Vị Thủ khoa một lòng vì nước: Thà chết chứ không ham tước lộc

(PLO) -Thân rơi vào tay thực dân Pháp, anh hùng Nguyễn Hữu Huân bị bắt lưu đày. Những tưởng khuất phục được ý chí, tấm lòng với nước của vị Thủ khoa họ Nguyễn, nhưng giặc Pháp đã nhầm. Khi thoát khỏi chốn lao tù, ông lại tiếp tục đứng vào trận tuyến yêu nước chống Pháp. Và dù thân bị lụy về sau, nhưng lòng trung trinh ái quốc, như ngọc sáng không mờ. 
 

 

Đền thờ cụ Nguyễn Hữu Huân (Ảnh: Đỗ Minh Tiến)
Đền thờ cụ Nguyễn Hữu Huân (Ảnh: Đỗ Minh Tiến)

Bị quan tỉnh An Giang giao cho thực dân Pháp, xem như số mạng Nguyễn Hữu Huân đã “cá nằm trên thớt” rồi. Lúc này, lo cho chồng, trong “Những danh sĩ miền Nam” cho biết, vợ ông là bà Lê Thị Lộ “liền đến An Giang đầu đơn để xin tha, nhưng không được”. 

Lưu đày nơi xứ lạ

Nguyễn Hữu Huân bị Pháp đưa về Sài Gòn giam giữ, biết vợ vì mình như thế, ông lấy làm cảm động lắm, bèn làm thơ mà ca ngợi sự can đảm của bà, rằng:

Xem qua thư gửi rất kinh hoàng,

Nhi nữ chà chà cũng lớn gan…

… Tiết khí dưới trần coi ít mặt,

Cang thường càng chuộng gánh giang san. 

Thế rồi, với những việc ông đã làm cho người Pháp bao phen vất vả đánh dẹp, nên việc Thủ khoa Huân bị định tội là lẽ dĩ nhiên. Dẫu thế, theo “Văn học miền Nam Lục tỉnh”, thì ban đầu người Pháp nhờ Đỗ Hữu Phương là tay sai, vốn có quen biết ông để chiêu dụ, ấy vậy “Phương đem chức tước lợi quyền ra thuyết phục ông, nhưng bị ông nạt ngay: Đầu ta thà chặt, thân ta không hàng”.

Theo “Định Tường Thủ khoa Huân tiểu truyện”, thì năm Giáp Tý (1864)“chính quyền Pháp kết án Nguyễn Hữu Huân mười năm khổ sai, đày ra biển cả ở Nam Mỹ châu, tục gọi là Cai-danh (tức Cayenne)”. 

Dù phải ly hương, thân bị trói buộc nơi đất xa lạ, nhưng anh hùng họ Nguyễn, vẫn một lòng trung trinh cứng cỏi, “tuy ở trong vòng tù tội, mặt nước bèo trôi, góc bể chân trời, xa lìa xứ sở mà không hề hối hận. Tuy chưa hưởng tước lộc của triều đình, song nợ nước ơn vua, nhưng mong báo đáp, còn như việc hư thành bại, không thể bàn được, cho nên thường làm thơ để giải nỗi buồn”.

Thơ ông làm nơi Cayenne (trong “Hồ sơ cá nhân Đỗ Hữu Phương”, thì nơi ông bị đày là Cayenne, thủ phủ của xứ Guyanne thuộc Pháp, còn “Những danh sĩ miền Nam” và “Văn học miền Nam Lục tỉnh” lại cho rằng, ông bị đày nơi đảo Bòn Bon, tức đảo Réunion thuộc Pháp), được sách “Lửa thiêng sống mãi: Trương Định, Thủ khoa Huân” ghi lại (bài Trong lúc bị đày), rằng:

Muôn việc cho hay số ở trời,

Cái thân chìm nổi biết là nơi.

Mấy hồi tên đạn ra tay thử,

Ngàn dặm non sông dạo gót chơi.

