCM, giao dịch của Sagri diễn ra năm 2016 (ông Lê Tấn Hùng là Tổng giám đốc), giá chuyển nhượng trên còn thấp hơn giá Tổng công ty CP Phong Phú huy động vốn từ khách hàng 3 năm trước (gần 14 triệu đồng/m2) và thấp hơn giá chuyển nhượng của dự án liền kề (hơn 29 triệu đồng/m2).

Trong dự án này, Sagri sử dụng 3,75ha đất hợp tác với giá trị vốn góp có tỷ lệ 28%, Tổng công ty CP Phong Phú là 72%. Kết luận thanh tra đánh giá, Sagri chuyển nhượng vốn góp (thực chất là chuyển quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật) cho Tổng công ty CP Phong Phú, nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường là vi phạm Nghị định 91/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Việc Sagri không thuê thẩm định giá khi chuyển nhượng dự án cũng bị cho là vi phạm Nghị định 91/2015 của Chính phủ; ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng công ty CP Phong Phú trong việc phân chia lợi nhuận (tỷ lệ cố định mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh) là không đảm bảo quyền lợi cho Sagri.

Liên quan đến dự án này, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND TP HCM khẳng định việc chuyển nhượng dự án đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và kiến nghị UBND TP chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án. Từ tờ trình của Sở Xây dựng, ông Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án cho Tổng công ty CP Phong Phú.

Đến cuối tháng 7/2019, UBND TP HCM đã có quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định trước đây đã chấp thuận cho chuyển nhượng dự án. Sagri và Tổng công ty CP Phong Phú phải trả, chuyển giao những gì đã nhận của nhau trước đây và “cam kết không thắc mắc khiếu nại gì về sau”. Tuy nhiên, việc này đã không được thực hiện do Bộ Công an đã vào cuộc điều tra, bắt tạm giam ông Lê Tấn Hùng.

Liên quan đến vụ án này, đầu tháng 7/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với các ông, bà, gồm: Lê Tấn Hùng (SN 1963, nguyên Tổng giám đốc Sagri), Vân Trọng Dũng (SN 1967, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Sagri), Nguyễn Thành Mỹ (SN 1959, nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư Sagri) và Nguyễn Thị Thúy (SN 1966, nguyên kế toán trưởng Sagri).

Hàng loạt sai phạm tại Sagri 

Theo Thanh tra TP HCM, các sai phạm tại Sagri xảy ra từ năm 2004, liên quan đến công tác quản lý tài chính, đầu tư, hợp tác đầu tư, chuyển nhượng dự án, mua sắm, đấu thầu... Những sai phạm này kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến 18 lãnh đạo chủ chốt của Sagri trong hội đồng thành viên, ban tổng giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên... 

Ngoài sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B, tại Sagri và công ty trực thuộc còn xảy ra phi vụ chuyển nhượng hơn 3,6ha đất tại xã Cửa Cạn (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) của Công ty CP lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex - công ty thành viên của Sagri và Sagri chiếm hơn 26% vốn góp) cho một cá nhân với giá 280.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường của khu đất là khoảng 3 triệu đồng/m2. Việc này cũng vi phạm hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Kiên Giang.

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra còn xác định Sagri có các sai phạm trong những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất “khủng”, nhưng không xin ý kiến của UBND TP HCM hoặc chưa được chấp thuận giao đất, chưa thực hiện thủ tục thu hồi đất như: dự án cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò (huyện Bình Chánh, TP HCM) sử dụng hơn 89ha đất; hai dự án đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 452ha (xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP HCM) và 140ha (xã Phạm Văn Hai, huyện Củ Chi)…

Các bị can Lê Tấn Hòa, Phan Trường Sơn, Trần Quốc Đạt (từ trái qua, ảnh Bộ Công an)
Các bị can Lê Tấn Hòa, Phan Trường Sơn, Trần Quốc Đạt (từ trái qua, ảnh Bộ Công an) 

Thanh tra TP HCM cũng phát hiện tại Sagri và các đơn vị thành viên có nhiều sai phạm về tài chính khác. Điển hình là qua kiểm tra ngẫu nhiên hồ sơ mua sắm tài sản cố định (12/30 gói mua sắm), cơ quan thanh tra nhận thấy việc mua sắm tài sản cố định tại Sagri và các đơn vị phụ thuộc chưa đảm bảo đầy đủ về trình tự thủ tục quy định tại luật Đấu thầu 2013, Nghị định số 63/2014 của Chính phủ và quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, khi thực hiện các dự án đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, Sagri không làm thủ tục công khai kết quả lựa chọn nhà thầu 4 dự án: thảm nhựa đường từ đường Lê Đức Thọ vào cổng Trung tâm Giết mổ gia cầm An Nhơn; sửa chữa nhỏ tại Trung tâm Giết mổ gia cầm An Nhơn; nhà màng trồng dưa lưới tại Trung tâm Giống thủy sản và cây trồng; sửa chữa nhà văn phòng, nạo vét kênh nội đồng tại Trung tâm Giống thủy sản và cây trồng.

Được biết, ngày 26/7/2019, tại phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kết luận bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Sagri vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Đọc thêm