Hành xử như vậy họ không hề biết rằng ở góc độ pháp luật quốc tế và quốc gia, có những quy định về vấn đề giới hạn việc thực hành tôn giáo nếu có nguy cơ làm ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng.
Nhiều ổ dịch liên quan việc thực hành tín ngưỡng của tôn giáo
Đầu năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành trên toàn cầu, tin tức liên tục đưa về các ổ dịch bệnh lớn trên thế giới liên quan việc thực hành tín ngưỡng của các tôn giáo.
Tại Hàn Quốc, khoảng 60% ca nhiễm ở Hàn Quốc liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa, nơi có nữ tín đồ phát tán virus tại các buổi lễ ở nhà thờ tại Daegu. Việc giáo phái thực hiện các hoạt động với hình thức nghi lễ mà các tín đồ không được đeo kính, khẩu trang, ngồi gần nhau, hát Thánh ca khi có người nhiễm bệnh là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh lây nhanh. Thêm vào đó, người đứng đầu giáo phái này đã có những hành vi chống đối và ngăn cản nhà chức trách trong việc điều tra kiểm soát bệnh dịch ngay từ ban đầu đã khiến cho Hàn Quốc rơi vào tình trạng khẩn cấp trong việc kiểm soát dịch.
Tại Iran vào thời điểm đó số người nhiễm bệnh tăng từng ngày và trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, dù được khuyến cáo là không tụ tập đông người nhưng tại các nhà thờ Hồi giáo vẫn mở cửa thường xuyên đón tiếp các tín đồ. Tại Hồng Kong, có ổ dịch Covid-19 với 7 bệnh nhân dương tính ở chùa Phúc Huệ Tịnh (Tuệ Tinh Xá tại Hồng Kông).
Ngày 30/3/2020, cơ quan chức năng Florida (Mỹ) đã bắt giữ một mục sư vì tổ chức buổi lễ ngày chủ nhật với hàng trăm giáo dân, vi phạm lệnh cấm ra đường để ngăn dịch COVID-19 lây lan của chính quyền địa phương. Với hơn 6.000 ca Covid-19, vụ bắt giữ mục sư đánh dấu biện pháp mạnh tại bang Florida trong cách xử lý dịch bệnh và nhấn mạnh thực tế khó khăn của nhiều điểm thờ phụng trên khắp thế giới…
Qua những ví dụ trên có thể thấy, hoạt động tôn giáo là một trong những hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ cộng đồng đặc biệt trong tình trạng có những dịch bệnh mới.
Việt Nam là một đất nước có sự đa dạng tôn giáo rất lớn, đứng thứ 3 trên thế giới sau Singapore và Đài Loan. Số người tham gia và thực hành ở các tổ chức tôn giáo năm 2019 là khoảng 26,6 triệu người, chiếm khoảng 27% dân số. Trong giai đoạn dịch bệnh đầu năm và lần bùng phát thứ hai này, thực hiện nghiêm chỉ đạo từ Chính phủ, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam luôn nghiêm túc chấp hành các yêu cầu về giãn cách xã hội, kịp thời có điều chỉnh các hoạt động tôn giáo để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh.
Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người dân bỏ qua những cảnh báo về việc lây lan dịch bệnh thông qua việc thực hành tín ngưỡng tôn giáo để tụ tập đông người, cầu nguyện, như câu chuyện chen vai thích cánh để làm lễ ngày 1/7 âm lịch mới đây tại Phủ Tây Hồ, Hà Nội. Từ đây, một câu hỏi đặt ra là liệu trên thế giới và ở quốc gia, pháp luật có giới hạn nào với việc thực hành tín ngưỡng tôn giáo, nếu như điều đó gây ảnh hưởng đến sự an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng?
|
Đức Cha Paul D. Etienne, Tổng Giám mục Địa phận Seattle (Mỹ), livestream Thánh lễ bằng điện thoại di động ngày 28-3-2020 - Ảnh AP. |
Giới hạn việc thực hành tôn giáo nếu ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng
Trong bài nghiên cứu mình đăng tải trên website của Ban Tôn giáo Chính phủ, ThS luật Nguyễn Thị Phượng - Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam; ThS. ngành Nghiên cứu Châu Á học, Đại học Nanyang Teachnological University, Singapore nhấn mạnh, vì Việt Nam là một đất nước có sự đa dạng tôn giáo rất lớn, đứng thứ 3 trên thế giới sau Singapore và Đài Loan nên Hiến pháp và pháp luật Việt Nam xác định những giới hạn của quyền tự do thực hành tôn giáo để đảm bảo sức khoẻ cộng đồng.