Chén rượu Tân Đình nào luận tiệc,

Câu thơ cố quốc chẳng ra lời.

Cang thường bởi biết mang nên nặng,

Hễ đứng làm trai chác (chuốc) nợ đời.

“Danh sĩ miền Nam” cho hay ông bị lưu đày 5 năm, tương ứng thời gian 22/8/1864 đến ngày 4/2/1869. Hồ sơ cá nhân Đỗ Hữu Phương, một tay sai đắc lực cho Pháp cho ta biết, nguyên cớ ông được ân xá, đó là “Ông ta (Phương) đã xin chính phủ Pháp ân xá cho một số đông những đồng bào của ông ta cầm võ khí chống lại chúng ta”… “một trong những người bạn hồi thơ ấu của ông ta, Thủ khoa Huân dính líu trong một vụ phiến loạn, từng bị đày đi Cayenne, được ân xá theo đề nghị của Phương”. 

Nguyễn Hữu Huân
Nguyễn Hữu Huân

Hồn về tiên cảnh

Được ân xá về nước, nhưng trong mắt người Pháp, Nguyễn Hữu Huân không phải đã trở nên vô hại, người Pháp vẫn dè chừng và luôn để mắt tới mọi động tĩnh của ông: “Phương được giao phải giám sát và đã nuôi tên ấy trong nhà suốt ba năm”.

Nhưng chúng đâu ngờ rằng, anh hùng ẩn nhẫn đợi thời, vì thế, chúng phải nhận ra một thực tế rằng “Huân đã lạm dụng lòng tin của Phương, núp dưới danh nghĩa Phương mà chiêu tập bè đảng”. 

Khi ân xá cho ông, Phương thay chính quyền thực dân mà giám sát ông, chúng cho ông làm giáo thụ tại Đề Ngạn thuộc Chợ Lớn, một vị trí rõ là hợp với sở học và danh vị khoa bảng của ông. Nhưng, tâm trí của ông, dù bao năm bị lưu đày thân xác, mà lòng vẫn nặng nợ nước non, bởi thế nên như “Định Tường Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện” cho biết:

“Được một năm, vào tháng 12 năm Quý Dậu (tức năm 1873), Nguyễn Hữu Huân mưu đồ phục quốc, nên tuy Đỗ Hữu Phương đối đãi rất ân cần mà ông trong lòng vẫn không chịu thôi, bi phẫn khôn xiết, một dạ quật cường. Nửa đêm, ông làm một bài thơ để lại cho Đỗ Hữu Phương rồi lén trốn đi”. 

Thủ khoa Huân sau khi rời nhà Phương, thì về An Giang, quyết dựng cờ nghĩa tiếp tục chống Tây. Về quê, ông bán hết ruộng đất, lạc quyên bà con, lại hội quân khởi nghĩa. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu, thì “Trong năm 1874, Thủ khoa Huân sau khi liên lạc được với các đồng chí cũ còn sống sót, trong số đó có ông Trần Khai Kim, bèn chiêu mộ nghĩa binh, lại kéo cờ nghĩa đứng lên quyết chiến. Nhiều đồn trại giặc trong tỉnh Định Tường bị tấn công. Nhưng lúc nầy sức mạnh của Pháp có thừa vì đã đánh thắng tại nhiều nơi khác, nên dồn mũi tấn công vào Thủ khoa Huân. Ông bị bắt”. 

Sau khi bắt được ông, Pháp giam ông nơi nhà lao 4 ngày. Những giờ phút cuối cùng của người anh hùng họ Nguyễn, được “Định Tường Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện” ghi lại. Theo đó, ngày 15/4 năm Ất Hợi (1875), ông bị hành hình. Tàu chiến đưa ông về nguyên quán, thôn Tịnh Hà để hành quyết.

