Vì sao Thành Nhà Hồ chưa thực sự 'hút' du khách?

(PLO) - Thành Nhà Hồ thuộc tỉnh Thanh Hóa được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít thành đá còn lại trên thế giới. Thành đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, tuy nhiên việc khai thác và phát huy thế mạnh du lịch tại công trình di sản này vẫn chưa được hiệu quả.
Thành Nhà Hồ

Khai thác du lịch khiêm tốn

Thành Nhà Hồ từng là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của nước ta vào cuối triều Trần và kinh đô của nước Đại Ngu trong 7 năm (1400-1407) với tên gọi chính thức là Tây Đô. Dù chỉ tồn tại 7 năm dưới triều nhà Hồ, nhưng đây là một công trình kiến trúc độc đáo của nước ta, một di sản quý báu, một biểu tượng kiệt xuất của những công trình thành cổ. Có thể nói, nhìn trên bình diện nào, dù là kiến trúc, lịch sử, văn hóa hay khảo cổ, Thành Nhà Hồ đều “phát lộ” ánh hào quang của riêng nó. 

Từng đóng vai trò là nơi giao lưu, trao đổi các giá trị văn hóa giữa Việt Nam với các nước Đông Á và Đông - Nam Á; nơi duy nhất ghi dấu ấn đặc biệt trong việc thực hiện các quyết định cách tân đất nước của vương triều Hồ, góp phần thúc đẩy và tăng cường các trào lưu tư tưởng mới ở Việt Nam và khu vực... Ngày nay, Thành Nhà Hồ trở thành chứng nhân lịch sử và những giá trị tự thân của nó đương nhiên đã mang “tầm” thế giới khi chính thức ghi tên mình vào “ngôi đền” di sản văn hóa nhân loại. 

Độc đáo và kỳ vĩ như vậy, nhưng kể từ khi Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đến nay thì lượng khách du lịch khai thác được tại di sản này hết sức khiêm tốn. Thống kê cho thấy, năm 2011, khi Thành Nhà Hồ được công nhận di sản văn hóa thế giới thì lượng khách đến đây trong năm đạt khoảng 100 nghìn lượt. Và sau khoảng thời gian 7 năm, năm 2017, lượng khách đến nơi này vẫn nằm ở con số ước đạt khoảng 100 nghìn lượt. 

Lý giải về điều này, TS. Đỗ Quang Trọng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Thành Nhà Hồ thẳng thắn: “Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến thực trạng di sản chỉ còn lại duy nhất bức tường thành bao quanh, còn các công trình bên trong thì hầu như đã bị thời gian vùi lấp. Với thực tế đó, lượng khách đến di sản chủ yếu mới chỉ là các nhà nghiên cứu lịch sử, các đoàn khách sinh viên, trường học... còn các tour khách khác thì hầu như rất ít. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phụ trợ còn thiếu và yếu cũng là một trong những nguyên do quan trọng ảnh hưởng tới sự “hấp dẫn” của di sản với du khách”.

Khó khăn, lúng túng khi quy hoạch phát triển du lịch 

Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ được UNESCO ghi vào danh mục Di sản văn hóa thế giới từ năm 2011. Cùng với việc xây dựng hồ sơ khoa học đề cử UNESCO, tỉnh Thanh Hóa cũng đã xây dựng và ban hành kế hoạch quản lý Di sản Thành Nhà Hồ với tầm nhìn dài hạn trong 30 năm (từ năm 2010 đến năm 2040). 

Căn cứ theo Luật Di sản văn hóa và quy chế quản lý bảo vệ của di sản, khu vực I Thành Nhà Hồ là khu vực bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, do nhu cầu đời sống, còn 292 hộ dân đang sinh sống trong khu vực I di sản (thuộc xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long) vẫn đang xây dựng nhà cửa và các công trình dân sinh. Điều này đã và đang gây ra không ít khó khăn, lúng túng trong quá trình quản lý, bảo vệ di sản của chính quyền địa phương và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ. 

Bên cạnh đó, hiện còn 155,5 ha đất thuộc khu vực Thành Nội vẫn thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương và người dân vẫn đang canh tác, sản xuất lúa, hoa màu trong khu vực bảo vệ đặc biệt. Thực trạng này đang và sẽ gây ảnh hưởng đến kiến trúc khảo cổ của di sản, cũng như gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn di sản. Trong khi đó, kế hoạch quản lý mới chỉ phát huy hiệu quả ở công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản, còn các lĩnh vực khác như phát triển du lịch cộng đồng, quản lý chiều cao xây dựng trong khu vực đệm, định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế dịch vụ cho người dân trong khu vực di sản còn gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch” là quy hoạch sát, đúng, phù hợp với tình hình thực tế cũng như điều kiện của di sản. Đồng thời, quy hoạch có độ tin cậy khoa học cao do có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu. Theo đó, quy hoạch này có tính khả thi cao, nếu yêu cầu về vốn được đáp ứng đúng, đủ, kịp thời. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn lớn nhất, khiến cho việc triển khai thực hiện quy hoạch đang gặp không ít khó khăn. 

Đơn cử như dự án khai quật khảo cổ tổng thể Khu Di tích Thành Nhà Hồ đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt có tổng diện tích 56.000m2, với tổng mức đầu tư 87,486 tỷ đồng, thời gian triển khai từ năm 2013-2020. Năm 2015, dự án được cấp kinh phí 2 tỷ đồng để thực hiện khai quật di tích Hào thành phía Nam (2.000m2), đến năm 2016, dự án được cấp thêm 2 tỷ đồng để khai quật Hào thành phía Bắc (3.000m2). Như vậy, với kinh phí được cấp mới đạt 4,57% tổng số dự toán được duyệt và diện tích khai quật là 5.000m2/56.000m2, chiếm tỷ lệ 8,9% tổng diện tích khai quật, hiện  dự án đã chậm 61% diện tích khai quật so với tiến độ (theo lộ trình đến năm 2017 phải hoàn thành 70% tổng diện tích khai quật), nên rất khó để hoàn thành trong năm 2020. 

Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 3034/QĐ-UBND ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ có hiệu lực từ ngày 1/9/2017, thay thế Quyết định 2298/QĐ-UBND ngày 2/8/2007. Theo đó, tổng diện tích quy hoạch của di sản sẽ được nâng lên trên 5.200 ha. Trong đó, diện tích vùng lõi - khu vực bảo tồn đặc biệt là 155 ha, bao gồm: Thành nội; La Thành; Đàn tế Nam Giao; diện tích vùng đệm trải dài trên địa bàn 9 xã, thị trấn. Và vùng không gian kiến trúc cảnh quan di tích Ly cung (thuộc huyện Hà Trung)...

Với Quyết định 3034 về việc quy hoạch không gian bảo tồn di sản, các đơn vị chức năng và địa phương đã lập kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân các địa phương nằm trong vùng quy hoạch nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn di sản, trên tinh thần nhân văn. Vì chỉ khi người dân hiểu và nhận thức được hết giá trị của di sản thì công cuộc bảo vệ, phát huy giá trị di sản mới thực sự đạt được kết quả như kỳ vọng.

Ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa khẳng định: "Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm to lớn của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Để di sản quý giá về mặt lịch sử văn hóa này đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương Thanh Hóa nói riêng và của cả nước nói chung cần phải có sự vào cuộc, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành và toàn thể nhân dân. Hy vọng trong tương lai không xa chúng ta sẽ tự hào về một di sản thế giới Thành Nhà Hồ là trung tâm du lịch của cả nước, là một biểu tượng văn hóa - du lịch của tỉnh Thanh Hóa". 

Đọc thêm