Cụ thể, theo Điều 24, Chương II Hiến pháp 2013, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền con người, quyền công dân, một quyền hiến định tại Việt Nam. Quyền này được quy định cụ thể ở Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016: quyền tự do thực hành tôn giáo, tham gia các sinh hoạt tôn giáo của những người có tôn giáo đặc biệt được tôn trọng và bảo đảm. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, quyền này cũng như các quyền con người, quyền công dân khác sẽ bị hạn chế nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng theo Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013.
“Điều này có nghĩa Hiến pháp cũng tạo ra những nền tảng để giới hạn việc thực hành tôn giáo có nguy cơ làm ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng. Sức khoẻ cộng đồng được hiểu là một căn cứ để Nhà nước đưa ra các biện pháp hạn chế một quyền vì nếu thực hiện quyền đó có thể đe doạ nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân hoặc các cá nhân thành viên của cộng đồng. Quy định này của Việt Nam là phù hợp với Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người năm 1966 (ICCPR 1966). Theo Khoản 3, Điều 18, ICCPR 1966 thì “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo và tín ngưỡng chỉ có thể hạn chế bởi pháp luật và khi sự hạn chế đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Theo đó, việc hạn chế quyền thực hành tôn giáo nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng có những nền tảng từ Hiến pháp, pháp luật và các quy định của Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia” - ThS Nguyễn Thị Phượng phân tích.
Cũng theo ThS Nguyễn Thị Phượng, bối cảnh để giới hạn quyền thực hành tôn giáo nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng chính là nguy cơ lây nhiễm, truyền bệnh ra cộng đồng của các hoạt động thực hành tôn giáo. Trong bối cảnh đó, thì các cá nhân, tổ chức tín ngưỡng tôn giáo cần phải tạm ngừng các hoạt động liên quan tới việc tập trung các tín đồ đến cầu nguyện, lễ, cúng bái...nhằm hạn chế sự lây lan nhanh chóng của bệnh tật. Các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo cần phải cung cấp những thông tin chính xác của những người tham gia các hoạt động thực hành tôn giáo ở tổ chức mình cho nhà chức trách để kịp thời thông tin và tiến hành các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo cho sức khoẻ của các tín đồ và cộng đồng; phải chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng và phải chịu trách nhiệm về các hành vi cản trở việc phát hiện và xử lý các vấn đề làm ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng.
Để có những giải pháp tạm thời cho các tín đồ của mình để nhằm đảm bảo niềm tin của các tín đồ với tín ngưỡng, tôn giáo đồng thời không làm ảnh hưởng tới cộng đồng xung quanh, thì các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo có thể thực hành tôn giáo có thể tiến hành online dựa trên sự tiến bộ của công nghệ thông tin. Các tín đồ vẫn có thể theo dõi được sự giảng dạy, hướng dẫn, hay lời chỉ bảo của các giáo chủ thông qua những sự trợ giúp của công nghệ…
“Cần biết rằng, việc hạn chế quyền tự do thực hành tôn giáo vì sức khoẻ cộng đồng này mang tính thời điểm, có giới hạn theo sự diễn biến của các tác nhân gây ảnh hưởng sức khoẻ cộng động. Trong thời gian dịch bệnh thì quyền này sẽ bị hạn chế nhưng sau khi việc kiểm soát dịch bệnh và sự biến đổi tình hình dịch bệnh theo hướng tích cực sẽ là cơ sở để xác định việc chấm dứt việc hạn chế quyền này” – theo ThS Nguyễn Thị Phượng.
Hướng dẫn của WHO cho người đứng đầu các tôn giáo và cộng đồng có đức tin trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, những hoạt động thực hành tín ngưỡng, tôn giáo từ xa, sử dụng công nghệ, thực hành nghi lễ, chôn cất an toàn, liên kết cộng đồng, ứng phó với các tình huống bạo lực gia đình, giúp đỡ người khác, cầu nguyện đặc biệt cho người bệnh bằng những thông điệp về hy vọng và sự an ủi… đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO đưa ra với những khuyến nghị cụ thể.
Cụ thể đó là, tiến hành các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng từ xa/trực tuyến; Sử dụng công nghệ để duy trì cộng đồng và tiếp tục thờ phụng; Sử dụng phương tiện công nghệ thấp để duy trì các thực hành tín ngưỡng trong cộng đồng; Nghi lễ an toàn; Thực hành chôn cất an toàn; Tăng cường sức khỏe tinh thần và khả năng ứng phó với dịch bệnh; Giữ mối liên kết giữa mọi người trong cộng đồng; Giúp đỡ người khác; Giúp các tín đồ kiểm soát tốt cảm xúc khi tiếp nhận các thông tin đáng lo ngại về dịch bệnh nhân; Ứng phó với các tình huống bạo lực gia đình; Cầu nguyện đặc biệt cho người bệnh bằng những thông điệp về hy vọng và sự an ủi.