Ông xin được làm lễ tạ quân vương, cha mẹ, rồi làm bài thơ tỏ ý mình: “Lúc ấy đao phủ là tên Cai Lỵ thấy tình cảnh như vậy, rất là thương xót, sa lệ không nỡ hạ thủ. Nguyễn Hữu Huân bảo rằng: “Người cứ làm nhiệm vụ, chớ vì một mình ta mà lụy cả đời ngươi”.

Ông nói xong, đao phủ thấy người này có lòng trung vua yêu nước, thà chịu tử hình chứ không ham tước lộc, bèn cúi lạy người ngay bốn lạy, khấn cho hồn ông được siêu thăng. Nguyễn Hữu Huân vươn cổ chịu chém. Khách đi đường, người buôn bán qua ai thấy thế không ai không than thở, có người còn rơi nước mắt, lấy làm thương tiếc”. 

Cái chết của ông, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào, đồng chí, như bài “Điếu giải nguyên Nguyễn Hữu Huân” của chí sĩ Phan Tây Hồ, đã tỏ bày phần nào sự ngưỡng vọng dành cho ông:

Buồn thay, thế nước như treo tóc,

Chết vậy! Thân trai chẳng cúi đầu.

Mười dặm sông Tho ầm sóng hận,

Trăng suông, thuyền quạnh xiết bao sầu. 

Mộ cụ Nguyễn Hữu Huân. (Ảnh: Đỗ Minh Tiến)
Mộ cụ Nguyễn Hữu Huân. (Ảnh: Đỗ Minh Tiến)

Túi thơ thi sĩ

Xuất thân, thành danh từ giáo dục Nho học, nên Nguyễn Hữu Huân, cũng lấy đó làm lợi khí để tấn công quân địch. Tỉ như khi Pháp cử Tôn Thọ Tường dụ hàng Trương Định, Nguyễn Hữu Huân như ghi chép trong “Những danh sĩ miền Nam”, ông đã “làm bài Văn tế chó để chửi bọn Việt gian bán nước mà Tôn Thọ Tường là kẻ tiêu biểu”.

Trong “Văn học Việt Nam nơi miền đất mới” đã nhận định, dù khi nói về Nguyễn Hữu Huân, thì ông là một chiến sĩ trên mặt trận ngoại xâm hơn là một thi sĩ, “Tuy vậy trên bước đường chống Pháp ông đã dùng văn chương như một thứ vũ khí hỗ trợ cho công cuộc diệt thù cứu nước”. 

Dõi theo cuộc đời Thủ khoa Huân, dễ nhận thấy, thơ ông đều gắn liền với những quãng thời gian cụ thể trong cuộc đời ông. Như lúc bị lưu đày, ông làm bài “Trong lúc bị đày”, một bài thơ “chưa chan xúc cảm về lòng yêu nước, thương dân sâu sắc về thân phận và lòng kiên trinh bất khuất của mình” mà chúng ta được biết qua phần ghi chép phía trên. Ở nơi lưu đày, hồn thơ ông vẫn không ngừng tuôn chảy, với những “Có ai tri kỷ”, “Hò khoan”, “Nỗi lòng”… 

Dù phận tù đày, bị xiềng xích, nhưng ông vẫn nặng lòng với nước để lo lắng trước vân nước, băn khoăn với trách nhiệm kẻ làm trai, ví như nơi bài “Hỏi đon”:

Tùng cúc ngày xưa thấy cũng còn,

Thân nay chẳng thẹn với non sông.

Miếu đường xa cách niềm tôi chúa,

Gia thất buộc ràng nghĩa vợ con. 

Ngay cả trước lúc bị hành hình, nỗi lòng cùng chí lớn của người yêu nước ấy, còn được tỏ qua bài thơ tuyệt mạng, được “Văn học miền Nam Lục tỉnh” ghi lại (dẫu còn băn khoăn về độ xác thực): 

Oằn oại hai vai quân tử trúc,

Lung lay một cổ trượng phu tòng.

Thác về đất Bắc danh còn rạng,

Sống ở thành Nam tiếng bỏ không...

Đọc thêm